Với chi phí chỉ khoảng 3.000USD, ngay cả các nhóm sinh viên cũng đủ khả năng phóng một vệ tinh mini CubeSat vào vũ trụ. Sự dễ dàng này làm dấy lên nỗi lo CubeSat bị sử dụng với mục đích xấu, gây nguy hiểm cho cộng đồng.
Phóng vệ tinh nhân tạo cá nhân lên quỹ đạo giống như chuyện trong tiểu thuyết khoa học giả tưởng. Nhưng trong vài thập kỷ qua, sự ra đời của CubeSat - một loại vệ tinh độc đáo - đã biến điều đó trở thành hiện thực.
Tiềm năng lớn của vệ tinh mini
CubeSat đầu tiên ra đời sau năm 2000 để sinh viên 2 trường đại học California và Stanford (Mỹ) chế tạo, thử nghiệm, vận hành phi thuyền. Sau đó, NASA và Boeing lần lượt phóng các CubeSat của mình. Hiện có hơn 130 chiếc bay trên quỹ đạo thấp. NASA thực hiện chương trình phóng vệ tinh miễn phí cho các tổ chức giáo dục, khoa học và doanh nghiệp phi lợi nhuận.
Kiểu dáng phổ biến nhất của CubeSat là hình lập phương cạnh 10cm - nhỏ như vật chặn giấy trên bàn làm việc. Người ta có thể phóng nhiều CubeSat cùng lúc để chúng thực hiện những nhiệm vụ phức tạp. Trong “cơ thể” cực gọn của CubeSat có thể lắp những cảm biến, thiết bị nhận/phát sóng để người sở hữu chúng quan sát Trái đất từ vũ trụ cũng như không gian xung quanh địa cầu.
Phần lớn vệ tinh CubeSat được thiết kế để hoạt động ở quỹ đạo thấp - cách Trái đất 300-1.000km và cũng là nơi kính thiên văn Hubble và Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) di chuyển; nhưng chúng cũng có thể bay lên quỹ đạo cao hơn. NASA muốn phi thuyền của họ mang theo CubeSat trong những chuyến bay tương lai tới sao Hỏa hay Mặt trăng.
CubeSat rất nhỏ và nhẹ, chi phí đưa chúng lên quỹ đạo thấp hơn nhiều so với phóng vệ tinh viễn thông hay vệ tinh định vị. Chi phí cho một lần phóng vệ tinh nhỏ như CubeSat vào khoảng 3.000USD. Nhờ đó, các nhà nghiên cứu, người mê vệ tinh hay nhóm sinh viên có thể đưa vệ tinh lên quỹ đạo bằng cách tận dụng những vụ phóng vệ tinh viễn thông, định vị hay nhờ phi hành gia phóng chúng từ ISS.
“Rất nhiều sinh viên hứng thú với CubeSat, dù tỷ lệ phóng thành công chỉ khoảng 50%. Đây là điều bình thường, vì cả NASA đôi khi cũng thất bại. Nhiều sinh viên chia sẻ với tôi điều tuyệt vời nhất là khi nhiệm vụ hoàn thành, CubeSat lao xuống bầu khí quyển Trái đất, bốc cháy như một ngôi sao băng. Khi đó, họ bắt đầu thầm nói những nguyện ước của mình” - Emily Stocker - nhà quản lý giáo dục, chuyên gia về CubeSat của Mỹ - cho biết.
Những rủi ro khó lường
Theo Viện Khoa học quốc gia Mỹ, mối lo ngại lớn nhất đối với vệ tinh siêu nhỏ là rác vũ trụ - những thứ có thể va chạm với vệ tinh, gây tổn thất nghiêm trọng. Hiện số CubeSat không lớn, được theo dõi chặt chẽ. Thế nhưng khi số vệ tinh cá nhân trên quỹ đạo thấp tăng, rủi ro sẽ tăng theo.
Một số nhân tố khác có thể kìm hãm sự bùng nổ vệ tinh mini là luật về liên lạc qua sóng radio giữa Trái đất và vũ trụ hay quy định về giao dịch vũ khí quốc tế. Song với phần lớn người dân, những câu hỏi quan trọng nhất bao gồm: “Liệu ai đó có thể đưa vệ tinh gián điệp hoặc vệ tinh gây ô nhiễm lên quỹ đạo?” hay “Kẻ xấu có thể xâm nhập máy tính để cướp quyền điều khiển vệ tinh và sử dụng chúng với mục đích xấu không?”. Rõ ràng, không thể tin tưởng tuyệt đối những vệ tinh đang bay trên vũ trụ cũng như người điều khiển chúng.
Người dân nhiều nước đang có cơ hội tiếp cận công nghệ vệ tinh mà không phải gia nhập bất kỳ tổ chức hay hiệp hội nào. Tuy họ phải hành xử theo luật pháp, nhà tài trợ và tổ chức cung cấp dịch vụ phóng vệ tinh, nhưng liệu kiến thức, trách nhiệm của họ cũng đủ lớn để lường trước hậu quả xấu?
Các tác giả CubeSat khẳng định vệ tinh nhỏ xíu không thể gây thiệt hại lớn; nhưng thực tế nhiều người đã tìm ra cách đặc biệt biến công nghệ thành trợ thủ đắc lực cho mục đích xấu. Nhiều kẻ khủng bố đã biến điện thoại thành thiết bị kích nổ bom. Vì thế, trách nhiệm xã hội của người sử dụng CubeSat trở thành nhân tố quan trọng.
Năm 1969, tổ chức Radio Amateur Satellite Corporation (AMSAT) ra đời nhằm hỗ trợ những người mê công nghệ vệ tinh nghiên cứu không gian và viễn thông. Sau khi phóng vệ tinh đầu tiên không thuộc sở hữu của chính phủ lên quỹ đạo, họ đã phóng khá nhiều vệ tinh nhân tạo nghiệp dư. Các thành viên tự xây dựng bộ quy tắc ứng xử có trách nhiệm, tuân thủ triết lý chia sẻ mọi thứ.
Mọi thành viên đều biết các thông số kỹ thuật của vệ tinh và có thể chia sẻ với công chúng. Hình thức “tự ý thức” đó có thể tồn tại trong những tổ chức nghiệp dư lâu đời. Họ xây dựng tinh thần trách nhiệm của từng thành viên với tổ chức và xã hội; nhưng hiện nay AMSAT cũng tỏ ra thận trọng hơn trong việc chia sẻ thông tin với những người không phải thành viên. Họ lo ngại nguy cơ tin tặc cướp quyền điều khiển vệ tinh.