Không chỉ gói gọn trong giao hàng trực tuyến, công nghệ giờ đây đã trở thành một công cụ quan trọng giúp các doanh nghiệp F&B quản lý nhân sự, tối ưu hóa vận hành hay tiếp cận khách hàng.

Cú xoay chuyển của toàn ngành

“Kinh khủng”, đó là từ đầu tiên chị Phương, chủ một quán ăn còn tồn tại trong phố cổ Hà Nội sau đợt dịch COVID-19, bật ra khi được hỏi về quãng thời gian đại dịch, “lúc đó chị không biết nên bắt đầu từ đâu, không ai cung cấp rau quả, không có nhân viên, khách lại không đến ăn được”.

Những khó khăn chị liệt kê cũng là cơn ác mộng chung của rất nhiều chủ quán vào thời điểm đó. Trước năm 2020, thị trường ngành F&B (Food and Beverage - loại hình dịch vụ kinh doanh ẩm thực, nhà hàng, ăn uống) Việt Nam liên tục tăng trưởng và được đánh giá rất tiềm năng. Tuy nhiên sau làn sóng đại dịch, các doanh nghiệp nói chung cũng như doanh nghiệp thực phẩm nói riêng đều chịu thiệt hại nặng nề.

Theo khảo sát của Vietnam Report, trong năm 2020 các doanh nghiệp F&B Việt Nam cho rằng đại dịch không tác động quá nhiều đến họ. Tuy nhiên đến năm 2021, ảnh hưởng của dịch bệnh bắt đầu rõ nét từ tháng tư khi Việt Nam bùng phát dịch và tiếp tục khiến các doanh nghiệp thiệt hại nghiêm trọng đến tháng 9/2021, với hơn 91% công ty chịu ảnh hưởng. Các công ty trong lĩnh vực giao đồ ăn như NOW, Grab, BAEMIN, Gojek cũng phải tạm dừng một phần dịch vụ ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM để chờ thông báo mới.

e
Loship đã “đánh vào” thị trường phân phối sỉ các mặt hàng cung ứng cho cửa hàng F&B bằng dịch vụ Lo-supply. Dịch vụ nhập trực tiếp từ nhà sản xuất những mặt hàng như bao bì, muỗng, đũa, nguyên liệu pha chế v.v.

Trong nguy có cơ, giữa những đợt khủng hoảng ấy là cơ hội để rất nhiều startup vươn lên. Khi nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa hay giảm quy mô vận hành vì đại dịch thì Loship - startup giao đồ ăn, đi chợ hộ, mua thuốc trong một giờ lại tìm thấy cơ hội phát triển. Xuyên suốt đại dịch, Loship trở thành mắt xích quan trọng kết nối các doanh nghiệp F&B với khách hàng, nhờ đó họ đã tăng trưởng gấp 2,6 lần trong giai đoạn khó khăn này.

“Các dịch vụ giao đồ ăn, giao thực phẩm, đi chợ/siêu thị, hàng tạp hóa và chuyển phát nhanh của Loship trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống hằng ngày của nhiều người dân. Loship ghi nhận mức tăng trưởng hơn 200% số lượng giao dịch trên nhiều dịch vụ, bao gồm giao đồ ăn, đặc biệt là đi chợ và giao hàng trong giai đoạn giãn cách xã hội”, anh Nguyễn Hoàng Trung, CEO Loship, tiết lộ trên Báo Đầu tư.

Nhu cầu giao đồ ăn tăng vọt đã dẫn đến nhu cầu về hộp đựng thực phẩm và vật liệu đóng gói cho các cửa hàng F&B cũng tăng theo. Theo đó, Loship đã “đánh vào” thị trường phân phối sỉ các mặt hàng cung ứng cho cửa hàng F&B bằng dịch vụ Lo-supply. Dịch vụ nhập trực tiếp từ nhà sản xuất những mặt hàng như bao bì, muỗng, đũa, nguyên liệu pha chế v.v.

Đại dịch xảy đến cũng khiến các chủ quán ăn, nhà hàng phải thắt chặt “hầu bao” của mình, đảm bảo giảm thiểu số nguyên vật liệu thừa xuống ít nhất có thể. “Đã từng có thời gian làm việc trong ngành khách sạn, tôi hiểu rõ những nút thắt trong chuỗi cung ứng nguyên liệu giữa các nhà cung cấp và nhà hàng”, ông Jin Lee, Giám đốc điều hành của Oda - nền tảng kết nối các doanh nghiệp F&B và nhà cung cấp nguyên vật liệu thông qua phần mềm quản lý - chia sẻ. Với quy trình truyền thống, các doanh nghiệp thường phải mua thực phẩm với số lượng lớn trong một lần, dẫn đến dư thừa phải đổ bỏ. Trong khi đó, với Oda, họ dễ dàng liên lạc với nhà cung cấp để bổ sung thực phẩm tươi sống nếu cần.

Nền tảng Oda đã giúp các doanh nghiệp trong ngành khách sạn, nhà hàng, quán cà phê v.v. quản lý số lượng nguyên liệu đang có, và đặt hàng thực phẩm tươi sống một cách thuận tiện, từ đó tiết kiệm thời gian và chi phí, cũng như giảm thiểu tình trạng lãng phí thực phẩm. Ngoài các đơn đặt hàng theo thời gian thực, nền tảng còn cung cấp cho các khách sạn, nhà hàng, quán cà phê, tiệm bánh một hệ thống theo dõi và phân tích xu hướng mua hàng theo thời gian.
Nhiều startup đã phải thay đổi hướng phát triển để kịp thời thích nghi với dịch bệnh. Khi bắt đầu đại dịch, doanh thu của các nền tảng giảm xuống do các nhà hàng không được phép mở cửa do các biện pháp giãn cách xã hội; tuy nhiên, nhu cầu mua sắm thực phẩm trực tuyến đã tăng vọt. Nhận thấy xu hướng này, Kamereo - nền tảng phân phối thực phẩm B2B - đã nhanh chóng ra mắt nền tảng tạp hóa B2C trực tuyến có tên KameMart, cung cấp cho khách hàng nguồn thực phẩm chất lượng. Kamereo đã chứng minh khả năng phản ứng nhanh chóng với các tình huống thay đổi, chủ động sửa đổi mô hình kinh doanh của mình từ chỉ B2B sang cả B2B và B2C.

Những doanh nghiệp lớn như Gojek và Grab cũng đã đưa ra chương trình giao hàng không tiếp xúc nhờ các chức năng trong ứng dụng, để khách hàng có thể hướng dẫn tài xế gửi đơn đặt hàng của họ tại các địa điểm cụ thể. Tài xế sau đó sẽ thông báo cho khách hàng về việc họ đến và chờ các gói hàng được nhận.

Các startup hỗ trợ cho doanh nghiệp F&B đã sẵn sàng, nhưng chỉ vậy thôi là chưa đủ, làm thế nào để thuyết phục các công ty F&B truyền thống chuyển đổi số nhanh chóng? “Điện thoại của chị tải đủ loại ứng dụng. Con gái chị hồi đó phải ngồi cạnh chỉ chị từng nút một. Nhưng có cách nào khác đâu, nếu không học cách dùng thì lấy gì mà bán tiếp?”, chị Phương - tiết lộ với chúng tôi rằng đến lúc đó chị mới lần đầu biết cách “chọt” ngón tay trên màn hình cảm ứng điện thoại.

Chị Phương là một trong số những chủ cửa hàng nhỏ chủ động thay đổi nhanh chóng, nhưng vẫn có nhiều cửa hàng truyền thống phải mất rất nhiều thời gian để chuyển dịch lên online và thay đổi cách vận hành của mình. Đó chính là lý do mà các công ty công nghệ và công ty hoạt động trong ngành F&B quyết định phát động chiến dịch COVYDIDI - hỗ trợ các công ty F&B chuyển đổi số, áp dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh của mình để vượt qua giai đoạn dịch bệnh. Mỗi doanh nghiệp F&B sẽ được hỗ trợ kinh phí để áp dụng các giải pháp công nghệ vào hoạt động kinh doanh của mình như khởi tạo website và phần mềm bán hàng, sử dụng gói dịch vụ giao hàng, gói livestream bán hàng hay gói phần mềm quản lý nhân sự.

Nhiều dư địa để phát triển

Trải qua hai năm đại dịch với nhiều biến động, thị trường F&B giờ đây đã thay đổi rất nhiều, nhưng liệu các doanh nghiệp có còn ứng dụng công nghệ như trong thời kỳ đại dịch?

Câu trả lời là có. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy điều này khi theo dõi các đợt gọi vốn thành công của các startup như Kamereo, Oda, Loship khi dịch bệnh không còn căng thẳng như trước. Đại dịch như một phép thử cho thấy bản lĩnh và khả năng ứng phó của đội ngũ công ty; kể cả khi đại dịch đã lùi dần, họ vẫn có thể đi tiếp và phát triển về lâu dài. Ông Bobby Liu, đại diện Touchstone Partners, cho hay tiềm năng phát triển của Oda và việc công ty này đã vượt qua quãng thời gian đại dịch một cách thành công là lý do để Quỹ quyết định đầu tư.

Đại dịch cũng đã chuyển dịch xu hướng hành vi của người dân. Báo cáo thị trường Kinh doanh ẩm thực (F&B) tại Việt Nam năm 2022 do iPOS.vn - công ty chuyên sản xuất, kinh doanh các giải pháp phần mềm và phần cứng trong lĩnh vực quản lý nhà hàng/cà phê - và Công ty Cổ phần Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC) cho thấy người dân hiện tại vẫn duy trì thói quen đặt đồ ăn trực tuyến vì tính tiện lợi của nó. Quy mô thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam năm 2022 tăng trưởng ở mức 29,9 nghìn tỷ đồng. GrabFood và ShopeeFood đang là hai ứng dụng bán hàng trực tuyến được ưa chuộng nhất.

Bên cạnh đó, thời kỳ phong tỏa do đại dịch đã giúp các thương hiệu kinh doanh ẩm thực nhận ra vai trò của việc tối ưu nhân sự, tối ưu vận hành, tiếp cận khách hàng online... Trong năm 2022, số lượng các cửa hàng ăn uống tham gia số hóa vận hành đã tăng lên đáng kể. Không chỉ dừng lại ở phần mềm quản lý bán hàng đơn thuần, hiện nay rất nhiều thương hiệu đã nghiêm túc đánh giá vai trò của công nghệ trong nhiều nghiệp vụ quan trọng khác. Nhiều chủ cửa hàng dần ý thức được rằng “Bạn chỉ tối ưu được những thứ bạn có thể đo”, từ đó họ giảm bớt việc quản lý cửa hàng theo cảm xúc, phỏng đoán, mà dựa nhiều hơn vào các báo cáo, dữ liệu do các sản phẩm công nghệ mang lại.

Trên tổng số 2,835 đơn vị tham gia khảo sát, có 2,346 đơn vị cho biết mình có tham gia vào chuyển đổi số trong kinh doanh, tương ứng với 82.8%. Trong đó, chuyển đổi số phần mềm bán hàng và quản lý kho đang là hai ứng dụng chuyển đổi số được ưa chuộng nhất, theo sau là các loại ứng dụng khác như menu điện tử, phần mềm kế toán.

“Chuyển đổi số có nhiều định nghĩa. Nhưng theo tôi với ngành F&B, chuyển đổi số có nghĩa là mức độ ứng dụng phần mềm trong quản lý. Đây là quá trình cần nhiều thời gian”, ông Đỗ Duy Thanh (CEO FnB Director - HoReCa Business School) nhận định.

Hiện tại, rất nhiều doanh nghiệp F&B vẫn mong muốn cải thiện thêm quy trình quản lý nhân sự của mình, do đó trong thời gian tới đây sẽ là hướng đi tiềm năng để các startup khai thác. F&B một ngành có nhân sự khá phức tạp bởi công việc thường mang tính tạm thời, rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình quản lý, xếp lịch làm việc và gặp sai sót khi tính lương nhân sự. Áp dụng quy trình, hệ thống quản trị nhân sự chuyên nghiệp có thể sẽ là là xu hướng mạnh mẽ của ngành F&B trong năm 2023.

Thị trường F&B còn là mảnh đất “vàng” đối với các startup công nghệ tài chính. Theo khảo sát, hầu hết thực khách ưa thích hình thức thanh toán chuyển khoản, cao hơn 12.4% so với thanh toán bằng tiền mặt! Hình thức thanh toán ưa thích nhất của khách hàng là chuyển khoản, tuy nhiên hình thức quét QR code (điển hình như VietQR, VNPay) đang dần trở nên phổ biến từ quý 2 năm 2022. Bằng cách này, khách hàng và nhân viên hạn chế trao đổi tiền mặt - nơi tiềm ẩn nguy cơ nhiễm virus.

Cần thận trọng

Trong năm nay, giá trị thị trường ngành F&B dự kiến sẽ tăng 18% so với 2022, đạt 720 nghìn tỷ đồng. Sau khi hồi phục và tăng trưởng ấn tượng, ngành F&B sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ ổn định và dự kiến sẽ đạt giá trị 938,3 nghìn tỷ đồng vào năm 2026.

Song ngành F&B vốn lắm rủi ro, dù khó khăn liên quan đến diễn biến dịch bệnh và logistics đã giảm nhiệt đáng kể, nhưng lo ngại liên quan đến suy thoái kinh tế và lạm phát gia tăng. Thực tế, phần lớn các doanh nghiệp cho rằng áp lực này còn kéo dài tới cuối năm 2023, thậm chí là sau đó. Phỏng đoán này hoàn toàn hợp lý khi quý 4 năm 2022 chứng kiến sự chững lại của ngành F&B so với cùng kỳ nhiều năm trước. Đây được coi là sự ảnh hưởng chung của nền kinh tế, dự kiến sẽ tiếp diễn trong năm nay.

Không phải mô hình kinh doanh ẩm thực nào liên quan đến trực tuyến cũng đều sẽ được thị trường đón nhận dễ dàng. Một số mô hình, mà tiêu hiểu là “Bếp trên mây” (Cloud Kitchen) đang có dấu hiệu “hụt hơi”. Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của các ứng dụng giao đồ ăn, những mô hình “Bếp trên mây” được kỳ vọng sẽ trở nên phổ biến tại thị trường Việt Nam. Việc xây dựng các khu bếp tổng lớn (các thương hiệu chỉ cần thuê gian hàng, công cụ, tự làm đồ, còn công tác marketing, giao vận sẽ có đơn vị chủ quản lo, tất cả chỉ phục vụ bán online) tỏ ra khá hấp dẫn về mặt lý thuyết. Tuy nhiên sau một thời gian, các dự án thử nghiệm của ShopeeFood, GrabFood và một số dự án đơn lẻ của một vài cá nhân đều đã phải đóng cửa. Lý do chính được đưa ra là bên thuê bếp và đơn vị chủ quản không tìm được điểm cân bằng trong cơ cấu chi phí/ lợi nhuận của cả hai, dẫn đến việc các thương hiệu có tiếng không mặn mà tham dự. Mô hình "Bếp trên mây" có thể sẽ được tinh chỉnh và tối ưu thành phiên bản mới trong thời gian tới.

Bản thân ShopeeFood, GrabFood dù là ông lớn trong lĩnh vực giao đồ ăn, nhưng điều đó không đảm bảo vị trí của họ không lung lay, đặc biệt trong bối cảnh thị trường giao đồ ăn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Đối với nhiều nhà hàng, chi phí chiết khấu bán hàng quá cao, họ đang gặp khó khăn với cuộc đua giảm giá để giành đơn hàng, khiến lợi nhuận bị bào mòn. Vì vậy, đối với nhiều doanh nghiệp F&B, bán hàng trực tuyến không còn là hướng đi an toàn như trước, họ sẽ phải thận trọng tính toán nếu muốn có lợi nhuận ổn định.

“Xu hướng bán hàng online sẽ tiếp tục phát triển nhưng chỉ trong ngắn hạn”, ông Đỗ Duy Thanh nhận định. Các ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến đã qua thời gian “đốt tiền”, và sẽ tăng chi phí chiết khấu cao trong thời gian tới, để bù đắp cho ngân sách đầu tư ban đầu. Thuật toán hiển thị trên các ứng dụng cũng đồng thời khó khăn hơn, để dành chỗ cho các hình thức quảng cáo, hay các nhà hàng có chất lượng. “Vì vậy, bán hàng online chỉ phù hợp để khai thác thời gian thấp điểm, là cánh tay nối dài, chứ không còn là hướng đi an toàn cho mô hình kinh doanh thuần trực tuyến, thuần ứng dụng giao đồ ăn”.

Dù là trong hay sau đại dịch, thị trường F&B vẫn luôn biến động không ngừng. Không ai có thể nói trước được điều đó, song có một điều có thể khẳng định trong hiện tại: Cơ hội vẫn dành cho tất cả.

Trong năm 2022, số lượng các cửa hàng ăn uống tham gia số hóa vận hành đã tăng lên đáng kể. Không chỉ dừng lại ở phần mềm quản lý bán hàng đơn thuần, hiện nay rất nhiều thương hiệu đã nghiêm túc đánh giá vai trò của công nghệ trong nhiều nghiệp vụ quan trọng khác. Nhiều chủ cửa hàng dần ý thức được rằng “Bạn chỉ tối ưu được những thứ bạn có thể đo”, từ đó họ giảm bớt việc quản lý cửa hàng theo cảm xúc, phỏng đoán, mà dựa nhiều hơn vào các báo cáo, dữ liệu do các sản phẩm công nghệ mang lại.