Màng chitosan kết hợp với tinh dầu trầu không do nhóm tác giả Trung tâm Phát triển KH&CN Trẻ TPHCM nghiên cứu, có khả năng kháng khuẩn, kháng ô xy hóa, có thể thay thế phương pháp bảo quản hoa quả bằng hóa chất ở quy mô lớn.

Trái cây sau thu hoạch dễ bị hư hỏng và không để được lâu nếu không sử dụng các biện pháp bảo quản. Để hạn chế tổn thất sau thu hoạch, hiện nay đã có nhiều phương pháp bảo quản, từ thủ công đến những công nghệ hiện đại. Một số phương pháp bảo quản trái cây chủ yếu hiện nay như dùng kho lạnh, chiếu xạ. Những phương pháp này đòi hỏi đầu tư cao nên khó khăn trong việc mở rộng quy mô đến người nông dân. Vì vậy, phần lớn, người dân vẫn sử dụng các hóa chất để giữ trái cây tươi lâu, bởi đây là phương pháp đơn giản, chi phí thấp, tuy nhiên có khả năng gây độc hại cho người tiêu dùng nếu thực hiện không đúng cách.

Trong bối cảnh đó, nhóm nghiên cứu của Trung tâm phát triển KH&CN Trẻ TPHCM đã thực hiện đề tài "Nghiên cứu tổng hợp màng sinh học và đánh giá hoạt tính kháng khuẩn, kháng oxi hóa của màng chitosan kết hợp với tinh dầu trầu không".

Tinh dầu thực vật có nhiều ưu điểm như an toàn, phổ kháng khuẩn rộng, ức chế sự tạo độc tố, khả năng tạo chủng nấm mốc kháng tinh dầu thấp, nguồn nguyên liệu sẵn có. Trong đó, tinh dầu trầu không chứa các hợp chất như polyphenol, caroten, ester,... có khả năng kháng khuẩn, kháng ô xy hóa.

Chitosan là một polymer sinh học, có khả năng tạo màng, không độc hại, có nhiều đặc tính sinh học quan trọng như kháng khuẩn, kháng nấm, làm chậm quá trình ô xy hóa,… đã được nghiên cứu, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực. Màng bao sinh học có ưu điểm giúp kéo dài quá trình chín, ít ảnh hưởng đến cảm quan, kéo dài sự tươi ngon của thực phẩm, hạn chế sự mất nước, an toàn, thân thiện với môi trường,...

Kết hợp giữa màng chitosan và tinh dầu trầu không sẽ giúp tăng khả năng kháng khuẩn, ức chế sự phát triển của nấm mốc và sự hình thành các độc tố do nấm mốc gây ra, cho phép bảo quản thực phẩm, nông sản tươi lâu, kéo dài hiệu quả kháng khuẩn của tinh dầu.

Màng
Màng chitosan kết hợp tinh dầu trầu không ở các nồng độ khác nhau. Ảnh: NVCC

Trong nghiên cứu nói trên, chitosan được hòa tan trong dung dịch acid acetic 1% trong 24 giờ. Sau đó cho thêm 30% glycerol, khuấy liên tục trong 1 giờ, tiếp tục cho tinh dầu trầu không và tạo màng. Kết quả cho thấy, màng chitosan và tinh dầu trầu không mềm dẻo, phù hợp để bao gói thực phẩm. Ngoài ra, màng có khả năng cản ánh sáng UV trong vùng bước sóng 190nm – 400nm, kháng ô xy hóa, kháng khuẩn Pseudomonas, S.typhi, S.aureus, E.coli. Đặc biệt, khả năng kháng khuẩn cao nhất đối với Pseudomonas, một loại vi khuẩn gây hư hỏng chính ở trái cây.

Thử nghiệm trong bảo quản trái cây
Thử nghiệm trong bảo quản trái cam. Ảnh: NVCC

Thử nghiệm màng chitosan kết hợp tinh dầu trầu không trong bảo quản trái cam (tạo lớp màng trên trái cam bằng phương pháp phun áp suất), kết quả cho thấy, trong 14 ngày ở nhiệt độ 25°C, cam vẫn còn tươi, múi mọng nước hơn so với những trái không sử dụng màng hoặc sử dụng màng chitosan. Điều này chứng tỏ màng giúp giảm hao hụt khối lượng, duy trì chất lượng, kéo dài thời gian bảo quản. Đồng thời, do màng có khả năng phân hủy sinh học nên không gây độc hại cho con người và môi trường. Theo ThS Nguyễn Thị Thương, Chủ nhiệm đề tài, phương pháp bảo quản này với chi phí đầu tư không cao, nên có thể thay thế cho phương pháp sử dụng hóa chất ở quy mô lớn.

Kết quả nghiên cứu của đề tài đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu trong năm qua.