Nếu nhìn thấy con vật này, bạn sẽ nghĩ đó chỉ là con cá đuối nhỏ bình thường.

Thực tế, "sinh vật" trông y như thật này là sản phẩm của một nhóm các nhà khoa học trong nhiều ngành. Công nghệ mới nhất họ sử dụng đã mở cánh cửa mới trong việc chế tạo sinh vật. Ý tưởng ban đầu của họ khá đơn giản.

Con cá đuối nhân tạo trông như thật
Con cá đuối nhân tạo trông như thật

Tiến sĩ Kevin Kit Parker, giáo sư nghiên cứu chế tạo tim từ ĐH Harvard (Mỹ) đã suy nghĩ về việc chế tạo bộ phận cơ có thể cử động với cơ chế tương tự cá đuối sau khi đưa con gái đi thăm thủy cung.

Công cuộc tìm kiếm vật liệu để in 3D tại Trường Kỹ thuật và Khoa học ứng dụng Harvard đã lôi kéo được thành viên của ĐH Illinois, Michigan và Trung tâm Y tế Stanford.

Họ đã gia cố cơ thể bằng cao su với bộ xương bằng vàng mỏng đóng vai trò như sụn. Các nhà di truyền sử dụng tế bào từ tim chuột hoạt động dựa trên độ nhạy với ánh sáng. Tất cả được lắp ghép cẩn thận hoàn chỉnh như thật. Các mạch và cơ bắp cũng được thiết kế chi tiết.

Kết quả, con vật phản ứng khá tốt với ánh sáng, có khả năng vượt chướng ngại vật. Trong nghiên cứu, họ kết luận rằng con cá đuối này khá vượt trội về hiệu năng tự hành, tốc độ và độ bền khi hoạt động được 6 ngày.

Ngành khoa học lai tạo sinh học (biohybrid) này sẽ là nền tảng cho những sáng tạo kỹ thuật chuyên dụng như vi sinh phát hiện và ăn tế bào ung thư, hay bộ phận nhân tạo cho người tàn tật và tai nạn.

Cứ thử tưởng tượng hai chân vẫn tiếp tục tự vận động đưa bạn tới trung tâm y tế nếu như bị đau tim bất chợt. Công nghệ tế bào cảm biến có thể khiến robot chuyển động nhịp nhàng hơn thay vì chậm rãi như được thiết kế với khung xương kết hợp nhựa và kim loại.

Nhờ vào đột phá đó, trong tương lai các tỷ phú sẽ có thêm con đường mới để khám phá giới hạn của sự sống. Các công ty cũng có thể thương mại hóa biohybrid, đem tới giải pháp cho nhiều thách thức mà con người đang phải đối mặt.