Một người sử dụng thiết bị đeo theo dõi sức khỏe chỉ vài giờ và sau đó vài tháng phát hiện ra nó trong ngăn kéo sẽ phát sinh những cảm xúc khác nhau: Từ tội lỗi đến cảm giác được tự do.
Nghiên cứu kể trên là công trình của các nhà khoa học máy tính tại Đại học Washington. Họ tiến hành khảo sát 141 người sử dụng thiết bị đeo một thời gian nhưng sau đó đã ngừng lại.
Nhiều người có cảm giác được giải thoát khi ngừng đeo thiết bị thông minh.
Ảnh: Opengovasia
Kết quả cho thấy, một nửa trong số họ cảm thấy tội lỗi hoặc thất vọng vì đã ngừng sử dụng thiết bị. Họ cho biết việc ngừng sử dụng là bởi thiếu động lực gắn bó với nó hoặc quên không sử dụng thiết bị này. Trong khi đó, gần như tất cả đều cho biết họ muốn đeo loại thiết bị này trở lại.
Đối với một nửa không cảm thấy có lỗi vì bỏ rơi đồ dùng công nghệ cao này, họ có “cảm xúc trái ngược nhau” và nói nước đôi về việc sử dụng trở lại. 5 người cảm thấy họ thu thập đủ thông tin về thói quen của họ và 45 người có cảm xúc lẫn lộn về việc từ bỏ thiết bị đeo. 21 người cho biết máy làm họ khó chịu khi luôn khiến họ phải đấu tranh trong việc thay đổi hành vi. Đặc biệt, một số thấy “nhẹ nhõm khi bỏ thiết bị đeo” - nhóm nghiên cứu cho biết.
“Nhiều người cho rằng mọi người sẽ sử dụng các ứng dụng theo dõi sức khỏe mãi, nhưng thực tế không phải là như vậy. Một số người cảm thấy nhẹ nhõm khi từ bỏ việc đeo thiết bị này. Những người này thường thích sử dụng máy ngắn hạn cho đến khi đạt được mục tiêu” - tiến sỹ James Fogarty - đồng tác giả nghiên cứu - cho biết.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy những người thấy tội lỗi vì ngừng sử dụng thiết bị đo dễ tiếp thu các khuyến nghị hơn khi sử dụng lại, trong khi những người muốn “tự do” cảm thấy các lời khuyên là vô ích.
Ngọc Hiển (Theo Psychcentral)