Nhờ tình yêu thương và sự chăm sóc ân cần của tinh tinh mẹ, con tinh tinh cái nhỏ mang nhiều khuyết tật có thể kéo dài sự sống đến gần hai năm.

tinh-tinh-me-het-long-cham-soc-con-gai-bi-benh-down

Tinh tinh con bị khuyết tật từ khi chào đời. Ảnh: Michio Nakamura.

Các nhà nghiên cứu Nhật Bản lần đầu ghi nhận một con tinh tinh cái chăm sóc đứa con gái sơ sinh bị khuyết tật thể chất và thiểu năng trí tuệ, The Sydney Morning Herald đưa tin.

Lúc đầu, nhóm nghiên cứu không nhận thấy những điều bất thường ở tinh tinh con sống cùng gia đình tại công viên quốc gia núi Mahale, Tanzania. Nhưng khi con tinh tinh mang số hiệu XT11 6 tháng tuổi, họ nhận ra nó nhỏ hơn nhiều và kém hoạt bát hơn anh trai, và vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào mẹ.

Theo quan sát của các nhà khoa học ở Trung tâm Nghiên cứu Động vật hoang dã thuộc Đại học Kyoto, Nhật Bản, con tinh tinh nhỏ bị khuyết tật nặng. Nó bị thoát vị ổ bụng, phát triển không bình thường, hỏng xương sống và tay trái chỉ có mấu.

"Nó có ngoại hình giống cá và miệng trễ xuống, bởi vậy chúng tôi cho rằng nó ít nhiều bị thiểu năng trí tuệ", Giáo sư Michio Nakamura, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, chia sẻ với Japan Times. Dù không thể đưa ra chẩn đoán chính xác, các nhà nghiên cứu tin rằng con tinh tinh nhỏ mắc hội chứng Down.

Tinh tinh mẹ 38 tuổi, có số hiệu XP hay tên thường gọi là Christina, gặp nhiều vất vả trong việc nuôi nấng đứa con bệnh tật và phải điều chỉnh tư thế của mình khi chăm sóc con. Nó làm quen với việc trèo cây bằng ba chi để dùng một tay ôm con.

tinh-tinh-me-het-long-cham-soc-con-gai-bi-benh-down-1

Tinh tinh mẹ dịu dàng ôm con. Ảnh: Michio Nakamura.

Christina ngừng tìm bắt cá và kiến bởi nó không thể vừa ôm con vừa thu thập thức ăn. Nó cũng cho con bú lâu hơn thông thường bởi con tinh tinh nhỏ không thể ăn đồ cứng.

"Con mẹ cõng con trên lưng và đưa con theo khi di chuyển bởi tinh tinh con sẽ rơi nếu không có sự hỗ trợ. Lúc cho bú, tinh tinh mẹ bế con đến gần ngực để giúp nó ăn", Nakamura cho biết.

Cách chăm sóc tận tâm của con mẹ đã góp phần giúp con nó sống lâu hơn những con tinh tinh khuyết tật khác trong tự nhiên. Trên thực tế, chỉ có hai trường hợp tinh tinh khuyết tật sống sót qua thời gian dài và cả hai đều sống trong môi trường nuôi nhốt với sự trợ giúp của con người.

XT11 đã sống đến gần hai tuổi. Tuy không chắc con tinh tinh nhỏ đã chết, các nhà nghiên cứu không tìm thấy dấu vết của nó sau tháng 12/2012, 23 tháng sau khi nó ra đời. Họ kết luận XT11 nhiều khả năng chết vì suy dinh dưỡng do không thể ăn đồ cứng.

Điều khiến các nhà nghiên cứu ấn tượng nhất là cách Christina nhờ đứa con gái lớn hơn chăm sóc em. Theo họ, nó chỉ cho phép người thân chăm sóc XT11.

"Thật thú vị khi chứng kiến con tinh tinh chị giúp mẹ chăm sóc em. Nếu nuôi con mà không được trợ giúp, con mẹ sẽ phải chịu một gánh nặng lớn", Nakamura nhận xét.

tinh-tinh-me-het-long-cham-soc-con-gai-bi-benh-down-2

Tinh tinh mẹ luôn bế con (trái)bên mình. Ảnh: Michio Nakamura.

Nhóm nghiên cứu đặt giả thuyết, Christina biết con mình cần nhiều sự chăm sóc hơn và nó không thể giao trách nhiệm đó cho các thành viên khác trong đàn. Tuy nhiên, thái độ e ngại này cũng có thể dẫn tới cái chết của XT11.

Giáo sư Nakamura nhấn mạnh trường hợp này có thể giúp chúng ta hiểu rõ cách con người tiến hóa thành động vật có tính xã hội. "Một đặc điểm của xã hội loài người là con người biết chăm sóc những người khuyết tật và dễ tổn thương. Tinh tinh là họ hàng gần nhất với con người, do đó chúng tôi cảm thấy thật đặc biệt khi quan sát một con tinh tinh chăm sóc đứa con nhỏ khuyết tật của mình", Nakamura nói.