Những “gã khổng lồ” về công nghệ như Microsoft, Google hay Facebook đều hình thành từ những ý tưởng thời học sinh, sinh viên. Để vượt qua giai đoạn khởi nghiệp, các công ty này đã có những hướng đi khôn ngoan, cách thuyết phục nhà đầu tư và quản lý kinh doanh hiệu quả.
Khởi nghiệp từ học đường
Điểm chung của Microsoft, Google hay Facebook - ba “gã khổng lồ” công nghệ - là khởi nghiệp từ những ý tưởng và niềm đam mê của học sinh, sinh viên tại các trường học Mỹ. Trong đó, sự ra đời của Microsoft có nguồn gốc sâu xa từ đam mê lập trình Basic trên máy tính của Bill Gates và Paul Allen ngay từ khi họ còn học trường cấp hai Lakeside tại Seattle, Washington. Chính Basic đã giúp Bill Gates và Paul Allen có đủ tự tin để chủ động liên hệ cộng tác với Công ty MITS ở bang New Mexico khi còn là sinh viên.
Nhận được hợp đồng xây dựng ngôn ngữ lập trình cho máy tính Altair 8800 của MITS, Bill Gates bắt đầu làm việc ngày đêm trong phòng máy tính của trường Harvard - nơi mà gia đình Gates hy vọng sẽ giúp Bill trở thành một luật sư giỏi.
Sau khi chạy thử nghiệm thành công ngôn ngữ lập trình cho bản sao máy tính Altair 8800, ông rời Harvard và đến làm việc tại MITS năm 1975. Sau đó, Bill Gates và Paul Allen lập công ty riêng Microsoft.
Giống như người sáng lập Microsoft, Larry Page - cha đẻ của Google - cũng sớm tiếp xúc với máy tính trong môi trường học đường. Nhưng khác với Bill Gates, Larry Page có điều kiện theo đuổi liên tục chuyên ngành khoa học máy tính từ đại học tới cao học.
Công cụ tìm kiếm Google đã được Larry Page và Sergey Brin phát triển từ một dự án nghiên cứu ngay tại Đại học Standford, ban đầu được vận hành trên chính website của trường.
Khi số người sử dụng quá đông, họ quyết định lập công ty riêng mang tên Google vào tháng 9/1998. Larry Page ngừng việc học ở Đại học Standford từ thời điểm đó.
Ra đời muộn hơn Microsoft và Google, nhưng Facebook cũng là sản phẩm được phát triển từ khi Mark Zuckerberg còn là sinh viên Đại học Harvard. Dựa trên trang đánh giá Hot or Not, Zuckerberg đã tạo ra trang Facemash để so sánh, đánh giá các sinh viên trong trường.
Dù bị Harvard cấm, nhưng Facemash vẫn lan truyền mạnh trong môi trường học đường. Từ Harvard, trang mạng này được các sinh viên ở các trường Standford, Yale và Columbia sử dụng, rồi lan rộng tới hầu hết các đại học ở Mỹ và Canada.
Vươn mình thành khổng lồ nhờ đi đúng hướng
Google và Facebook khi mới thành lập công ty đều tính ngay tới việc chuyển văn phòng chính tới khu công nghệ cao Silicon Valley (Mỹ) để tìm nguồn vốn, bởi tại đây có nhiều nhà đầu tư mạo hiểm sẵn sàng chi tiền cho những ý tưởng khởi nghiệp mới.
Năm 1999, Google quyết định chuyển trụ sở từ… garage ôtô ở 232 Santa Margarita, California tới Palo Alto - thành phố trung tâm của Silicon Valley và ngay sau đó đã nhận được 25 triệu USD tài trợ từ Sequoia Capital, Kleiner Perkins Caufiel and Byers. Giống như Google, Facebook sau khi chuyển tới Palo Alto, California vào tháng 6/2004 thì đến cuối năm đã tìm kiếm được rất nhiều nhà đầu tư tại Silicon Valley. Một trong các nhà đầu tư mạo hiểm đầu tiên mà giới lãnh đạo Facebook tìm đến thuyết phục là Peter Thiel - người đồng ý chi cho Facebook khoản vốn 500.000USD.
Cũng đi lên trong lĩnh vực công nghệ, nhưng Microsoft là trường hợp khởi nghiệp hiếm hoi không chọn hướng di chuyển về vùng “đất hứa” Silicon Valley để tìm nguồn vốn đầu tư. Microsoft ra đời sau khi Bill Gates và Paul Allen phát triển phần mềm ngôn ngữ lập trình Basic cho máy tính Altair 8800 của hãng công nghệ MITS tại Albuquerque, New Mexico. Sau khi MITS sụp đổ, Microsoft chuyển về Washington (Mỹ).
Điều mấu chốt giúp Microsoft khởi nghiệp thành công chính là quyết định bảo vệ bản quyền sản phẩm. Sau khi bán phần mềm đầu tiên cho MITS với giá 3.000USD, Gates và Allen nhận ra rằng phần mềm của họ bị các tin tặc sao chép. Năm 1976, Gates viết một bức thư ngỏ phê phán những người sao chép phần mềm và phát biểu rằng hành động đó sẽ ngăn cản sự sáng tạo. Bức thư tạo ra hiệu ứng tốt cho những người yêu thích máy tính. Nhiều người bày tỏ sự ủng hộ quan điểm bản quyền phần mềm cần được bảo vệ.
Cuối những năm 1970, Microsoft phát triển hệ điều hành MS-DOS cho hãng máy tính IBM, nhưng đã thận trọng không cho IBM sở hữu độc quyền mà phải cam kết để Microsoft được bán MS-DOS cho các công ty khác. Điều này cho phép Microsoft thu tiền hệ điều hành theo số lượng máy tính được bán ra. Nhờ đó, Microsoft đã thu về khoản tiền khổng lồ từ 7 triệu USD vào năm 1980 đã tăng lên 16 triệu USD doanh thu vào năm 1981.
“Nhờ có thỏa thuận không độc quyền, Microsoft đã có quyền bán hệ điều hành cho các hãng sản xuất thiết bị khác và đưa hãng tiến vào thời kỳ thống trị hệ điều hành máy tính cá nhân” - chuyên gia Michael J.Miller phân tích.