Mua hàng nhưng lại được hoàn tiền, hành động có vẻ không thực tế nhưng đang được thực hiện bởi một ứng dụng trên điện thoại có tên Clingme do Trần Quang Hải-giám đốc công ty và là sáng lập viên Cổ phần Gigatum Việt Nam-đơn vị sở hữu appstore Clingme.vn phát triển.

Đứng lên từ thất bại

Ra đời từ năm 2012, Clingme - theo tiếng Anh nghĩa là mô tả một thứ luôn theo sát bên mình - là một ứng dụng miễn phí giúp người dùng có thể tìm kiếm mọi thứ mình cần trong cuộc sống như cây ATM, trạm xăng, tiệm thuốc, cửa hàng, cơ sở làm đẹp...trong bán kính gần nhất. Điểm đáng chú ý của ứng dụng này là tính năng “Cashback”, tức là hoàn tiền từ 5-70% trên hóa đơn cho người dùng khi “check in” trên ứng dụng. Số tiền hoàn ứng có thể trả bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản ngân hàng cho người dùng. Đây thực chất là hình thức khuyến mãi của các doanh nghiệp có nhu cầu quảng bá, thu hút khách hàng thông qua Clingme.

Quan điểm của Hải là, mỗi giao dịch thành công đều mang lại lợi ích cho các bên và mục đích của dự án là thay đổi ngành bán lẻ ở Việt Nam-nơi theo thống kê có đến 3,5 triệu người bán lẻ và 90-95% vẫn thực hiện theo phương thức truyền thống (offline), phương thức giao dịch bằng công nghệ chưa nhiều (có chăng chuyển từ việc đi chợ sang mua bán tại siêu thị và thanh toán bằng máy) Trần Quang Hải-chàng thanh niên sinh năm 1983 tại thành phố hoa phượng đỏ, từng tốt nghiệp Đại học Ngoại thương và có thời gian học Thạc sỹ chuyên ngành tài chính tại Mỹ năm 2012. Tuy vậy, Hải lại quyết định chọn chuyên ngành CNTT để khởi nghiệp. Hải luôn tâm niệm, để khởi nghiệp thành công phải ở trong vùng giao thoa “ba điểm”: (1) Xã hội đang cần; (2) Bản thân có thể làm được; (3) Có lợi nhuận. Trước khi Clingme ra đời, Hải đã từng khởi nghiệp và thất bại...

Trần Quang Hải, sáng lập Công ty cổ phần Gigatum Việt Nam- đơn vị sở hữu appstore Clingme.vn. Nguồn: Vietnambiz

Sau khi học ở Mỹ về, Quang Hải quyết định thực hiện những ấp ủ của mình. Năm 2012, Hải quyết định khởi nghiệp với dự án mang tên MOEX (viết ngược của từ XE ÔM) với ý tưởng mong muốn kết nối những người hành nghề xe ôm đến gần hơn với khách hàng. Tuy nhiên, do chiến lược chưa đúng nên Hải đã thất bại và cái giá phải trả là anh phải bán nhà để trả nợ. Không chịu gục ngã, Hải luôn suy nghĩ và phân tích những điểm yếu mình vấp phải để có thể khởi nghiệp lại một lần nữa...

Quá trình thực hiên dự án MOEX, Hải phát hiện ra các cửa hàng nhỏ lẻ thường không có công cụ marketing nhằm đẩy kênh bán hàng lên và do đó không có nhiều khách mua hàng biết đến. Đây thực sự là bài toán hóc búa nhưng cũng là cơ hội lớn, khi mà thế hệ điện thoại smartphone ngày càng phổ biến. Và Hải nghĩ đến sẽ làm một ứng dụng nào đó để giải quyết bài toán này, Clingme bắt đầu từ đây...

Chia sẻ với tôi về những ngày đầu khởi nghiệp, Hải cho biết: “Mình biết anh Nguyễn Thái Dương- đồng sáng lập từ khi vừa ra trường, cho đến khi Clingme được phôi thai cũng là thời điểm anh ấy vừa kết thúc một dự án Game của một công ty Nhật Bản. Khi mình chia sẻ ý tưởng, anh ấy thấy thú vị và hai anh em quyết định làm”.

Những khó khăn không dễ nói

“Ngay khi dự án ra đời, cả hai đã thỏa thuận rất rõ ràng, anh Dương sẽ quản lý và xây dựng đội ngũ công nghệ, còn mình sẽ phụ trách mảng kinh doanh và chiến lược. Công việc thuộc phạm trù của ai thì người đó sẽ là người quyết định cuối cùng”-Hải nói.

Thời gian đầu, công việc chủ yếu liên quan đến công nghệ (viết code) nên anh Dương đảm nhiệm vị trí CEO còn Hải đóng vai trò tư vấn.

Mọi thứ không dễ dàng đối với một công ty khởi nghiệp non trẻ. Bài toán về doanh thu, dòng tiền xoay vòng vốn ra sao để vận hành doanh nghiệp dường như đang ở số 0. Với tư duy quản lý dựa trên thế mạnh của từng người, chuyên môn hóa từng vị trí đảm nhận và cơ cấu lại bộ máy nhân sự, ba sáng lập viên: Quang Hải, Thái Dương và Văn Giang đã cùng nhau tập trung xây dựng những chiến lược đẩy mạnh marketing, hợp tác với các đối tác cung cấp dịch vụ tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... nhằm tăng số lượng người sử dụng ổn định, đồng thời thu hút vốn đầu tư từ các nhà đầu tư thiên thần.

Người dùng sử dụng phần mềm Clingme.vn. Nguồn: chungta.vn

Những thành công và kỳ vọng

Đến nay, sau hơn 5 năm phát triển, dự án đã nhận được ba vòng vốn đầu tư và hiện ước tính giá trị công ty lên đến 10 triệu USD.

Một trong những chức năng quan trọng của Clingme là gợi ý những cửa hàng phù hợp với nhu cầu của người dùng. Để có thể định vị vị trí của các cửa hàng một cách chính xác, ngoài việc cập nhật trên internet, đội ngũ còn đến chụp ảnh các cửa hàng để có được thông tin đầy đủ (tên, địa chỉ, điện thoại, ngành nghề...). Hiện độ chính xác các địa điểm lên đến 70%.

Ý tưởng ban đầu của dự án là sẽ cập nhật lại các địa điểm 1 năm/2 lần nhưng do số lượng địa điểm là quá lớn, vì vậy ứng dụng cần có sự tương tác của người dùng (người dùng thấy địa điểm chưa chính xác có thể cập nhật lên Clingme).

Vậy khi bất cứ người dùng nào cũng có thể đưa thông tin lên được hay nói cách khác là can thiệp, trong đó cũng có thông tin không chính xác liệu có gây “nhiễu”, anh cho biết đội nhóm vẫn phải kiểm tra, biên tập lại, nếu có nghi ngờ sẽ cử người đến xác định lại chính xác.

CEO Clingme cho biết, số lượng nhân sự hiện tại của startup này là khoảng 45 người, trong 3 tháng nữa sẽ là 80 người, chủ yếu sẽ cần thêm rất nhiều nhân sự phát triển kinh doanh. Bởi mục tiêu tiếp theo của Clingme sẽ là thu hút được thêm nhiều cửa hàng sử dụng dịch vụ đồng thời hướng tới dòng tiền dương trong 18 tháng nữa. Cuối cùng, Hải muốn tôi nhắn nhủ đến các bạn đã và có ý định khởi nghiệp: “Thành công không đến dễ dàng với bất cứ ai, đứng dậy thật nhanh sau thất bại sẽ giúp bạn có động lực mạnh mẽ hơn theo đuổi những khát khao của mình”.