Làm theo đam mê
Giáp Văn Đại, chàng trai quê Bắc Giang sinh năm 1991 khái quát hành trình khởi nghiệp của mình bằng một câu ngắn gọn và súc tích: “Tôi mong muốn được làm theo đam mê, không muốn phải chôn chân ở văn phòng 8 tiếng”.
18 tuổi, Đại tình cờ theo một người anh học Bách khoa thi tuyển vào FPT Software. Đi thi chơi nhưng lại đỗ. Thời gian ấy, Đại làm trong đội phát triển các ứng dụng công nghệ cao của công ty FPT. Đến năm 2012, sau khi chuyển qua vài công ty khác để làm, Đại bước chân vào con đường khởi nghiệp. “Lúc ấy, trong đầu tôi chỉ nghĩ, mình cần phải làm gì đó, nhưng chưa hiểu mình muốn gì” - Đại nói.
Phải mất vài năm, qua vài lần thất bại với khoản nợ cả tỷ đồng khiến khi nhận được những lời mời từ các tập đoàn tài chính lớn trên thế giới, có lúc anh từng nghĩ tới việc bỏ startup vài năm để đi làm, Đại mới biết mình cần làm gì trên nền tảng các kiến thức tài chính có được và công nghệ mà anh đã tích luỹ được. Từ đó Đại hình thành ý tưởng về Nami Assistant - trợ lý ảo cung cấp thông tin, các biến động thị trường ngoại hối, tiền điện tử... 24/24h cho các nhà giao dịch.
Ra đời vào năm 2016, theo Đại, trên thế giới chưa có một sản phẩm nào tương tự như Nami Assistant của anh. Công nghệ lõi của ứng dụng này là xử lý ngôn ngữ tự nhiên trên nền tảng AI và blockchain để nhận, hiểu và phản hồi nhiệm vụ của người dùng qua lệnh chát trên Facebook Messenger. Nami cũng phân tích thói quen, sở thích, kỹ năng của nhà đầu tư để đưa ra gợi ý, nhắc nhở, giúp nhà đầu tư giảm rủi ro và gia tăng hiệu suất đầu tư. Không chỉ có thế, Nami Assistant còn cung cấp các công cụ quản lý tài khoản, danh mục đầu tư, học hỏi cách thức đầu tư của các nhà giao dịch chuyên nghiệp, nhận nhiệm vụ đầu tư từ người dùng và cung cấp các khóa học nâng cao kiến thức tài chính.
Giáp Văn Đại - CEO của Nami. Ảnh: Kiều My
Ở thời kỳ ra đời vào cuối năm 2016, Nami đoạt giải thưởng Facebook Hackathon Việt Nam. Thế nhưng, ứng dụng này lại bị nhiều quỹ đầu tư từ chối. Lý do của những cái lắc đầu khi ấy là sản phẩm còn quá mới và mục tiêu chinh phục thị trường tài chính quốc tế là vượt xa tầm với của một startup như Nami. “Đã có lúc tôi cảm thấy bế tắc,dù năm 2017 là một năm mà chúng tôi đã nỗ lực hết sức” - Đại nói.
Cái khó ló cái khôn. Đại nghĩ đến phương pháp gọi vốn cộng đồng bằng việc đánh trúng vào nhu cầu cần trợ lý tài chính của các nhà giao dịch. Kết quả, Đại đã gọi vốn được từ hơn 1500 nhà đầu tư bằng đồng ethereum. Số vốn này đã làm cho Nami tăng trưởng mạnh mẽ.
Từ Nami Assistant, Giáp Văn Đại và các cộng sựxây dựng thêm nhiều sản phẩm khác với mục tiêu hình thành nên hệ sinh thái tài chính ứng dụng công nghệ blockchain. Một trong số đó là sàn giao dịch và đầu tư dựa trên nền tảng blockchain Nami.trade.
Lâu nay vấn đề của giới tài chính là phí giao dịch rất cao, khoảng từ 1-5% mỗi giao dịch. Nguyên nhân là do không có thanh khoản, bên bán phải chờ có bên mua mới có thể giao dịch. Bài toán này đã diễn ra hàng trăm năm nhưng không thể giải quyết. Cho đến khi blockchain xuất hiện.
Dựa vào công nghệ blockchain thay đổi cấu trúc thanh khoản, Nami.trade khiến phí giao dịch gần như bằng 0 và xóa đi khái niệm “mua vào” “bán ra”. Lúc này, trên hệ thống sẽ chỉ có 1 tỷ giá. Nami.trade dự kiến sẽ ra mắt vào 1/1/2019. Với sự minh bạch hóa hoạt động tài chính và tạo ra khả năng thanh khoản một cách chủ động, Nami.trade được kỳ vọng sẽ tạo ra một phép màu về startup fintech đến từ Việt Nam trên thế giới.
“Hiện dự án đang được làm thủ tục để đăng ký giấy phép kinh doanh và làm thủ tục sở hữu trí tuệ tại Mỹ về mô hình thanh khoản theo thiết kế của Nami” – Giáp Văn Đại cho biết.
Mục tiêu có 1 triệu người sử dụng
Một điểm chung mà người viết nhận thấy gần đây ở các startup là tầm nhìn xây dựng nên những hệ sinh thái cho sản phẩm của mình. Theo founder của Nami, một sản phẩm dù tốt đến đâu, nếu đứng một mình, nó rất dễ dàng bị sao chép, làm lại với những phiên bản hoàn hảo hơn. Một trong những bài học đắt giá trên thế giới đó là sàn Bittrex - sàn giao dịch lớn nhất thế giới về crypto mất vài năm để đứng số 1 thế giới về lượng người dùng. Tuy nhiên, một sàn giao dịch tương tự ở Trung Quốc chỉ mất vài tháng để đẩy Bittrex xuống vị trí thứ hai.
Giáp Văn Đại nhấn mạnh: “Sản phẩm nào cũng dễ dàng bị làm lại và lấy mất khách hàng, nhất là với thị trường mới. Để giữ chân người dùng, mỗi sản phẩm cần một hệ sinh thái bền vững. Apple, Samsung hay Google phát triển như ngày nayvì họ có hệ sinh thái tốt. Đây là thứ cần phải làm nếu Nami muốn có nền móng vững chắc”.
Chỉ trong vòng một năm, Nami từ một startup đang đi kêu gọi đầu tư, đã mở rộng ra hàng loạt sản phẩm. Founder của Nami từ “nợ bạn bè” thành “nợ của nhà đầu tư”. Nami từ đội ngũ 7 người phát triển thành 75 người.
Hiện hệ sinh thái Nami gồm 9 sản phẩm như Nami.today, Nami.exchange, Nami.labs,... với hơn 50.000 người người dùng đến từ Việt Nam, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Nga... Công ty có văn phòng tại Hà Nội, TP HCM, Singapore, California (Mỹ).
Trong hệ sinh thái của Nami, các tin tức từ Nami.tv - Kênh phân tích tài chính phát sóng 24/24h bằng tiếng Anh trên Facebook và Youtube hay ami.today - Chuyên trang phân tích biến động thị trường tài chính sẽ được chuyển qua Nami.Assistant để tư vấn cho nhà đầu tư. Nếu đầu tư, họ tìm đến sàn giao dịch Nami.trade. Hoặc khi muốn trao đổi tiền áo, họ có thể tìm đến Nami.exchange.Bên cạnh đó, Nami.labs chịu trách nhiệm tìm kiếm các startup về fintech mới mẻ để đầu tư. Sản phẩm hay có thể đưa vào Nami.
Mỗi ngày, Đại ngủ khoảng 5 tiếng và không ít ý tưởng mới đã hình thành trong những lúc anh ngồi ở những quán café bụi, trà đá. Để có thể làm nên điều kỳ diệu trong năm 2018: ra phiên bản dành riêng cho người đầu tư bitcoincùng với mục tiêu có 1 triệu người dùng ở các sản phẩm trong hệ sinh thái, Đại cho rằng, họ cần bứt phá.
Đại nói: “Với ngành tài chính, việc có được 1 triệu người dùng đầu tiên rất khó khăn và quan trọng. Sau đó, việc tăng lên 10 triệu dễ dàng hơn. Xa hơn, chúng tôi hướng tới, tỷ lệ người dùng hài lòng với Nami. Đây là chỉ số đo đếm thành công còn tiền chỉ là công cụ để làm mọi thứ tốt hơn”.
Sự tăng trưởng nhanh của công ty lại chọn phát triển ở thị trường quốc tế, Giáp Văn Đại thừa nhận, Nami gặp không ít khó khăn. Sự khác biệt trong tư duy khiến nhiều khi “thứ mình nghĩ là hay, họ không nghĩ vậy”. CEO của Nami tin rằng, giá trị cốt lõi được xây dựng trên nền tảng mới của blockchain và AI giúp Nami có nhiều cơ hội để đạt được mục tiêu.
Điều CEO này trăn trở là truyền lửa tới cho mọi người. Lúc trước, công ty chỉ có vài người, việc truyền lửa dễ như đếm. Đến giờ, ngoài văn phòng ở Hà Nội và TP HCM, Nami còn đặt văn phòng tại Singapore và Mỹ, để một CEO có thể nói chuyện với mỗi thành viên “không hề dễ dàng”.
Bởi vậy, “cách tốt nhất là người phụ trách từng lĩnh vực và văn phòng phải biết cách cầm ngọn lửa từ trái tim tôi đưa đến cho mỗi người trong công ty. Lúc khó khăn, mỗi sáng tỉnh dậy nghĩ đến đống nợ thì muốn ngủ luôn. Giờ công ty phát triển mạnh, nghĩ đến đống việc cũng muốn ngủ luôn. Làm startup áp lực vô cùng nhưng cũng hạnh phúc vô cùng” - Đại nói.
Founder của Nami cho rằng, khi nói chuyện với nhân viên, anh luôn nhất quán một nguyên tắc “làm thứ chưa ai làm và phải có khách hàng ở thị trường quốc tế”. Bởi nhiều sản phẩm dù thành công ở Việt Nam nhưng bước ra biển lớn lại quá nhỏ bé. Đại quả quyết: “Tôi luôn tin rằng, người Việt Nam có thể làm được nhiều điều”.