Tỷ lệ thần thánh hay tỷ lệ vàng là một tỷ lệ được nghiên cứu và sử dụng phổ biến trong các tác phẩm hội họa và kiến trúc thời Phục Hưng cũng như các kiến trúc cổ đại từ hàng nghìn năm trước.
Từ kim tự tháp Giza tới đền Parthenon ở Hy Lạp; từ bức Chúa trời tạo ra Adam của Michelangelo trên mái vòm nhà nguyện Sistine đến bức Học viện Athens trong căn phòng ký duyệt của các Giáo hoàng; thậm chí khuôn mặt và cơ thể con người cũng tuân theo tỷ lệ này. (Xem thêm về cách xây dựng tỷ lệ vàng trong bài:Raphael và tỷ lệ vàng trong hội họa Phục Hưng)
Có khá nhiều quan niệm và mô tả sai lầm về tỷ lệ vàng. Một số người cho rằng tỷ lệ vàng chỉ thuần túy là ảo tưởng, một số khác lại cố gán ghép tỷ lệ vàng cho tất cả mọi sự vật mà họ nhìn thấy. Ví dụ như rất nhiều đường cong trong tự nhiên như đường cong từ vỏ ốc anh vũ không phải là “đường cong vàng” một cách thuần túy như nhiều người vẫn tưởng tượng.
Tất nhiên, không phải ai cũng đồng ý với sự tồn tại của một thứ tỷ lệ “khiến ai nhìn cũng thấy đẹp”. Ngạn ngữ có câu: “Vẻ đẹp là ở con mắt của người xem”, nhưng cũng lại có câu: “Nhan sắc chỉ là vẻ bề ngoài”. Dẫu sao, quan niệm về cái đẹp của người ta, dù ít dù nhiều đều có xu hướng tuân theo một chuẩn mực nào đó, vậy nên nhân loại mới có những tuyệt tác bất hủ…
Vậy một câu hỏi thú vị đặt ra là, quan niệm của con người về một khuôn mặt đẹp có tuân theo tỷ lệ vàng không?
Hãy thử nhìn vào gương mặt bên trái và bên phải trong hình dưới đây.
Có lẽ hầu hết mọi người đều cảm giác thấy khuôn mặt người phụ nữ bên phải có phần xinh đẹp hơn.
Thực chất khuôn mặt bên phải là một khuôn mặt đã được chỉnh sửa thông qua mặt nạ Marquardt. Đây là một mặt nạ được tiến sĩ Stephen Marquardt, một chuyên gia phẫu thuật thẩm mỹ, đưa ra sau khi đúc kết từ hàng trăm khuôn mặt trong một nghiên cứu về sắc đẹp thẩm mỹ. Mặt nạ Marquardt được xây dựng dựa trên những khối đa giác, với cơ sở là tỷ lệ vàng.
Và tất nhiên, cũng có những nghiên cứu nhằm phản bác lại sự hấp dẫn của tỷ lệ vàng. Năm 2009, một nhóm nghiên cứu của trường đại học Toronto và đại học California đã công bố rằng tỷ lệ vàng không tồn tại, và đưa ra các tỷ lệ mới thay thế cho tỷ lệ vàng này. Tuy nhiên khi nghiên cứu những khuôn mặt hoàn hảo mà nhóm nghiên cứu này đưa ra, người ta lại tìm thấy rất nhiều tỷ lệ vàng theo cả chiều ngang và chiều dọc của khuôn mặt.
Năm 2012, một công ty mỹ phẩm Anh quốc đã tổ chức một cuộc thi tìm kiếm khuôn mặt hoàn hảo trên cả nước. Người thắng cuộc được bình chọn trong số 8.000 người dự thi.
Và dĩ nhiên, tỷ lệ vàng cũng hiện hữu trên “khuôn mặt hoàn hảo của Anh quốc”, từ tỷ lệ của hai môi, tỷ lệ của môi với cằm, đến tỷ lệ bề rộng của mắt và mũi, v.v.. Quả là một một “khuôn mặt vàng”.
Video phân tích tỷ lệ vàng trên khuôn mặt củaFlorence Colgate:
Đã từng có một nhà toán học phủ nhận sự tồn tại của tỷ lệ vàng trong tự nhiên, vì theo ông, tỷ lệ vàng dựa trên số Phi, mà số Phi vốn là một số vô tỷ, mà số vô tỷ không tồn tại trong tự nhiên. Nhưng chẳng có gì là hoàn mỹ theo cách lý giải đó cả. Chiếc lốp xe hơi không tròn chằn chặn vì Pi là một số vô tỷ, nhưng nó vẫn lăn trên đường nhựa đó thôi!
Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao tỷ lệ vàng lại xuất hiện trên khuôn mặt con người? Đây quả là một câu hỏi hay. Tại sao có, và tại sao không? Người ta tìm kiếm thấy tỷ lệ vàng và dãy Fibonacci ở nhiều nơi trong giới tự nhiên. Nó xuất hiện trong các hình xoắn ốc cơ bản của quả cây thông. Nó cũng được tìm thấy trong cấu trúc không gian của phân tử, vật lý học lượng tử. Nếu một ai đó mở rộng quan điểm về tâm linh, câu trả lời có thể là con người được tạo ra bởi một trí huệ siêu việt nhân loại. Và trí huệ sáng thế đó sử dụng tỷ lệ vàng như một định số để đảm bảo cho sự hài hòa và vẻ đẹp trên toàn trái đất.