Khuyến khích các nữ sinh quan tâm hơn đến Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (hay STEM), và xem xét khả năng học và làm các ngành nghề này trong tương lai là mục đích của Mạng lưới Đại sứ STEM do Hội đồng Anh ở Việt Nam vừa thiết lập.
Các Đại sứ STEM sẽ đến 20 trường trung học để tập huấn cho khoảng 600 em học sinh. Ảnh minh họa: britishcouncil.vn
Mạng lưới Đại sứ STEM sẽ có mặt ở 20 trường THCS và THPT thuộc cả ba miền để tập huấn cho các em học sinh, ưu tiên học sinh nữ, các kỹ năng xác định và giải quyết vấn đề theo phương pháp giáo dục STEM, nghĩa là sử dụng kiến thức tổng hợp và kết hợp yếu tố kinh doanh, hợp tác, sáng tạo.
Đây là một hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy sự quan tâm và tham gia của nữ sinh trong khoa học và đổi mới sáng tạo thông qua giáo dục STEM và các kỹ năng số” (gọi tắt là Dự án) được tài trợ bởi Đại sứ quán Anh và do Hội đồng Anh ở Việt Nam triển khai.
Theo bà Donna McGowan, Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam, thời gian gần đây, tỷ lệ sinh viên nữ ở Việt Nam đã tăng từ 30% lên 53% nhưng các em chủ yếu tập trung vào các ngành giáo dục, nhân văn, nghệ thuật, “nhường” các ngành kỹ thuật, chế tạo, xây dựng cho các nam sinh viên. Trong khi đó, “các nghiên cứu đều cho thấy, những công ty tuyển dụng nhiều nhân sự nữ hơn luôn hoạt động tốt hơn các đối thủ của họ,” bà Donna McGowan nhấn mạnh.
Ông Phạm Thế Trường, Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam, một đối tác của Dự án, thì cho biết, ông có nhiệm vụ duy trì 33% số nhân sự của mình là nữ và ban lãnh đạo cũng phải có tối thiểu 3 trong số 8 người là nữ. “Khi mất đi một lãnh đạo nữ thì KPI [chỉ số đo lường hiệu quả công việc] của tôi bị giảm rất nhiều,” ông Trường chia sẻ.
Đã có nghiên cứu cho thấy, ở phần lớn các nước trên thế giới, nữ sinh học giỏi ngang hoặc giỏi hơn nam sinh ở môn khoa học; và ở hầu hết tất cả các nước, các nữ sinh đủ năng lực theo học các lớp toán và khoa học ở trình độ đại học nếu họ ghi danh vào những lớp đó. Thế nhưng, theo bà Anna Pearson, Bí thư thứ nhất phụ trách về phát triển, kinh tế, và chính sách, Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam, ở tuổi 16, nhiều em gái tự ti rằng mình không thông minh bằng các bạn trai và đặc biệt không giỏi bằng các bạn trai trong các lĩnh vực STEM. Bởi vậy, bà hy vọng, sự xuất hiện của Mạng lưới Đại sứ STEM sẽ góp phần giúp các em gái thêm tự tin và không còn ngần ngại trong việc theo đuổi các lĩnh vực này nữa.
Được biết, trong một dự án giáo dục STEM cũng do Hội đồng Anh tại Việt Nam triển khai trong hai năm 2016-2017 ở 15 trường THCS và THPT thuộc Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, và Quảng Ninh, 48% số học sinh tham gia khảo sát sau khi dự án kết thúc tuyên bố muốn theo học các ngành STEM ở bậc đại học và làm các nghề liên quan đến STEM trong tương lai.
Đại sứ STEM, họ là ai?
Cuối tháng trước, Mạng lưới Đại sứ STEM đã có lễ ra mắt chính thức.
Được tuyển chọn vào Mạng lưới là những người đang học tập và làm việc trong các lĩnh vực STEM, giờ quay lại trường phổ thông để hỗ trợ các em học sinh cập nhật kiến thức, kỹ năng và phương pháp học STEM.
Đặc biệt, 80 trong tổng số 130 Đại sứ là các nữ sinh ngành Công nghệ thông tin thuộc 9 trường đại học kỹ thuật tại Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ và TPHCM vừa được Microsoft Việt Nam trao học bổng YouthSpark. Tất cả đều “đam mê sự vi diệu của Công nghệ thông tin” nhưng không ít người phải vượt qua những trở ngại như gia đình nghèo khó, bố mẹ ngăn cản (vì cho rằng ngành này chỉ dành cho con trai), hay bản thân là người khuyết tật… để duy trì được niềm đam mê này.
Bên cạnh đó, mỗi trường phổ thông trong Dự án cũng được cử một giáo viên tham gia Mạng lưới; số Đại sứ còn lại chính là các nhà nghiên cứu trẻ ở các viện, trường, và doanh nghiệp.
Ngay sau lễ ra mắt, các Đại sứ bắt đầu được tập huấn để có thể làm tốt vai trò của người “lan tỏa” niềm đam mê STEM, dưới sự hướng dẫn của hai chuyên gia người Anh.
Và trong suốt tháng 12/2018, các nhóm Đại sứ sẽ đổ về các trường ở Hà Nội (6 trường), TPHCM (5 trường), Huế (3 trường), Đà Nẵng (3 trường), Cần Thơ (3 trường), truyền cho các em học sinh những kiến thức, kỹ năng cơ bản về STEM và cùng nhau tạo ra những hoạt động thực hành thú vị thông qua việc phát triển những dự án STEM cụ thể.
Các nhóm Đại sứ sẽ lên khung bài giảng tùy thuộc vào năng lực học sinh và điều kiện của từng trường. Số học sinh tham
gia mỗi khóa tập huấn được giới hạn 30–40 em, trong đó 70% là nữ.
Để phát huy sức mạnh của Mạng lưới
Theo TS Đặng Văn Sơn - người sáng lập Học viện Sáng tạo S3, thành viên của Liên minh STEM Việt Nam - Mạng lưới Đại sứ STEM là một mô hình quen thuộc ở Vương quốc Anh, do Trung tâm STEM Quốc gia tổ chức và quản lý.
Mạng lưới bao gồm những người tình nguyện dành thời gian để khuyến khích các bạn trẻ theo học các ngành STEM và làm các nghề STEM thông qua các buổi nói chuyện, hướng dẫn thực hành hay triển lãm... Các hoạt động này không bó hẹp trong lớp học mà có thể diễn ra ở các câu lạc bộ, các nhóm, các cộng đồng… Hiện Mạng lưới đã có mặt trên khắp nước Anh với khoảng 30 nghìn thành viên.
Từng tích cực vận động cho sự ra đời của một mạng lưới tương tự ở Việt Nam, TS Đặng Văn Sơn cho rằng, để có một Mạng lưới Đại sứ STEM thật sự bền vững, nhất thiết phải có một cơ quan quản lý chính thức. Đi kèm với đó là một nền tảng để việc đăng ký trở thành Đại sứ hay việc đề xuất nhu cầu từ phía cộng đồng đều trở nên dễ dàng. Đó là lý do tại sao anh bày tỏ sự thiếu tin tưởng vào các dự án ngắn hạn trong việc thiết lập Mạng lưới Đại sứ STEM. “Kinh nghiệm của tôi cho thấy tư duy dự án rất dễ chết yểu,” anh nói.
Theo thông tin từ Dự án của Hội đồng Anh ở Việt Nam, lộ trình hoạt động của Mạng lưới Đại sứ STEM trong tương lai sẽ chỉ được thảo luận vào tháng 2/2019, trước khi Dự án kết thúc.
Trả lời Khoa học và Phát triển, bà Hoàng Vân Anh, Giám đốc Chương trình Giáo dục và Xã hội thuộc Hội đồng Anh ở Việt Nam, cho biết, mô hình Mạng lưới Đại sứ STEM đã được Hội đồng Anh triển khai ở một số nước như Thái Lan hay Malaysia và các mạng lưới thường được chuyển giao cho một đơn vị ở nước sở tại tiếp quản sau khi dự án kết thúc. Ở Việt Nam, bà hy vọng, các đối tác của Dự án – bao gồm Microsoft Vietnam (thông qua Trung tâm Giáo dục và Phát triển) và BK-Holdings (thông qua Junior Startup) - sẽ tận dụng được Mạng lưới trong các hoạt động liên quan đến giáo dục STEM của mình.