Những người khuyết tật tay không thể sử dụng “con chuột”, những vẫn có thể điều khiển máy tính chỉ bằng cách nháy mắt và nghiêng đầu khi đeo chiếc kính do nhóm sinh viên Đà Nẵng sáng chế.

Nguyễn Huỳnh Nhật Thương đeo thử nghiệm kính Handi Glass.
Nguyễn Huỳnh Nhật Thương đeo thử nghiệm kính Handi Glass.

Đây là chiếc kính thông minh có tên gọi Handi Glass - được sáng tạo bởi nhóm sinh viên thuộc Trường Đại học Đà Nẵng - dùng để hỗ trợ người khuyết tật tay điều khiển con trỏ chuột máy vi tính thông qua cử chỉ.

Chia sẻ về ý tưởng làm kính thông minh Handi Glass, Nguyễn Huỳnh Nhật Thương - khoa Điện tử Viễn thông, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng - cho biết: “Người khuyết tật cũng có nhu cầu tiếp xúc và làm việc với máy tính, Internet như bao người bình thường khác. Chúng tôi trăn trở muốn giúp họ nên đã bắt tay vào nghiên cứu kính thông minh từ tháng 9/2014”.

Handi Glass là thiết bị đeo có hình dạng giống như một chiếc kính. Nó có thể lắp tròng hoặc không tùy thuộc vào việc người sử dụng có bị cận hay không. Với những người khuyết tật không thể vận động tay, không có tay hoặc không thể sử dụng tay một cách bình thường, Handi Glass giúp họ dễ điều khiển máy tính hơn. Họ chỉ cần cử động đầu như nghiêng trái, nghiêng phải, cúi hoặc ngửa đầu để con trỏ di chuyển, sau đó nhấp chuột trái, chuột phải bằng cách nháy mắt.

Nhật Thương cho biết: “Để nhấp chuột trái thì người dùng nhắm mắt trái trong khoảng từ 0,3-0,5 giây, nhấp chuột phải thì nhắm mắt trái trong hơn 0,5 giây. Sở dĩ cần khoảng thời gian này là để phân biệt với hoạt động nháy mắt sinh học bình thường của con người. Ngoài ra, người dùng có thể sử dụng bàn phím thông qua việc nhấp chuột vào bàn phím ảo”.

Loại kính này sử dụng công nghệ truyền dữ liệu không dây Bluetooth 4.0 tiết kiệm năng lượng. Chỉ cần kết nối với máy tính bằng một thiết bị nhận thông qua chuẩn USB, máy tính sẽ tự động nhận thiết bị và có thể sử dụng thoải mái mà không phải phụ thuộc vào bất cứ phần mềm nào. Việc truyền tín hiệu không dây giữa kính và máy tính bằng công nghệ Bluetooth 4.0 giúp tăng thời gian sử dụng kính lên nhiều lần so với công nghệ RF trước đây, kết hợp với việc tối ưu thuật toán, thời gian sử dụng kính liên tục có thể lên đến 8 giờ.

Sau gần một năm nghiên cứu, kính Handi Glass liên tục được phát triển, tối ưu về mặt kỹ thuật và thẩm mỹ. Trước đây, sản phẩm phải dùng hai cảm biến ở hai bên mắt để xác định sự dịch chuyển lông mày người sử dụng làm tín hiệu nháy chuột. Điều này gây ra khó khăn vì lông mày mỗi người đậm nhạt khác nhau. Hiện nay kính Handi Glass đã thay đổi rất nhiều về thuật toán để nhận diện nhắm mắt hay mở mắt, coi đó là tín hiệu nhấp chuột mà không phụ thuộc vào lông mày của người sử dụng.

Nhóm nghiên cứu cũng đang tích cực hoàn thiện dự án để có thể sớm đưa sản phẩm đến tay người khuyết tật.

Mới đây, kính Handi Glass tham dự Hatch! Fair 2015 và được sự quan tâm rất nhiều từ các nhà đầu tư. Trước đó, sản phẩm kính Handi Glass cũng đoạt được giải nhì cuộc thi Mekong Business Challenge, được mời tham gia Triển lãm Sáng kiến thanh niên 2015 và đoạt giải nhất chương trình “Khởi nghiệp cuối tuần - Startup Weekend” ở Đà Nẵng tháng 11/2014, giải 3 cuộc thi Khởi nghiệp cùng Kawaii 2015 tại Hà Nội tháng 4/2015.