Dự án do Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội phối hợp với huyện Lục Ngạn, Bắc Giang thực hiện từ tháng 6/2016 đến tháng 6/2018.
TS Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng bộ môn Công nghệ hóa hữu cơ, Đại học Công nghiệp Hà Nội, thành viên ban quản lý dự án - cho biết: Mùa thu hoạch cam đường canh thường vào cuối năm và chỉ kéo dài trong thời gian ngắn, việc bảo quản cam đường canh sau thu hoạch rất khó, cam hái xuống chỉ để được 10-15 ngày đã héo trong khi đó nhu cầu bà con dịp gần tết lại cao. Xuất phát từ thực tế đó, các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã tìm hiểu và thấy rằng, màng phủ chitosan thích hợp để bảo quản cam đường canh.
Cam canh Lục Ngạn bảo quản bằng màng sinh học chitosan sau 16 ngày vẫn cho màu sắc, chất lượng tốt.
"Chitosan là màng polyme phân hủy sinh học có nguồn gốc chiết xuất từ vỏ tôm, có tính kháng khuẩn cao, thân thiện với môi trường, không độc hại nên an toàn với cơ thể người. Việc sử dụng màng chitosan giúp ngăn nấm mốc, vi khuẩn thâm nhập vào quả cam. Do đó thời gian bảo quản lâu hơn, chất lượng và màu sắc được đảm bảo, đặc biệt, chi phí cho 1 kilôgram sẽ không nhiều, chỉ khoảng vài trăm đồng/kg quả" - TS Tuấn nói.
Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu, mới đây nhóm tác giả đã tiến hành buổi tập huấn sử dụng màng chitosan để bảo quản cam canh cho các hộ trồng cam tại xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn.
Tại buổi tập huấn, các nhà khoa học đã tiến hành thí nghiệm bảo quản cam canh với 4 công thức đối chứng lần lượt là: Không nhúng qua dung dịch chitosan, nhúng qua dung dịch với nồng độ 1%, nhúng qua dung dịch với nồng độ 1,5%, nhúng qua dung dịch với nồng độ 2%.
Kết quả cho thấy thí nghiệm nhúng cam canh qua dung dịch có nồng độ 1,5% cho kết quả tốt nhất, màu sắc và hàm lượng đường có sự biến đổi ít nhất.
TS Nguyễn Anh Tuấn cho biết, với công thức trên, quả cam canh sau 20 ngày vẫn giữ nguyên được màu sắc và chất lượng, sau 40 ngày chất lượng và màu sắc giữ được 80%. "Khi đó giá bán quả cam canh sẽ được nâng cao, giúp bà con 'kéo dài' được mùa vụ" - TS Tuấn chia sẻ.