Dự báo đến năm 2020 sẽ có 505 nhà máy điện hạt nhân trên toàn thế giới. Các quốc gia đang phát triển cũng theo đuổi dự án điện hạt nhân công suất lớn, không chỉ để đảm bảo nguồn cung năng lượng mà còn vì mục tiêu phát triển bền vững và giảm ô nhiễm môi trường.

Hiệp hội Năng lượng thế giới cho biết, nguồn năng lượng sản xuất điện trên toàn thế giới vẫn chủ yếu phụ thuộc vào than đá (chiếm 40,2% trong tổng số nguồn cung cấp điện vào năm 2012), khí đốt (chiếm 22,4%).

Trong khi đó, theo Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ, than đá và khí đốt dùng sản xuất điện lại là các chất chủ yếu gây hiệu ứng nhà kính, làm cho Trái đất nóng lên. Trong giai đoạn 1990-2012 tại Mỹ, tiêu dùng than đá chiếm 73% và tiêu dùng khí đốt chiếm 24% lượng khí gây hiệu ứng nhà kính.

Điện hạt nhân góp phần giảm đáng kể lượng khí thải CO2 do sản xuất điện
Điện hạt nhân góp phần giảm đáng kể lượng khí thải CO2 do sản xuất điện

Cựu Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Steven Chu cho biết than đá là nguồn sinh ra gần một nửa lượng khí thải trên toàn cầu. “Nếu chúng ta thay thế bằng các nhà máy điện với các lò phản ứng hạt nhân an toàn thì có thể giảm nhanh và rất nhiều khí thải gây ô nhiễm”, ông này nhấn mạnh.

Đến năm 2050, dân số thế giới sẽ đạt mốc 9 tỷ người, trong khi hiện tại còn 2 tỷ người thiếu điện. Theo một dự đoán khác của Hiệp hội Năng lượng thế giới, trong giai đoạn 2011-2035, nhu cầu về điện sẽ tăng gấp đôi. Điều này là một thách thức vô cùng lớn đối với các nước về vấn đề đáp ứng năng lượng điện.

Theo các chuyên gia, điện hạt nhân vốn là nguồn năng lượng sạch trò quan trọng trong quá trình giảm hiệu ứng nhà kính. Việc phát triển điện hạt nhân còn góp phần đáng kể vào việc đáp ứng nhu cầu điện cho dân số trên thế giới, nhất là trong bối cảnh nhu cầu này ngày càng tăng cao do dân số liên tục tăng mạnh và đời sống cũng ngày càng được nâng lên.

GS Jeffrey Sachs, GĐ Viện nghiên cứu Trái đất của Đại học Columbia cho biết: “Trên bình diện toàn cầu, khó có thể giải quyết được các vấn đề mà thiếu năng lượng điện hạt nhân”.

Việc mở rộng năng lượng hạt nhân sẽ góp phần giảm đáng kể lượng khí thải CO2 do sản xuất điện. Tại Mỹ vào năm 2014, các nhà máy điện hạt nhân đã cung cấp tới 60% tổng lượng điện mà không sản sinh ra khí thải CO2.

Nhiều chuyên gia cho rằng, điện hạt nhân sẽ là một trong những giải pháp quan trọng cho tương lai, vừa đảm bảo được nguồn cung điện, vừa đáp ứng được tiêu chí giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Theo Hiệp hội Hạt nhân thế giới, tính đến tháng 1/2016 có khoảng 440 nhà máy điện hạt nhân đang vận hành ở 31 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng công suất hơn 380GWe. Năm 2014, các nhà máy này đã cung cấp lượng điện 2.411 tỷ kWh - chiếm hơn 11% tổng năng lượng điện trên thế giới.