Y tế có lẽ là một trong những lĩnh vực hiếm hoi không chịu áp lực từ sự phát triển của robot. Nếu như nhân sự trong nhiều ngành nghề đang đứng trước nguy cơ mất việc làm vào tay robot thì trong lĩnh vực phẫu thuật điều trị bệnh, điều này còn khá lâu mới có thể xảy ra.

Ưu điểm của “bác sỹ” robot

Không chỉ các bộ phim viễn tưởng như “I, Robot”, gần đây nhiều nhà khoa học cũng đã cảnh báo về viễn cảnh robot thay thế, “cướp” mất việc làm của con người. Robot đang tham gia ngày càng sâu vào nhiều lĩnh vực và tự động hóa hoàn toàn có thể làm thay đổi toàn bộ thị trường lao động.

Công nghệ robot hiện được phát triển cho tất cả các lĩnh vực y tế, bao gồm thiết bị nội soi để tiếp cận các bộ phận cơ thể mà phương pháp thường khó thực hiện, hay những cánh tay máy giúp người đột quỵ phục hồi chức năng. Thậm chí giờ đây, các robot y tá cũng đã được phát triển để giám sát bệnh nhân ở nhà, theo dõi và đảm bảo họ uống thuốc đúng chỉ định.

Câu hỏi đặt ra là những công việc đòi hỏi tay nghề cao hơn như phẫu thuật có sớm rơi vào tay robot? Liệu bác sỹ của bạn có thể là một robot không? Theo tờ Independent, các bác sỹ phẫu thuật chưa cần quá lo lắng về vấn đề này.

Bởi lẽ, ngay cả Da Vinci - robot phẫu thuật hiện đại nhất thế giới hiện nay - cũng còn quá nhiều khuyết điểm để có thể thay thế con người. Robot này được cấp phép ở Mỹ vào năm 2000. Theo website của Intuitive Surgical - công ty sản xuất robot Da Vinci, nó được đặt tên theo Leonardo Da Vinci vì ông chính là người đầu tiên trong lịch sử tạo ra một robot.

Một hệ thống phẫu thuật Da Vinci tiêu biểu. Ảnh: Prezi

Cũng như Internet và GPS, robot Da Vinci được phát triển từ các công nghệ cao của quân đội. Nó được Cơ quan Phát triển dự án quốc phòng tiên tiến Mỹ (DARPA) tạo ra với mục đích phẫu thuật trên chiến trường để thay thế bác sỹ, giúp họ tránh sự nguy hiểm. Robot này có nhiệm vụ hỗ trợ phẫu thuật nội soi hoặc phẫu thuật can thiệp lỗ nhỏ.

Robot Da Vinci có 4 cánh tay khéo léo và sự khéo léo này không giảm dần theo tuổi tác như các bác sỹ. Nó được đánh giá là giúp giảm nguy cơ biến chứng sau mổ, giảm mất máu - đồng nghĩa với việc giảm nhu cầu truyền máu. Với sự xâm lấn tối thiểu, việc sử dụng Da Vinci giúp giảm đau đớn cho bệnh nhân, rút ngắn thời gian nằm viện.

Da Vinci càng được đánh giá cao hơn khi tham gia các ca cắt tuyến tiền liệt - loại phẫu thuật có nguy cơ gây tổn thương thần kinh, dẫn đến tình trạng không tự chủ và bất lực. Độ chính xác của robot đã giúp giảm biến chứng này.


Robot vô dụng nếu không có bác sỹ

Dù có nhiều ưu điểm, robot phẫu thuật vẫn còn không ít hạn chế như thời gian mổ kéo dài, chi phí cao. Robot Da Vinci có giá khoảng 1 triệu USD, việc duy tu, bảo dưỡng, thay thế phụ tùng cũng vô cùng tốn kém, đặc biệt là các chi tiết đòi hỏi thay thường xuyên. Nếu bệnh viện mua robot này, các khoản đắt đỏ đó sẽ được tính vào chi phí phẫu thuật. Dù robot giúp giảm thời gian và chi phí nằm viện, số tiền phải trả vẫn rất lớn.

Một vấn đề nữa là Da Vinci không thể tự hoạt động. Vì vậy, các bác sỹ phẫu thuật phải được đào tạo những kỹ năng cần thiết về 2.000 loại phẫu thuật để có thể sử dụng robot. Hiện chưa có đủ cơ sở để đánh giá so sánh chất lượng các ca phẫu thuật có sự tham gia của robot và các ca mổ thông thường, nên vẫn còn nhiều người hoài nghi về vai trò của nó.

Thừa nhận robot hỗ trợ phẫu thuật nội soi đã giúp giảm thời gian nằm viện, nhưng các nhà phê bình trong giới y khoa nhấn mạnh sự thiếu bằng chứng về tính ưu việt của phương pháp này. Tạp chí y học New England từng chỉ ra rằng việc sử dụng robot hỗ trợ trong mổ nội soi làm tăng chi phí đáng kể, trong khi không có bằng chứng về sự cải thiện kết quả phẫu thuật.

Về phần các bác sỹ, họ khá hào hứng với việc sử dụng robot trong phẫu thuật. Đồng tình với những ý kiến trái chiều kể trên về hiệu quả của robot, họ cho rằng robot chỉ nên được sử dụng cho các ca mổ có độ khó cao.

Cuối cùng, các chuyên gia đều cho rằng robot hỗ trợ trong phẫu thuật sẽ tiếp tục được cải tiến và phát triển tương tự như máy tính. Hiện mô hình robot Da Vinci được đánh giá là khá chậm chạp và cồng kềnh. Việc thu nhỏ nó là có thể khi phần cứng được phát triển. Trong tương lai, các bác sỹ có thể sẽ được sử dụng các thiết bị vi mô thông minh và robot theo yêu cầu để hỗ trợ, tăng cường các phương pháp phẫu thuật.

Tuy nhiên, có thể khẳng định là trong tương lai gần, robot khó theo kịp con người trong phẫu thuật, điều mà nó đang làm rất tốt trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Năm 2016, hơn 750.000 ca phẫu thuật trên toàn thế giới được thực hiện với sự phối hợp của hơn 4.000 hệ thống robot Da Vinci. Tính đến nay, robot này đã hỗ trợ hơn 4 triệu ca mổ trên toàn thế giới. "Công nghệ tiên tiến của Da Vinci cho phép các bác sỹ phẫu thuật tăng tầm nhìn, độ chính xác và sự kiểm soát " - bác sỹ Gagan Gautam - Trưởng khoa U bướu và Ung thư, Viện Max về ung thư tại New Delhi, Ấn Độ.