Tác dụng ngược không ngờ
Các thiết bị đeo thông minh thời gian qua được khá nhiều người yêu thích. Nó giúp con người giám sát và theo dõi cơ thể tốt hơn dù là trong lúc làm việc, lúc ngủ hay thời gian di chuyển hằng ngày.
Những người đeo các thiết bị này kỳ vọng có thể theo dõi mọi khía cạnh của sức khỏe và chăm sóc sức khỏe để rồi phân tích các dữ liệu nhằm đạt được mục tiêu họ đề ra.
Tuy nhiên, nghiên cứu vừa công bố của các nhà khoa học Mỹ cho thấy các thiết bị này có thể không hiệu quả trong việc giúp con người giảm cân.
Các nhà khoa học nghiên cứu 500 đàn ông và phụ nữ tuổi từ 18-35 với chỉ số khối cơ thể BMI (Body Mass Index) từ 25-39 đang muốn giảm cân.
Thiết bị đeo thông minh không mang lại hiệu quả đặc biệt trong việc hỗ trợ tập luyện giảm cân như người ta vẫn tưởng. Ảnh: Wellsquad
Những người tham gia được cân và yêu cầu theo một chế độ ăn uống có hàm lượng calo thấp và hoàn thành 100 phút hoạt động vừa phải mỗi tuần. Họ được yêu cầu ghi lại quá trình tập luyện cũng như tham gia các cuộc họp hằng tuần cùng nhóm nghiên cứu.
Những người tham gia khảo sát được chia làm hai nhóm: Một nhóm đeo các thiết bị đeo thông minh có chức năng theo dõi sức khỏe, nhóm còn lại không đeo và được yêu cầu theo dõi sự tiến bộ của họ hằng ngày thông qua một trang web của nhóm nghiên cứu. Cả hai nhóm đều nhận được sự tư vấn về sức khỏe và dinh dưỡng, nhưng các cuộc họp hằng tuần giảm dần xuống đến mức chỉ còn 10 phút điện thoại mỗi tháng và tin nhắn văn bản hằng tuần.
Trước khảo sát, nhiều người cho rằng nhóm có thiết bị đeo sẽ tập luyện và quản lý cân nặng của mình tốt hơn. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy.
Sau một năm tập luyện, cả hai nhóm đều có những cải tiến về chế độ ăn uống, hoạt động thể chất và đặc biệt là đều giảm được trọng lượng cơ thể so với trước. Tuy nhiên, nhóm không có thiết bị đo giảm được trung bình 5,9kg, trong khi nhóm còn lại chỉ giảm được 3,49kg.
Thiết bị đeo thông minh khiến con người lười hơn
Lý giải về vấn đề này, các nhà nghiên cứu cho rằng thiết bị giúp chủ nhân theo dõi chính xác được các hoạt động trong suốt cả ngày. Tuy nhiên, với số lượng tập các bài tập mà những người tham gia khảo sát phải thực hiện, họ bị thôi thúc bởi cảm giác cần ăn thêm thức ăn.
“Một vài người khi nhìn vào màn hình tập luyện có ý nghĩ: “Mình đang hoạt động tích cực, cần ăn thêm một cái bánh bổ sung năng lượng”” - tiến sỹ John Jakicic thuộc nhóm nghiên cứu cho biết.
Một nguyên nhân khác là mặc dù màn hình các thiết bị liên tục hoạt động, nhưng có một thực tế là chủ nhân của chúng lại tập luyện ít hơn những người không sử dụng. Các thiết bị đeo thông minh thực sự không trợ giúp tốt cho việc giảm cân lâu dài. Nguyên nhân là bởi chúng có thể tạo động lực cho chủ nhân trong khoảng thời gian đầu tiên sử dụng, nhưng sự phấn khích và cam kết với món đồ chơi mới nhanh chóng giảm theo thời gian.
Nguy hiểm hơn, món đồ dùng công nghệ cao này còn có thể khiến người ta có xu hướng bỏ tập thể dục khi họ nhận ra rằng mình không đạt được các mục tiêu đề ra hằng ngày.
“Trong khi các thiết bị đeo có thể được mua về với ý định tốt, chúng lại khiến chủ nhân có xu hướng bỏ tập thể dục khi thấy rằng họ đang không hoàn thành tốt các mục tiêu được đề ra mỗi ngày. Nghiên cứu này một lần nữa cho thấy các biện pháp giảm cân kinh điển như áp dụng chế độ ăn phù hợp, tập thể dục mới thực sự giúp chúng ta giảm trọng lượng cơ thể” - nhóm nghiên cứu kết luận.
Tiến sỹ David Ellis - một nhà tâm lý học tại Đại học Lancaster, người từng tham gia nghiên cứu về sự phát triển của các thiết bị đeo thông minh theo dõi sức khỏe - cho biết, các nghiên cứu này là rất hữu ích vì nó chỉ ra cho thấy việc mua đồng hồ thông minh không giải quyết được tất cả các vấn đề về sức khỏe và mấu chốt nhất vẫn là nỗ lực của bản thân.
“Trong đời thực, chúng ta không nhận được sự hỗ trợ từ những người tham gia nghiên cứu kể trên. Chúng ta sẽ phải tự làm tất cả. Thế nên, có thể việc sử dụng một thiết bị thông minh hỗ trợ giảm cân có lẽ là vẫn tốt hơn không đeo gì. Tuy nhiên, thật khó để nói chúng là hữu ích cho tất cả mọi người” - tiến sỹ Ellis nói.