Trong vai trò là người khởi xướng và chủ nhiệm dự án, chuyên gia Nguyễn Thành Hải trả lời phỏng vấn của Khoa học và Phát triển về việc tập huấn phương pháp dạy học mới này ở một địa bàn miền núi.
Thực tế triển khai luôn đa dạng hơn nhiều
Được biết thời gian gần đây năm nào anh cũng về nước tập huấn và chia sẻ kinh nghiệm về giáo dục STEM cho các giáo viên và phụ huynh, nhưng chủ yếu là ở thành phố lớn. Vậy mới đây, khi tập huấn cho khoảng 60 thầy cô ở thành phố miền núi nhỏ bé Hà Giang trong khuôn khổ dự án “STEM on the Move”, anh có phải điều chỉnh nội dung trình bày không?
Những khác biệt về điều kiện sinh hoạt, những khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở địa phương đã được các thành viên trong nhóm dự án lường trước nên khi triển khai tập huấn cho giáo viên tại TP Hà Giang, tôi có điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp.
Cụ thể, với hoạt động đi thực địa, thay vì chọn đến công viên hoặc viện bảo tàng như ở các thành phố lớn, tôi chọn bối cảnh thiên nhiên rừng núi phía bắc, như đi vào các thôn bản, đến trạm thủy điện…, để các thầy cô dễ dàng lấy ý tưởng triển khai cho lớp học. Trong hoạt động thực hành, tôi chọn các vật liệu dạy học dễ kiếm, rẻ tiền như que gỗ, giấy màu, bong bóng… thay vì các vật dụng thí nghiệm đắt tiền, khó mua như thiết bị bay không người lái, hóa chất...
Quả thật sự hứng khởi và các nội dung thảo luận có chiều sâu của các thầy cô đã vượt quá sự mong đợi ban đầu của chúng tôi. Chẳng hạn, có giáo viên trình bày về mô hình vườn - ao - chuồng dùng để dạy học sinh biết lồng ghép không chỉ kiến thức sinh học, vật lý, hóa học, toán học, công nghệ, kỹ thuật mà cả nghệ thuật và văn hoá.
Theo kế hoạch, sau khóa tập huấn trực tiếp, dự án sẽ triển khai khóa tập huấn trực tuyến. Anh có thể cho biết, cụ thể khóa tập huấn này sẽ được tổ chức như thế nào và bổ khuyết những nội dung gì cho khóa tập huấn trực tiếp?
Các chương trình tập huấn giáo viên STEM tại Mỹ cũng như các nghiên cứu giáo dục đều cho thấy, giáo viên tham gia tập huấn trực tiếp tại chỗ cần được hỗ trợ gián tiếp qua mạng trong suốt năm học về sau thì kết quả tập huấn mới đạt hiệu quả cao, bởi vậy, trong dự án này, chúng tôi đã áp dụng cách làm đó với các giáo viên tại TP Hà Giang.
Chuyên gia Nguyễn Thành Hải cùng các em nhỏ “làm kem siêu tốc”, Trung tâm Giáo dục cộng đồng TP Hà Giang, 20/7/2018. Ảnh: Cao Tuấn Vũ
Sau khóa tập huấn kéo dài 5 ngày, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ tập huấn trực tuyến cho giáo viên trong quá trình họ triển khai các bài dạy STEM tại trường cũng như các hoạt động ngoại khóa. Chúng tôi sử dụng platform giáo dục online mở của Mỹ, mỗi giáo viên sẽ có một tài khoản riêng, tham gia trao đổi vào một lớp học chung do chúng tôi tổ chức. Các giáo viên được đặt câu hỏi, nêu lên bất cứ vấn đề gì phát sinh trong quá trình triển khai giáo dục STEM.
Kinh nghiệm của tôi cho thấy, giáo viên dù ở Mỹ hay Việt Nam đều gặp khó khăn và thiếu tự tin trong việc triển khai áp dụng phương pháp dạy học mới trong năm đầu, cho dù trước đó họ đã được tập huấn rất kỹ lưỡng bởi thực tế triển khai luôn đa dạng và phong phú hơn rất nhiều so với những ví dụ được trình bày trong khóa tập huấn trực tiếp vốn bị giới hạn về thời gian. Do vậy, nếu được hỗ trợ tư vấn kịp thời, họ sẽ vượt qua khó khăn ban đầu và có thể tự tin triển khai dạy học tốt trong một thời gian ngắn.
Điểm vướng trong nhận thức
Anh nhận xét gì về khả năng đưa giáo dục STEM vào trường học ở các địa phương miền núi cũng như khả năng tiếp thu của các em học sinh qua những quan sát, trải nghiệm thực tế ở TP Hà Giang?
Trong chuyến đi tập huấn vừa qua, tôi có dự giờ một buổi dạy học STEM trong chuỗi sinh hoạt hè của Trung tâm Giáo dục cộng đồng TP Hà Giang. Hôm đó, các em được học về cách làm kem siêu tốc dựa trên nguyên lý thay đổi nhiệt độ tan chảy của nước đá khi thêm muối vào. Tôi nhận thấy em nào cũng vui vẻ, hào hứng. Nhìn khuôn mặt của các em mà tôi ước gì đã đem giáo dục STEM về với các em sớm hơn.
Các em đặt ra nhiều câu hỏi thể hiện tính sáng tạo trong quá trình làm thí nghiệm. Khác với các giờ học các môn khoa học ở trường, ở đâycác emđược thực hành nhiều hơn, liên hệ các kiến thức với thực tế nhiều hơn, thấy được vai trò của kiến thức khoa học đối với đời sống nhiều hơn, và đặc biệt có cơ hội sáng tạo nhiều hơn. Ngoài ra, các kỹ năng như thuyết trình, làm việc nhóm, tư duy phản biện được lồng ghép một cách khéo léo, chính các em không hề hay biết là mình đang được học và rèn luyện các kỹ năng đó.
Tôi nghĩ, nếu các thầy cô được tập huấn bài bản, các trường học có nhận thức đúng đắn về giáo dục STEM, đặc biệt nếu Bộ Giáo dục có những chủ trương, chính sách khuyến khích phù hợp, thì việc triển khai giáo dục STEM ở Việt Nam sẽ rất thuận lợi.
Theo anh, các địa phương có điều kiện tương tự có thể học tập mô hình triển khai giáo dục STEM ở TP Hà Giang không?
Giáo dục STEM bắt nguồn từ giáo dục khoa học, trên cơ sở của các môn khoa học và toán học, do vậy ở đâu dạy khoa học và toán học, ở đó đều có thể triển khai giáo dục STEM.
Trong khóa tập huấn, tôi đã phân tích với các giáo viên nhiều cách và nhiều góc độ tiếp cận giáo dục STEM khác nhau trong những điều kiện và hoàn cảnh khác nhau. Nhưng cho dù trong điều kiện và hoàn cảnh nào, giáo viên và học sinh cũng rất cần nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ của các sở giáo dục, trường học và xã hội, nhất là về mặt nhận thức.
Vậy có thể tiếp cận giáo dục STEM từ những góc độ nào? Những địa phương như Hà Giang nên tiếp cận ở góc độ nào?
Có nhiều góc tiếp cận về giáo dục STEM như tiếp cận từ nội dung chương trình, từ phương pháp giảng dạy, từ các hoạt động ngoại khoá, từ môi trường học tập. Trong đó, có những cách tiếp cận đi từ dưới lên, nghĩa là từ phía người dạy và người học, nhưng cũng có cách tiếp cận đi từ trên xuống, nghĩa là từ các chính sách, chủ trương. Theo tôi, trong bối cảnh ở những vùng còn gặp nhiều khó khăn về điều kiện vật chất thì cách tiếp cận từ phía người dạy và người học sẽ nhanh hơn và linh hoạt hơn.
Cụ thể, thông qua hoạt động tập huấn vừa qua, các giáo viên địa phương đã hiểu được về cơ bảngiáo dục STEM là gì, nên bắt đầu từ đâu, chọn mô hình nào để dạy học và cần thay đổi gì về cách dạy để tiếp cận giáo dục STEM tích hợp. Đặc biệt, các thầy cô thấy được việc dạy học cần hướng đến cảm xúc của học sinh và giúp học sinh tìm thấy niềm vui trong quá trình học tập. Theo như tôi được biết thì hiện nay tỉ lệ bỏ học ở các vùng miền núi phía bắc vẫn còn khá cao so với mặt bằng chung của cả nước.
Như anh đã nhấn mạnh, nhận thức chứ không phải bối cảnh xã hội hay cơ sở vật chất mới chính là rào cản đối với việc tiếp nhận giáo dục STEM ở các địa phương. Vậy chúng ta đang bị “vướng” ở đâu trong nhận thức?
Chẳng hạn, chúng ta không nên đặt nặng về tên gọi STEM, đó chỉ là hình thức bên ngoài, mang tính chất khẩu hiệu, trong tương lai có thể có những tên gọi khác nữa, quan trọng là phải nhận thức được triết lý giáo dục con người nói chung trong thời đại mới, cũng như nhận thức một cách có hệ thống về các cách triển khai.
Ngoài ra, chúng ta vẫn còn phụ thuộc nhiều vào các chương trình cố định của sách giáo khoa, xem sách giáo khoa như là khuôn mẫu và buộc giáo viên phải dạy đúng như vậy mà ít có sự sáng tạo riêng của từng người hoặc theo đặc trưng của từng vùng miền, từng môi trường học tập.
Bên cạnh đó, chúng ta quá đặt nặng thành tích thi cử, theo kiểu thi gì thì học nấy, không thi thì không học, kiến thức cũng thiên về lý thuyết mà ít gắn với thực hành, trải nghiệm. Những vướng mắc ấy cần sớm được tháo gỡ bằng các chính sách giáo dục mới.
Trân trọng cảm ơn anh.
Chặng đường phổ biến giáo dục STEM ở Hà Giang gắn liền với sự ra đời của Trung tâm Giáo dục cộng đồng TP Hà Giang, trung tâm giáo dục cộng đồng đầu tiên trên cả nước vận hành theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập bán tự chủ có sự hợp tác chặt chẽ với các nhóm xã hội, trong đó, vai trò của chuyên gia được đề cao. Dưới đây là một vài mốc thời gian nổi bật của Trung tâm:
8/8/2017: Ra mắt, trở thành đơn vị đầu tiên ở TP Hà Giang triển khai chương trình giáo dục STEM với sự hợp tác về chuyên môn của chuyên gia Nguyễn Thành Hải;
3/11/2017: Tham gia tổ chức Ngày hội STEM tại Trường THCS Yên Biên, Trường Phổ thông dân tộc Nội trú cấp 2-3 Bắc Quang;
9/2017-12/2017: Đào tạo đội ngũ giáo viên STEM của Trung tâm gồm 5 người;
1/2018: Thành lập CLB STEM Cộng đồng, lồng ghép hoạt động STEM cộng đồng vào các buổi sinh hoạt cuối tuần tại các trung tâm học tập cộng đồng cấp xã trên địa bàn thành phố;
1/2018 – 3/2018: Đưa giáo viên dạy STEM của Trung tâm về 3 trường tiểu học dạy mẫu một số tiết nhằm đánh giá sự ham thích, tò mò và khả năng tiếp nhận của học sinh đối với phương pháp học mới;
6/2018 đến 6/2019: Triển khai dự án “STEM on the Move” nhằm bảo đảm học sinh một số lớp ở các trường tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố được tham gia thực hành STEM theo chủ đề trong tiết sinh hoạt vào thứ 6 hằng tuần và các chương trình STEM ngoại khóa tại một số trung tâm học tập cộng đồng vào mỗi cuối tháng. |
Anh Nguyễn Thành Hải hiện làm việc tại Viện ReSTEM thuộc Đại học Missouri. Anh chuyên nghiên cứu về các vấn đề đổi mới chương trình dạy học STEM và triển khai các phương pháp dạy học STEM trong các chương trình phổ thông tại Mỹ, thông qua các đề tài và dự án nghiên cứu trong trường Đại học Missouri và giữa các trường đại học trong toàn nước Mỹ.
Theo anh Hải, ở Mỹ hiện có hơn 280 tổ chức nghiên cứu giáo dục STEM, tăng gấp 10 lần so với thời điểm tổng thống Obama phát biểu cần đẩy mạnh giáo dục STEM vào năm 2011. Những tổ chức này chủ yếu là của nhà nước, nhận kinh phí từ chính phủ liên bang, hoạt động phi lợi nhuận. Mục tiêu của nước Mỹ là đến năm 2021 sẽ có 100 ngàn giáo viên đạt tiêu chuẩn dạy STEM chất lượng cao. |