Vấn đề con người bị robot “cướp” việc làm được nói đến rất nhiều trong các bài báo, các bản báo cáo gần đây về cách mạng công nghiệp 4.0 như một viễn cảnh của tương lai.

Tuy nhiên ở Việt Nam, ngay tại thời điểm này, trong một số doanh nghiệp lớn ứng dụng sản xuất thông minh, lao động phổ thông đang được thay thế dần bằng robot. Sự hiệu quả của việc dùng máy móc thay cho lao động giản đơn khiến nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng hướng đến sản xuất thông minh.

Loại bỏ sai sót nhờ tự động hóa

Bước vào phòng họp với chiếc smartphone, kỹ sư Đỗ Đức Anh - Trung tâm R&D Rạng Đông, Công ty cổ phần bóng đèn - phích nước Rạng Đông - nói vào điện thoại: “Tắt đèn”. Toàn bộ đèn trong phòng vụt tắt dù ông không chạm tay vào côngtắc nào. Và với lệnh “sáng 50%”, hệ thống đèn từ từ sáng lại.

“Đây là một ví dụ về cách tận dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 như công nghệ mạng di động, truyền dẫn dữ liệu không dây, điện toán đám mây, dữ liệu lớn cũng như công nghệ LED trong phát triển hệ thống chiếu sáng thông minh, giám sát và điều khiển từ xa bằng điện thoại di động” - ông Đức Anh nói và cho biết, sản phẩm kể trên là kết quả của quy trình sản xuất thông minh tích hợp công nghệ truyền tải thông qua các mã nhúng điều khiển vào các bản mạch. Công ty cũng đã đầu tư công nghệ tự động hàn dán linh kiện bề mặt (SMD) để dán linh kiện lên các bản mạch siêu nhỏ một cách nhanh và chính xác.

Robot tạo dáng sản phẩm của Công ty gốm sứ Minh Long. Ảnh: Cẩm Nhung

Ông Phạm Xuân Ngũ - phó ngành điện tử, xưởng LED, Công ty Rạng Đông - chia sẻ: “Với linh kiện điện tử kích thước 0,4x0,6mm, khoảng cách giữa các linh kiện là 0,25mm. Mỗi bản mạch cỡ bao diêm có thể chứa từ 30-80 linh kiện nên việc lắp ráp bằng tay là không thể vì không đảm bảo sản lượng và chất lượng. Với công nghệ SMD, sau khi keo được ghim lên bản mạch, máy sẽ tự động nhặt các linh kiện và hàn với tốc độ tới 30.000-60.000 linh kiện/giờ”.

Theo ông Ngũ, với những bản mạch như vậy, một người có tốc độ hàn dán bình thường phải mất nửa ngày mới làm xong, chưa kể nguy cơ mắc lỗi chập chân do khoảng cách giữa các con chíp quá nhỏ; còn khi dán bằng hệ thống được lập trình sẵn kể trên, một bản mạch được hoàn thành trong vài phút, độ chính xác được đảm bảo. “Sản phẩm có sai số gần như bằng không, giá trị gia tăng cao” - ông Ngũ nói.

Thay đổi cơ cấu lao động

Với việc ứng dụng các công cụ, quy trình sản xuất thông minh, nhiều nhà máy không chỉ giảm số công lao động mà còn thay đổi cả cơ cấu nhân sự. Nhà máy sữa Việt Nam - Mega factory - thuộc Công ty sữa Việt Nam (Vinamilk) là một ví dụ. Đơn vị này ứng dụng tự động hóa vào mọi khâu sản xuất từ chiết rót, tiệt trùng đến đóng gói, đóng thùng và chất lên pallet. Vận chuyển nguyên liệu và thành phẩm, nhập kho và xuất hàng đều là việc của robot tự hành. Hệ thống kho thông minh còn cho phép quản lý và truy vết tự động, tối ưu hóa diện tích kho và kết nối với hệ thống ERP (phần mềm hoạch định nguồn lực doanh nghiệp).

Robot đang chất sản phẩm lên pallet gỗ tại Nhà máy sữa Việt Nam. Ảnh: VNM

Nhờ đó, Mega factory không còn sử dụng nhiều lao động phổ thông như trước. Trong cơ cấu nhân lực của đơn vị này, 75% số lao động có trình độ đại học; lao động phổ thông chỉ chiếm 15%, lao động có trình độ trung cấp, cao đẳng chiếm 10%.

Tương tự, Công ty Rạng Đông chỉ cần 3 lao động cho việc vận hành 2 dây chuyền hàn dán để khai báo chương trình và kiểm tra chất lượng định kỳ trên dây chuyền này. Dây chuyền lắp ráp cũng chỉ cần từ 18-22 người mà vẫn sản xuất được 2 triệu bộ đèn mỗi tháng, thay vì cần đến vài trăm người như trước đây. Nhờ đó, theo ông Phạm Xuân Ngũ, công ty có thể đầu tư thêm nhiều dây chuyền sản xuất để tăng sản lượng.

Thông minh hóa theo kiểu “con nhà nghèo”

Không khó để doanh nghiệp nhận ra hiệu quả vượt trội của sản xuất thông minh. Tuy nhiên, sản xuất thông minh thường gắn với tự động hóa, Internet of Things (IoT - Internet vạn vật), nghĩa là cần nâng cấp máy móc, quy trình, công nghệ... với số tiền đầu tư lớn mà chỉ các doanh nghiệp mạnh mới thực hiện được.

Chẳng hạn, để có hệ thống sản xuất thông minh kể trên, Mega factory đã được đầu tư 2.400 tỷ đồng - theo tuyên bố của Vinamilk trong dịp ra mắt nhà máy. Còn Công ty Rạng Đông đã phải trả khoảng 2 triệu USD cho thiết bị hàn dán SMD, chưa kể nhiều triệu USD khác cho các thiết bị kiểm tra, đánh giá, kiểm định sản phẩm, hệ thống server để vận hành dây chuyền.

Ông Kelvin Park - Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp toàn cầu Seoul (Seoul Global startup center) - cho rằng, đối với doanh nghiệp nhỏ, thiếu năng lực tài chính thì tăng cường kết nối là yếu tố tiên quyết để vượt qua thách thức, khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra làn sóng mạnh mẽ về nhu cầu đổi mới công nghệ.

Ứng dụng sản xuất thông minh từng phần cũng là giải pháp được một số doanh nghiệp lựa chọn với tinh thần “liệu cơm gắp mắm”, trong đó có Lecmax - nhà máy chuyên sản xuất cửa thép chống cháy tại Hà Nam. Bên cạnh các khâu vẫn sử dụng nhân công, công ty đã đầu tư hệ thống dây chuyền sơn bằng robot tự động.

Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc sản xuất Công ty cổ phần Hoàng Hạc, TPHCM, nơi đang tận dụng thế mạnh của Internet và đầu tư nhiều cho tự động hóa - cho biết để có bước phát triển vượt bậc, công ty cần có sự thay đổi lớn hơn như sử dụng robot, trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, đầu tư ngay một lúc thì rất khó nên cần phải nâng cấp dần.

Để việc ứng dụng sản xuất thông minh được hiệu quả hơn, ông Minh bày tỏ mong muốn được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Sở KH&CN TPHCM hỗ trợ bằng các buổi hội thảo, tập huấn để học hỏi các mô hình nước ngoài, tiếp cận thêm những thông tin mới về đổi mới sáng tạo và các chính sách hỗ trợ cụ thể khác.