Những cánh tay mà Yamen Saraiji mang theo trông dài ngoằng, khúc khuỷu và cơ giới đúng kiểu robot. Chúng được kết nối với chiếc balo mà anh đeo sau lưng. Những cánh tay này thực chất được điều khiển từ xa bởi người khác. Nhân vật điều khiển, được trang bị chiếc kính thực tế ảo Oculus Rift, có thể quan sát thế giới từ góc nhìn của Saraiji (với những camera được nối đến balo để đảm bảo chức năng này) đồng thời sử dụng bộ điều khiển cầm tay để định hướng cho các cánh tay robot và các bàn tay được kết nối.
Saraiji, giáo sư dự khuyết của trường Cao học Thiết kế Truyền thông trực thuộc Đại học Keio, Tokyo, dẫn đầu dự án về cánh-tay-robot-trong-balo này, với tên gọi là Hợp nhất - Fusion, nhằm khai phá cách mà chúng ta sẽ làm việc cùng nhau để điều khiển (hay tăng cường) chức năng của cơ thể người. Mặc dù một số hành động của Saraiji, phát đi từ đoạn video chat với phóng viên của MIT Technology Review, trông còn hết sức vụng về, anh vẫn tin tưởng vào tương lai của thiết bị này trong các lĩnh vực như vật lý trị liệu hay chỉ dẫn từ xa.
Cánh tay robot còn có thể nhặt đồ vật lên, dịch chuyển quanh chính cánh tay và bàn tay thực của người đang đeo balo. Các bàn tay cơ giới còn có thể được tháo bỏ và thay thế bằng dây buộc để quay vòng quanh hông của người đeo, nếu bạn muốn thực sự điều khiển từ xa cánh tay của họ. Thiết bị này, được Saraiji thiết kế cùng với đồng nghiệp của mình, sẽ được trưng bày ở hội nghị công nghệ tương tác và đồ họa máy tính Siggraph ở Vancouver vào tháng 8.
Có khá nhiều dự án nghiên cứu khác nhằm tạo ra các chi bổ sung (không chỉ tay, mà còn cả chân!) mà chúng ta có thể đeo vào, và trên thực tế đây cũng không phải nỗ lực đầu tiên của Saraiji để ‘gắn’ các cánh tay robot vào cơ thể con người: anh và phần lớn các nhà nghiên cứu khác của Fusion đều từng xây dựng một bộ tay chân có thể đeo được khác có tên MetaLimbs, được người đeo điều khiển bằng bàn chân của mình.
Nhưng việc tay chân robot được điều khiển bởi người khác - ai đó có thể ở phòng khác, hay quốc gia khác, và thông qua thực tế ảo - thì là câu chuyện hoàn toàn khác. Saraiji nói rằng, anh muốn xem điều gì xảy ra nếu một ai đó có thể ‘lặn’ vào trong cơ thể bạn, và dành quyền kiểm soát nó.
Chiếc balo bao gồm một một máy tính cá nhân (PC) giúp luân chuyển dữ liệu giữa người đeo cánh tay robot và người điều khiển trong thực tế ảo. Chiếc PC cũng kết nối với một vi điều khiển, giúp nó định vị cánh tay và bàn tay robot cũng như cường độ mô-men xoắn vào các khớp nhân tạo (mô-men giúp tạo lực quay cho các khớp đó).
Mỗi cánh tay robot, trang bị 7 khớp nối, chìa ra từ balo, đi cùng với một chiếc đầu được kết nối duy nhất. Cái đầu này có 2 camera giúp truyền trực tiếp mọi thứ mà người đeo balo đang nhìn. Khi người điều khiển di chuyển đầu của mình trong thực tế ảo, các cảm biến định vị chuyển động đó và khiến cái đầu robot cũng chuyển động tương ứng (nó có thể rẽ trái, rẽ phải, lên xuống, xoay ngang dọc, theo lời Saraiji).
Hệ thống này được lấy nguồn năng lượng từ pin, có thể kéo dài lên đến 1 tiếng rưỡi. Nó khá nặng, khoảng 9,5 cân. “Dĩ nhiên, đây mới chỉ là mẫu thử nghiệm thôi,” Saraiji nói.
Các nút điều khiển khác nhau trên kính Oculus Rift tương ứng với chức năng của các ngón tay khác nhau: người điều khiển có thể di chuyển các ngon út, ngón nhẫn, ngón giữa của mỗi bàn tay robot đồng thời với một nút duy nhất, trong khi mỗi ngón cái và ngón trỏ đều có các bộ điều khiển của riêng mình.
Hermano Igo Krebs, nhà nghiên cứu hàng đầu ở MIT, người đã dành hàng thập kỉ để nghiên cứu về robot phục hồi chức năng, cho rằng dự án Fusion không mấy khả thi cho việc phục hồi. Tuy nhiên ông cho rằng nó hữu ích ở nhiều tình huống khác - như để trợ giúp phi hành gia ngoài khoảng không vũ trụ, hay với các y tá chưa quen thuộc với một thủ thuật y tế nào đó.
Saraiji dĩ nhiên muốn biến dự án này thành một sản phẩm thương mại cụ thể. Anh và đồng nghiệp đang trong quá trình kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư ở Tokyo.
Tham khảo: MIT Technology Review