Nghiên cứu mới đây phát hiện một nghịch lý lạ lùng: ở những nước nữ giới được trao quyền thì khả năng họ chọn các nghề thuộc ngành toán và khoa học lại thấp hơn.
Dù con số nữ giới làm ở các ngành này ngày càng tăng, chỉ có 27% trong tổng số học sinh tham gia các kỳ thi AP (Advanced Placement - kỳ thi đánh giá sự chuẩn bị của thí sinh cho bậc đại học và thể hiện kết quả học tập của thí sinh đó ở bậc trung học phổ thông) môn khoa học máy tính ở Mỹ là nữ. Khoảng cách về giới càng rộng thêm khi chỉ có 18% số bằng của các trường khoa học máy tính thuộc về giới nữ. Đó là ở Mỹ, nơi các cô gái được dạy rằng họ có thể trở thành bất cứ ai mà họ muốn.
Trong khi đó, ở Algeria, 41% số sinh viên tốt nghiệp các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật, và toán học – hay STEM, là nữ. Ở nước này, những phân biệt đối xử trong sử dụng lao động bất lợi cho nữ giới hết sức phổ biến và phụ nữ còn phải chịu sự áp chế từ các ông chồng.
Vậy làm sao để giải thích xu hướng các quốc gia ít có truyền thống về bình đẳng giới hơn lại có số nữ giới làm việc trong các lĩnh vực khoa học và kỹ thuật đông hơn các nước tiến bộ về bình đẳng giới?
Theo một bài báo do các nhà tâm lý học Gijsbert Stoet ở Đại học Leeds Beckett (Anh) và David Geary ở Đại học Missouri (Mỹ) công bố trên tạp chí Psychological Science (Khoa học Tâm lý), nguyên nhân có thể đơn giản là do nữ giới ở những nước có mức độ bất bình đẳng giới cao hơn tìm kiếm con đường khả thi nhất giúp họ được tự do về tài chính. Và thường là, con đường đó dẫn tới các ngành STEM.
Vấn đề này không liên quan đến năng lực của nữ giới đối với các ngành STEM. Xem xét điểm bài kiểm tra ở 67 quốc gia và vùng lãnh thổ, Stoet và Geary phát hiện ra rằng, ở phần lớn các nước, nữ sinh học giỏi ngang hoặc giỏi hơn nam sinh ở môn khoa học; và ở hầu hết tất cả các nước, các nữ sinh đủ năng lực theo học các lớp toán và khoa học ở trình độ đại học nếu họ ghi danh vào những lớp đó.
Nhưng khi xét về ưu thế tương đối, ở hầu hết tất cả các nước, trừ Romania và Lebanon – môn học mà nam sinh đạt kết quả tốt nhất là khoa học, và nữ sinh là môn đọc. (Nghĩa là, nữ sinh không chỉ giỏi ngang nam sinh ở môn khoa học, mà còn giỏi hơn ở môn đọc). Tính trung bình ở tất cả các nước được khảo sát, 24% số nữ sinh đạt kết quả tốt nhất ở môn khoa học, 25% thể hiện thế mạnh ở môn toán, và 51% đạt kết quả xuất sắc ở môn đọc. Đối với nam sinh, các tỷ lệ tương ứng là 38%, 42%, 20%. Và càng ở những nước có mức độ bình đẳng giới cao, tính theo Chỉ số Bình đẳng giới Toàn cầu (Global Gender Gap Index) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), thì khoảng cách giữa số phần trăm nam sinh và nữ sinh đạt kết quả tốt nhất ở môn khoa học càng lớn. (Những nước có mức độ bình đẳng giới cao nhất là Thụy Điển, Phần Lan, và Iceland. Thổ Nhĩ Kỳ và Các tiểu vương quốc Arab thuộc nhóm xếp hạng cuối về bình đẳng giới, theo Global Gender Gap Index).
Khoảng cách về trình độ ở môn đọc giữa nam sinh và nữ sinh cho thấy lợi thế của nữ sinh về ngôn ngữ cơ bản và nhìn chung nữ sinh hứng thú với việc đọc hơn. “Các em đọc nhiều hơn và do vậy thực hành nhiều hơn,” Geary nói.
Thêm vào đó, những nước cho ra lò nhiều nữ cử nhân các ngành như khoa học, kỹ thuật, hay toán nhất cũng là những nước có mức độ bình đẳng giới thấp nhất. Những nước này gợi ra một thực tế là những nước trao quyền cho phụ nữ thì một cách gián tiếp cũng trao quyền cho họ lựa chọn bất kỳ nghề nghiệp nào mà họ yêu thích nhất hoặc làm giỏi nhất.
“Những nước có mức độ bình đẳng giới cao nhất thường là những nhà nước phúc lợi với mức an sinh xã hội cao,” các nhà nghiên cứu viết. Trong khi đó, những nước có mức độ bình đẳng giới thấp hơn cũng có ít trợ cấp xã hội hơn dành cho những người thất nghiệp chẳng hạn. Do đó, các tác giả nêu giả thiết, nữ giới ở những nước này nghiêng về chọn các nghề STEM bởi chúng mang lại tương lai tài chính chắc chắn hơn so với các nghề như hội họa hay viết lách.
Kết luận từ nghiên cứu này cho thấy: Vấn đề bình đẳng giới không cản trở nữ giới theo đuổi khoa học, mà đúng hơn, nó cho phép họ không bắt buộc phải lựa chọn khoa học nếu họ không thật sự yêu thích.
Các kết quả từ nghiên cứu có khả năng sẽ gây tranh cãi bởi khi muốn chứng minh chúng ta đừng nên cố tuyển dụng thêm nữ giới trong các lĩnh vực STEM, một số người thường viện ra rằng nam giới và nữ giới có những năng lực cố hữu khác nhau. Nhưng, như giáo sư nghiên cứu về giới Janet Shibley Hyde ở Đại học Wisconsin (Mỹ), người không liên quan đến nghiên cứu nói trên, chỉ ra: “Có người sẽ nói khoảng cách về giới trong các ngành STEM xuất hiện không phải bởi nữ giới không có khả năng làm khoa học mà bởi họ có các lựa chọn khác, dựa trên thế mạnh về kỹ năng ngôn ngữ của mình. Ở những nước giàu, người ta tin rằng họ được tự do theo đuổi các lựa chọn đó mà không phải quá lo lắng về việc thu nhập sẽ bị giảm.”
Theo nghiên cứu này, con số phần trăm số nữ sinh đạt kết quả xuất sắc ở môn khoa học hay môn toán vẫn lớn hơn con số nữ giới sở hữu tấm bằng thuộc các ngành STEM. Điều đó có nghĩa là ngay cả ở những xã hội khai phóng nhất vẫn có yếu tố gì đó “hích” nữ giới ra khỏi lĩnh vực toán học và khoa học, dù đó là những môn họ học giỏi nhất.
Một lần nữa, chỉ có thể giải thích là, khi đạt tới cảm giác an toàn về tài chính và được trả thù lao ngang bằng với nam giới, một số phụ nữ sẽ luôn chọn đi theo niềm đam mê của họ hơn là nghe theo lời khuyên của các nhà kinh tế lao động. Và những niềm đam mê này không phải lúc nào cũng nằm trong lĩnh vực khoa học.