Một quy trình công nghệ dự báo nghiệp vụ thủy văn biển thời hạn 3-5 ngày trên khu vực biển Đông và quy trình dự báo quỹ đạo chuyển động trôi của các vật thể phục vụ công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn ở biển Đông vừa được các nhà khoa học hoàn thiện.
Đây là kết quả từ đề tài “Nghiên cứu, xây dựng quy trình công nghệ dự báo quỹ đạo chuyển động trôi trên mặt nước của vật thể phục vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển Đông” mã số KC.09.27/11-15 do PGS-TS Nguyễn Minh Huấn, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội - làm chủ nhiệm.
Thống kê cho thấy, hằng năm Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn (TKCN) hàng hải Việt Nam thu nhận và xử lý từ 150 đến 200 thông tin liên quan đến tai nạn, sự cố hàng hải trên vùng biển Việt Nam. Các vụ tai nạn xảy ra thường do tàu mất khả năng điều khiển, đâm va, thủng tàu gây chìm... trong điều kiện thời tiết xấu.
Theo nhóm nghiên cứu, công tác TKCN trên biển hoàn toàn phụ thuộc vào sự kịp thời và độ chính xác của thông tin về chuyển động trôi của các vật thể trên mặt biển từ vị trí được biết cuối cùng. Do đó, nghiên cứu xây dựng hệ thống dự báo quỹ đạo chuyển động trôi của các vật thể trên mặt biển dựa trên nền tảng hệ thống dự báo nghiệp vụ thủy văn biển hoàn thiện với thời hạn 3-5 ngày - phục vụ công tác TKCN trên khu vực biển Đông Việt Nam là vấn đề cấp thiết.
PGS-TS Dương Hồng Sơn - Viện Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, thành viên nhóm nghiên cứu - cho biết, sau 2 năm (2014-2015), nhóm đã xây dựng được quy trình công nghệ dự báo quỹ đạo chuyển động của các vật thể trôi trên biển và hệ thống lưu trữ cung cấp thông tin dự báo; quy trình công nghệ dự báo theo chế độ nghiệp vụ các trường thủy văn biển hạn 3-5 ngày.
Đề tài cũng xây dựng thành công các báo cáo kết quả đánh giá định lượng độ chính xác của dự báo các trường thủy văn biển và đánh giá kiểm chứng dự báo quỹ đạo trôi của vật thể trên biển Đông; định hướng cho cách tiếp cận các bài toán dự báo khí tượng, thủy văn biển hạn dài trên vùng biển Đông.
Đánh giá về kết quả này, GS-TS Trần Nghi - Ban chủ nhiệm chương trình KC09/11-15 - cho rằng, đề tài đã tận dụng được những kết quả nghiên cứu mới của khoa học, công nghệ trong nước và thế giới thông qua kết quả mô hình dự báo khí tượng thủy văn toàn cầu. Hệ thống này không chỉ cho phép nâng cao chất lượng dự báo khí tượng, thủy văn trên vùng biển Việt Nam mà còn phục vụ quá trình hội nhập trao đổi, ứng dụng thông tin tư liệu với các trung tâm nghiên cứu khí tượng, thủy văn biển lớn trên thế giới.
Các kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ nâng cao chất lượng công tác dự báo khí tượng, thủy văn, bảo đảm cho các lực lượng tìm kiếm cứu nạn hoạt động chính xác, kịp thời. Ngoài ra, nó cũng có thể được ứng dụng cho các lực lượng hải quân hoạt động làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền trên các vùng biển của Việt Nam, phục vụ quy hoạch xây dựng và khai thác các công trình biển trên đảo, phục vụ quản lý biển, hải đảo và phát triển kinh tế biển.
PGS-TS Nguyễn Văn Nội - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội - nhận định, sản phẩm công nghệ dự báo các đặc trưng khí tượng, thủy văn biển, quỹ đạo chuyển động trôi phục vụ đắc lực cho các ngành hoạt động trên biển như tìm kiếm cứu nạn trên biển, giao thông vận tải biển, khai thác dầu khí, đánh bắt cá xa bờ, du lịch... và đảm bảo an ninh quốc phòng.
“Việc có kết quả dự báo chính xác và kịp thời tác động tích cực đến cơ chế quản lý nhà nước đối với các hoạt động kinh tế, an ninh quốc phòng. Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ hoàn thiện công nghệ, tiến tới chuyển giao cho các đơn vị có nhu cầu trong cả nước” - TS Nội khẳng định.