Câu chuyện khởi nghiệp của Nathalie Miller - cô gái mang một phần dòng máu Việt Nam - cho thấy một thung lũng Silicon rất khác so với tưởng tượng của số đông rằng đây là miền đất hứa, nơi các sinh viên mới ra trường đến “tụ nghĩa” và trở thành tỷ phú sau vài năm.

Cô gái mang tham vọng lớn

Sinh ra tại Berkeley (Mỹ), Nathalie Miller chuyển về Việt Nam sau khi tốt nghiệp Đại học Harvard và thành lập một tổ chức tài chính vi mô phi lợi nhuận với quy mô lúc mở rộng lên đến 92 nhân sự.

Nathalie Miller - cô gái lai - đã phải từ bỏ giấc mơ khởi nghiệp tại thung lũng Silicon. Ảnh: NYT
Nathalie Miller - cô gái lai - đã phải từ bỏ giấc mơ khởi nghiệp tại thung lũng Silicon. Ảnh: NYT

Khi trở lại Mỹ, cô gái mang trong mình dòng máu Việt Nam và châu Âu này làm luận án tiến sỹ xã hội học tại Đại học California, sau đó gia nhập thế giới công nghệ. Cô đầu quân cho Instacart - hãng khởi nghiệp trong lĩnh vực phân phối rau quả có giá trị hơn 2 tỷ USD. Tuy có thu nhập cao và triển vọng nghề nghiệp lớn, nhưng Miller vẫn quyết định rời công ty với lý do giống như nhiều thành viên khác của thung lũng Silicon: Mở công ty riêng, không chỉ nhằm đến thu nhập triệu đô mà còn để thực hiện các sứ mệnh mình tin tưởng.

Thung lũng Silicon thoạt nhìn có vẻ giống miền đất hứa, nơi thành công chờ đón tất cả mọi người. Các sinh viên mới ra trường đến đây và trở thành tỷ phú sau vài năm. Tại đây, Mark Zuckerberg có tiền tỷ trước tuổi 23. Cũng chính Facebook đã phải trả tới 19 tỷ USD cho một ứng dụng chỉ mới 5 năm tuổi - WhatsApp.

Khi làm việc tại Instacart, Miller hiểu những khó khăn dành cho phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ như quấy rối tình dục, phân biệt đối xử... và suy ngẫm về sứ mệnh thay đổi văn hóa công sở. Ý tưởng của người phụ nữ 34 tuổi này là xây dựng một website tuyển dụng thân thiện hơn với phụ nữ.

Thuyết phục được một kỹ sư cùng khởi nghiệp, cô lập trang web Doxa - chuyên thu thập các thông tin mà ứng viên muốn biết, nhưng thường không hỏi đến trong các cuộc phỏng vấn xin việc, sử dụng các dữ liệu tâm lý và tinh thần để tìm các ứng viên phù hợp với chủ lao động. Miller kỳ vọng Doxa sẽ trở thành một phương tiện xử lý các vấn đề thuộc về sự đa dạng trong môi trường làm việc: Trung bình 30% số nhân viên tại các hãng công nghệ lớn như Google, Facebook và Apple là nữ, 5% có gốc Latin và 4% là người da đen.

Không nhiều cơ hội cho phụ nữ

Các quỹ đầu tư mạo hiểm là người nắm chìa khóa thành công tại thung lũng Silicon; nhưng “thần tài” chỉ gọi tên 1% trong hàng loạt công ty gõ cửa những quỹ này. Theo thống kê của CB Insights - hãng nghiên cứu theo dõi các công ty tư nhân và nhà đầu tư, đại đa số doanh nhân nhận được tài trợ là đàn ông da trắng, chỉ 1% là da đen, 8% là phụ nữ và 12% là người châu Á. Phần lớn các công ty khởi nghiệp gây được quỹ không sống sót quá 20 tháng và không thể đưa tài sản vượt quá 1,3 triệu USD.

Dù thế nào thì sức hút của thung lũng Silicon vẫn quá lớn. Đối với người mới, phần thưởng phía trước đáng để chấp nhận rủi ro. Đó không chỉ là tiền bạc mà còn là niềm tin và mơ ước về hoạt động kinh doanh hướng đến những điều tốt đẹp. Miller nằm trong số đó. “Tôi muốn Doxa tồn tại trên đời bởi vì nó sẽ khiến thế giới trở nên tốt đẹp hơn” - cô nói.

Thuyết phục nhà đầu tư là điều vô cùng khó khăn với Miller, bởi họ có xu hướng rót vốn cho những người từng thành công hoặc mang dáng dấp của người thành đạt. Nghiên của cứu Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ năm 2014 cho thấy, các nhà đầu tư thường thích ý tưởng của nam giới hơn của phụ nữ. Với quỹ đầu tư có đối tác nữ, khả năng rót vốn cho nữ doanh nhân cao hơn 3 lần, nhưng đáng tiếc chỉ 6% đối tác của các hãng đầu tư mạo hiểm là nữ.

Ở mặt trái của tấm huân chương, những ví dụ thành công như Facebook hay WhatsApp chỉ là câu chuyện bề nổi. Vô số cái tên khác chưa hề được chúng ta biết đến, chưa bao giờ đủ lớn để ló đầu lên khỏi mặt đất.

Cuộc chạy đua cho 1%

Bà Penny Herscher - Chủ tịch Công ty phần mềm FirstRain, người có vài chục năm kinh nghiệm điều hành công ty phần mềm - được một đồng nghiệp giới thiệu với Miller và đã đồng ý hướng dẫn cho cô. Tại thời điểm gặp mặt, Doxa đã ra mắt được 3 tuần với 820 người dùng tích cực và 300 công ty trong danh sách chờ bổ sung. Miller tính rằng cô cần 2 triệu USD để thuê người và vận hành công ty trong 18 tháng.

Với sự tư vấn của Herscher, Miller đã chuẩn bị tất cả những gì tốt nhất để thuyết phục nhà đầu tư. Cô bỏ quần jean, áo phông kiểu nhân viên công nghệ để mặc theo phong cách của Giám đốc điều hành Yahoo - Marissa Mayer: Áo cổ tròn cao, váy dài đến gối và áo khoác công sở. Cô tập đi tập lại các bài thuyết trình gọi vốn, trong lúc Herscher đóng vai nhà đầu tư kỹ tính đầy nghi ngại.

Phát hiện mình có thai, Miller và Herscher đề ra chiến lược thông báo với các nhà đầu tư, cẩn thận lựa chọn thời điểm và từng câu từ của thông điệp. Sau nhiều tuần chuẩn bị với cường độ làm việc 10 giờ mỗi ngày, Miller đã tiếp cận được Joanne Yuan tại Quỹ Cowboy Ventures. Cô khá lạc quan sau cuộc gặp với Hãng đầu tư toàn cầu NEA. Nhưng rốt cuộc, NEA cho rằng Doxa chưa thể hiện đủ khả năng lôi kéo người dùng, còn Cowboy nhận xét Doxa không đủ khác biệt so với các website tuyển dụng khác.

Cân nhắc kỹ, Miller bàn với người đồng sáng lập Doxa để thu hẹp quy mô xuống 500.000USD và giảm số nhân công dự kiến. Nhưng cộng sự của cô - do được giao thêm trách nhiệm tại công ty chính và do tương lai mờ mịt của Doxa - đã “bỏ rơi” cô. Thời điểm đó, Miller đã gặp hơn 40 đơn vị đầu tư, nhưng khả năng nhận được tài trợ gần như không còn khi thiếu người đồng sáng lập chịu trách nhiệm xây dựng công nghệ. Ước mơ khởi nghiệp tạm dừng vô thời hạn.

Một thung lũng Silicon khác

Ngày sinh nở đến gần cùng với năm thất nghiệp phía trước, Miller bắt đầu thèm khát một công việc ổn định. Từ chối vài lời mời, cô nhận làm tư vấn cho Code 2040 - một quỹ phi lợi nhuận do hai người bạn đại học thành lập. Vài tháng sau, cô được đề nghị làm việc toàn thời gian với vai trò giám đốc chương trình cộng sự.

Bé gái Zadie Mai ra đời đúng dịp Giáng sinh khiến thế giới quan của Miller hoàn toàn thay đổi: “Tôi có một cảm giác xen lẫn giữa tình yêu mãnh liệt và ước muốn được bảo vệ. Tôi muốn được mãi mãi chăm sóc và bên cạnh con, có sự phụ thuộc về thực thể đối với đứa con - điều chưa hề nằm trong kế hoạch trước đó”. Bởi thế, thay vì chỉ nghỉ sinh 1 tháng như kế hoạch, Miller quyết định dành ít nhất 6 tháng để chăm sóc gia đình. Lúc đó, chồng cô cũng đã tìm được công việc toàn thời gian về quảng cáo.

Khoảng thời gian chuyển tiếp từ một nhà khởi nghiệp thành một người làm thuê và một bà mẹ đã khiến Miller nhìn nhận khác về sự thành công trong thung lũng Silicon và rộng hơn là những gì thế hệ của mình muốn nhận được trong sự nghiệp.

“Tôi không ngây thơ. Nhưng đối với tôi, bài học rút ra là tại thung lũng Silicon không phải lúc nào con đường đi từ một ý tưởng đến nguồn tài trợ, đến thành công và thay đổi thế giới cũng là một trải nghiệm bằng phẳng. Bài học có thể chỉ đơn giản rằng kinh doanh là chấp nhận rủi ro và việc nhảy vào một lĩnh vực mà mình thích thú là không hề dễ dàng” - Miller nói.