Ví điện tử ngày càng đầy tiền
Theo Tổ chức nghiên cứu Zion tại Mỹ, ví điện tử đang tạo ra một hiện tượng có sức ảnh hưởng lớn tới nhiều khu vực. Trong đó, Bắc Mỹ đứng đầu về ví điện tử, chiếm khoảng 25% trị giá của toàn bộ thị trường này trên toàn cầu năm 2014. Tại châu Á - Thái Bình Dương, thị trường ví điện tử cũng được dự đoán là sẽ tăng trưởng mạnh trong những năm tới nhờ sự lan rộng các ứng dụng thương mại điện tử và sự giảm giá các thiết bị điện tử.
Ví tiền điện tử cũng sẽ “dày” hơn khi người tiêu dùng không chỉ sử dụng một chiếc ví duy nhất. Theo điều tra năm 2014 của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, mỗi người tiêu dùng Mỹ sở hữu 4 thiết bị thanh toán điện tử. Số người mua sắm trực tuyến ngày càng đông đã thúc đẩy sự phát triển của hình thức thanh toán điện tử, khiến ví điện tử ngày càng được “sủng ái”.
Một người tiêu dùng đang sử dụng ví điện tử để mua hàng. Ảnh: Twincities
Theo Zion, trong năm 2014, thị trường ví điện tử trên toàn cầu có trị giá 500 tỷ USD và dự kiến con số này sẽ tăng lên gấp 5 lần - nghĩa là khoảng 2.500 tỷ USD - vào năm 2020.
Cuộc cạnh tranh gay gắt
Một thị trường màu mỡ như ví điện tử chắc chắn sẽ không lọt ra khỏi tầm ngắm của các “ông lớn” công nghệ. Vào năm 2011, Google đã thực hiện một bước tiến lớn vào thị trường này với Google Wallet - một ứng dụng thanh toán di động giúp người dùng có thể giao dịch thương mại thông qua điện thoại di động, chạy được ở hầu hết các hệ điều hành.
Tới năm 2012, Google Wallet mở rộng hỗ trợ tất cả các loại thẻ tín dụng cơ bản ở Mỹ như Visa, MasterCard, American Express và Discover. Google Wallet sau đó đã liên kết với các đối tác ngân hàng như Citi và liên kết với các chuỗi cửa hàng bán lẻ trực tuyến khác.
Chưa dừng lại, trong năm 2015, Google còn tung ra nền tảng Android Pay nhằm tăng cường sức mạnh cạnh tranh của mình đối với thị trường ví điện tử. Với Android Pay, Google có thể cho phép khách hàng thực hiện giao dịch thông qua điện thoại, máy tính bảng và cả đồng hồ thông minh chạy hệ điều hành Android.
Không chấp nhận đứng yên nhìn dòng tiền từ thị trường ví điện tử chảy vào túi Google, các đối thủ như Apple và Samsung cũng tung ra những ứng dụng thanh toán điện tử cho thiết bị di động.
Vào tháng 9/2014, Apple ra mắt ứng dụng Apple Pay, lập tức thu hút 220.000 nhà bán lẻ tham gia và có 1 triệu thẻ tín dụng đăng ký chỉ sau 3 ngày hoạt động; nhưng Apple Pay lại không áp dụng cho tất cả các loại điện thoại di động mà chỉ sử dụng cho iPhone 6, iPhone 6 Plus. Mặc dù hạn chế hơn so với Google Wallet, Android Pay nhưng Apple Pay lại được đánh giá cao về độ bảo mật.
Trong khi đó vào năm 2015, Samsung cũng ra mắt ứng dụng Samsung Pay cho các thiết bị di động như Galaxy S6, S6 Edge, S6 Edge + và Note 5. Cũng giống như Android Pay và Apple Pay, Samsung Pay sử dụng công nghệ kết nối không dây ở phạm vi tầm ngắn NFC.
Ngoài ra, Samsung Pay còn nổi bật hơn các đối thủ nhờ có thêm công nghệ mô phỏng hoạt động của thẻ từ tính (Magnetic Secure Transmission), giúp cho thiết bị di động hoạt động không khác gì một thẻ ngân hàng thực.
Rõ ràng Google, Apple và Samsung đều có những động thái nhằm chiếm lấy thị phần ví điện tử. Mỗi hãng đều xác lập được những lợi thế riêng. Apple với tính năng bảo mật cao, Google có ưu điểm về phổ rộng, còn Samsung chiếm ưu thế về công nghệ mô phỏng thẻ từ tính.
“Chưa có gì đảm bảo ai sẽ thắng trong cuộc đua này, khi mỗi hãng đều có những lợi thế ban đầu của mình” - James Wester - thuộc Tổ chức nghiên cứu IDC Financial Insights - nói.
Tất nhiên, một khi tham gia sân chơi thanh toán điện tử, các hãng công nghệ đều gặp phải những khó khăn chung như bảo mật thông tin khách hàng, thiếu cơ sở hạ tầng như mạng lưới kết nối và hệ thống ngân hàng ở rất nhiều vùng.