Kỹ sư (KS) Nguyễn Văn Cường - Giám đốc Công ty TNHH TM Hiệp Phát, quê ở xã An Lục Long, huyện Châu Thành, Long An - cho biết, tỉnh có diện tích, sản lượng thanh long đứng thứ hai cả nước. Các sáng chế nổi bật của ông đều hướng đến phục vụ sản xuất và kinh doanh đặc sản này, trong đó có máy băm dây thanh long, được UBND tỉnh trao giải ba tại hội thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông năm 2014.
Máy giúp băm nhỏ những dây thanh long già hay mang mầm bệnh, kết hợp với chế phẩm vi sinh để ủ thành phân hữu cơ bón lại cho cây. Máy hoạt động dựa trên nguyên lý tổ hợp nhiều dao băm và quạt đẩy vụn thanh long ra ngoài; được thiết kế an toàn cho người sử dụng, dễ di chuyển trong vườn nhờ hệ thống bánh xe đẩy. Sản phẩm được bán với giá 11,6-12,6 triệu đồng, rất thích hợp dùng cho hộ gia đình.
Thiết bị rửa và xử lý trái thanh long của kỹ sư Nguyễn Văn Cường. Ảnh: NVCC
Một sáng chế được ứng dụng rộng rãi khác là thiết bị rửa và xử lý trái thanh long sau thu hoạch, ra đời tháng 1/2016. Trước đây, thanh long thường được rửa theo 2 cách: Ngâm nước rồi dùng bàn chải chà nhẹ từng trái, hoặc cầm từng trái xoay dưới vòi phun áp lực cho đến khi sạch. Trong 1 giờ, 20 người chỉ rửa sạch được 2 tấn thanh long.
Thiết bị của KS Cường ở thời điểm đầu năm 2016 có công suất 3 tấn/giờ với thanh long ruột đỏ và 4 tấn/giờ với thanh long ruột trắng, giúp trái sạch đều mà chất lượng vẫn đảm bảo đủ tiêu chuẩn đóng gói xuất khẩu, giảm chi phí nhân công cho khâu rửa và làm khô.
KS Cường cho biết, thực ra phiên bản đầu tiên chỉ có công suất 1,5-2 tấn/giờ, cần 4 lao động và mức độ làm sạch chỉ đạt hơn 70%. Sau nhiều lần cải tiến, hoàn thiện, sản phẩm hiện nay có công suất 5 tấn/giờ với thanh long ruột đỏ và 7 tấn/giờ với thanh long ruột trắng (trái thanh long ruột đỏ có nhiều vết đốm trên bề mặt nên cần rửa kỹ hơn), chỉ cần 2 lao động và độ sạch đạt trên 98%, không làm gãy tai, giập trái. Với công suất này, vào cao điểm của mùa vụ thanh long, mỗi chiếc máy rửa và thổi khô của KS Cường có thể xử lý 50-70 tấn/ngày (làm trong 10 giờ), mỗi tháng rửa khoảng 2.000 tấn.
Về quy trình hoạt động của thiết bị, trái thanh long sau khi được rửa sơ bộ bằng cách sục nước thì được rửa bằng hệ thống vòi phun sương cao áp, sau đó khử khuẩn bằng cách sục ozone và đèn tia cực tím trước khi làm khô bằng hệ thống quạt. Theo thiết kế tiêu chuẩn, máy rửa có chiều dài 15m, chiều ngang 0,8m.Tuy nhiên, tác giả có thể điều chỉnh kích thước và công suất theo yêu cầu của khách hàng. KS Cường cũng đang nghiên cứu để lắp đặt thêm dây chuyền tự động trong khâu xử lý đóng gói trái thanh long.