Tốc độ phá triển công nghệ ở cấp số mũ đang khiến cho thế giới tương lai trở nên rất khó để đoán định. Nhiều nhà khoa học khẳng định đã đến lúc loài người chuẩn bị cho một thế giới mà robot là thành phần thiết yếu.
Công nghệ phát triển theo cấp số mũ
Tháng 3/2001, chuyên gia phân tích Ray Kurzweil (Mỹ) công bố một bài luận được lan truyền rộng rãi trong giới tương lai học. Theo đó, lịch sử đã chứng minh sự thay đổi do công nghệ diễn ra theo cấp số mũ, dù phần lớn chúng ta không đủ khả năng nhận thức điều đó. Chỉ trong vòng vài thập kỷ, thế giới sẽ trở nên khác biệt đến mức khó nhận ra. Ước tính, sự biến đổi trong thế kỷ 21 có thể tương đương với một tiến trình 20.000 năm.
15 năm sau, dù một số dự đoán của Kurzweil đã được chứng minh là quá đà, nhưng nguyên lý chung của nó - theo các chuyên gia công nghệ - vẫn chính xác. Bằng chứng là sự phát triển theo cấp số mũ trong một loạt công nghệ có tính công cụ như tính toán, lưu trữ dữ liệu cho đến quy mô và năng lực của Internet. Đây là giai đoạn tích lũy về lượng để chuẩn bị cho bước nhảy vọt về chất, là thời điểm vượt ngưỡng của các công nghệ như robot, trí tuệ nhân tạo (AI), sinh học, công nghệ nano và in 3D, tạo ra sự biến đổi mạnh và đột ngột.
Quả thực, nhiều thứ mà xã hội hiện nay coi là đương nhiên thì chỉ cách đây vài chục năm đã từng bị đánh giá là những dự đoán điên rồ. Chúng ta đã có thể tìm kiếm nhanh chóng trên hàng tỷ trang thông tin, hình ảnh và video; hàng tỷ đầu dò thông minh có khả năng kết nối và điều khiển trực tiếp gần như mọi thứ - từ trạng thái của trái đất cho đến nhịp tim, giấc ngủ, bước đi con người. Máy tính đã tự học và thắng một game thủ chuyên nghiệp về cờ vây.
Nếu gia tốc thay đổi tiếp tục tăng, những thành tựu trên đều có thể trở thành tầm thường chỉ trong vài năm. Các nhà khoa học cho rằng chỉ trong 20 năm hoặc ngắn hơn, robot mang trí tuệ nhân tạo cũng sẽ phổ biến như xe hơi và điện thoại ngày nay.
Con người chuẩn bị cho sự thay đổi
Các tiến bộ về trí tuệ nhân tạo và robot sẽ diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh, khi những đế chế hùng mạnh như Google, Apple, Facebook hay Microsoft đổ ra hàng tỷ đôla cho lĩnh vực này.
Theo Gill Pratt - Giám đốc Viện Nghiên cứu Toyota, cơ quan nghiên cứu robot và trí tuệ nhân tạo trị giá 1 tỷ USD ở Mỹ, lĩnh vực robot đang chuẩn bị bước vào đợt bùng nổ mới. Tuy khả năng tự học của một robot vẫn chưa bằng năng lực tiếp thu của trẻ tập đi, chúng có các điểm cộng lớn: Con người chỉ có thể giao tiếp với nhau ở tốc độ 10 bit/giây, còn robot có thể liên lạc qua Internet nhanh hơn 100 triệu lần. Nhờ đó, nhiều robot có thể kết nối và tận dụng thành quả tự học của nhau để tiến bộ cực nhanh.
Nhiều nhà khoa học khẳng định thế giới cần chuẩn bị cho sự thay đổi này. Con người cần có trách nhiệm nhiều hơn trong việc thiết kế và vận hành robot ngay khi quyền năng của chúng được mở rộng. Tháng 1/2015, nhóm chuyên gia gồm Elon Musk, Bill Gates và Stephen Hawking đã cùng viết một thư ngỏ kêu gọi mở rộng nghiên cứu để tối đa hóa lợi ích của trí tuệ nhân tạo và tránh các bẫy sai lầm có thể gặp phải. Bức thư hiện đã thu thập được chữ ký của hơn 8.000 người.
Nhưng không phải ai cũng tin công nghệ sẽ biến đổi đời sống nhanh đến vậy. Kỹ sư Ken Goldberg tại Đại học California (Mỹ) cho rằng những cảnh báo về việc trí tuệ nhân tạo và robot vượt quá khả năng trí tuệ con người đã được phóng đại. Theo ông, sự lạc quan thái quá có thể tạo ra kỳ vọng không thực tế, điều từng dẫn đến một giai đoạn trầm lắng về AI trong lịch sử.
Chuyên gia Stuart Russel - Đại học California, Mỹ - cũng nghi ngờ viễn cảnh tiến bộ nhanh chóng trong công nghệ sẽ nhất thiết dẫn đến sự biến dạng của cuộc sống. “Nếu máy móc có tốc độ nhanh hơn hàng ngàn tỷ lần, chưa hẳn nó sẽ tạo ra trí tuệ nhân tạo, mà rất có thể nó cũng chỉ giúp chúng ta đi đến sai lầm sớm hơn hàng ngàn tỷ lần so với bình thường” - ông Russel nói.