Tuy nhiên, theo các chuyên gia, lĩnh vực bảo quản nông sản sau thu hoạch vẫn còn nhiều bài toán cần đáp án và bao gói chỉ là một giải pháp.
Vải thiều rộng đường xuất khẩu nhờ MAP
Tiến sỹ (TS) Nguyễn Thanh Tùng - Phó Trưởng phòng Vật liệu polymer, Viện Hóa học, VAST - cho biết, nguyên lý của túi MAP là bọc sản phẩm trong một lớp màng có độ thẩm thấu khí chọn lọc - hút CO2 và đẩy ôxy, hạn chế quá trình hô hấp của rau quả, ngăn trái cây chín nhanh, bảo quản được lâu hơn. Nếu áp dụng cho vải thiều, công nghệ này sẽ giúp giải bài toàn khó về xuất khẩu do không bảo quản được lâu.
Ông Vũ Đào - Giám đốc Công ty TNHH Phong Sơn Tiệm, đơn vị chuyên xuất khẩu quả vải sang Úc - đang háo hức chờ dùng thử túi MAP trong vụ vải năm nay: “Vải rất khó bảo quản vì vỏ dễ bị thâm, quả dễ hỏng. Năm ngoái, tôi bị thiệt 2 container vải xuất sang Úc do nhiệt độ không đảm bảo, quả ăn vẫn ngon nhưng vỏ thâm nên phải hạ giá”.
Lâu nay, công ty ông thường sơ chế vải tại vườn, bọc túi nhựa PE rồi bảo quản lạnh trước khi chuyển sang Úc bằng máy bay với chi phí 2,5USD/kg. Trong khi đó nếu đi đường biển, chi phí cho một container chứa khoảng 22 tấn vải là 1.000USD - rẻ hơn 55 lần, nhưng thời gian di chuyển mất 22 ngày.
Người dân thu hoạch vải tại Lục Ngạn, Bắc Giang. Ảnh - Lê Hiếu
“Nếu dùng thử túi MAP thành công trong vụ vải sớm năm nay, chúng tôi sẽ đưa vải Bắc Giang đến Úc bằng đường biển” - ông Đào nói. TS Tùng cho biết, nghiên cứu hoàn thành vào tháng 8/2016, VAST đã xây dựng mô hình bảo quản vải bằng túi MAP.
Theo đó, vải vừa thu hoạch được ngâm 7 phút trong nước 470C để giảm vi sinh vật, sau đó ngâm 6 phút trong dung dịch axít oxalic pH=3 để ổn định màu vỏ rồi cho vào túi MAP buộc chặt, bảo quản ở nhiệt độ 4-50C, độ ẩm 85-90%. Vải sau khi ra kho chỉ cần giữ ở nhiệt độ 16-180C.
Kết quả cho thấy trong vòng 5 tuần, màu vỏ, hương vị và lượng dinh dưỡng trong quả vải không thay đổi nhiều, tỷ lệ hỏng dưới 10%. “Ưu điểm của túi MAP là rẻ (1.000-1.500 đồng/túi) và dễ sử dụng. Với quả vải, chi phí mua túi và chế phẩm xử lý là 50.000 đồng/tấn, rẻ hơn rất nhiều so với công nghệ CAS đang thịnh hành cần hàng chục tỷ đồng đầu tư ban đầu, về kỹ thuật thì đơn giản hơn chiếu xạ” - TS Tùng nói.
Ông Phạm Quốc Bảo - Phó Giám đốc Công ty TNHH quốc tế Sao Nam, nhà phân phối túi MAP của VAST ở phía nam - cho biết từ tháng 8/2016 đến nay, công ty đã bán khoảng 3-4 tấn túi cho các đơn vị chuyên đóng trái cây xuất khẩu: “Trước, chúng tôi thường nhập túi của Đức, Úc... với giá từ 3.000-4.000 đồng/túi. Sản phẩm của viện giá chỉ bằng 1/3 nhưng độ dai, độ trong đạt 80%, hiệu quả bảo quản đạt 90% hàng ngoại. Vì thế, các doanh nghiệp sẵn sàng dùng nó thay thế”.
Công ty TNHH rau quả nhiệt đới - đơn vị xuất khẩu chanh dây và thanh long đi Úc - cũng dùng sản phẩm này từ 2 tháng nay. Giám đốc Huỳnh Lê Minh Vũ chia sẻ: “Trước đây, công ty dùng túi của Israel có van thông minh để đưa CO2 vào và đẩy ôxy ra, nhưng giá tới 5.000-7.000 đồng. Khi dùng túi của Việt Nam, trái cây vẫn giữ độ tươi ngon và màu sắc tương tự dùng túi ngoại. Nhược điểm duy nhất là còn đọng nước”.
PGS-TS Hoàng Thị Lệ Hằng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau củ - cho biết viện đã khắc phục hiện tượng này bằng cách đục thêm lỗ trên túi. Còn VAST đang xem xét thiết kế các vi lỗ để điều tiết lượng trao đổi CO2 và ôxy một cách thông minh hơn. Ngoài quả vải, túi MAP sẽ tiếp tục được nghiên cứu áp dụng cho nhiều loại trái cây khác.
Cần có chuỗi thu hái, sơ chế, bảo quản đồng bộ
TS Lệ Hằng cho rằng: “Trong lĩnh vực bảo quản, để mở rộng xuất khẩu và đạt giá trị cao, chúng ta cần nhiều giải pháp và bao gói chỉ là một. Cần hướng tới sử dụng hóa chất thân thiện với môi trường, các chế phẩm từ thiên nhiên. Chẳng hạn, Viện Nghiên cứu rau củ đang áp dụng công nghệ bảo quản vải của Israel, dùng axít vô cơ thay cho lưu huỳnh để đảm bảo về môi trường”.
Quả vải sau 30 ngày sử dụng túi bảo quản MAP. Ảnh: Nguyễn Miền
Hiện nay ngoài túi MAP, một số công nghệ khác giúp kéo dài thời gian bảo quản rau quả với chi phí thấp, giúp tăng cơ hội xuất khẩu cho sản vật Việt cũng đã có mặt ở Việt Nam như chiếu xạ, sử dụng chế phẩm tạo màng bao với thành phần là tritosan hoặc sáp thực vật...
Cũng theo bà Hằng, để kéo dài thời gian bảo quản rau - củ - quả, phải đồng bộ quy trình kỹ thuật ngay từ khâu gieo trồng, chăm sóc, bởi nếu quả bị ô nhiễm hóa chất từ trên cây thì rất khó khử sạch. Việc thu hái, sơ chế và bảo quản cũng cần chuẩn hóa. Hiện ít nơi thu hoạch cam theo cách mà người trồng cam Hàm Yên (Tuyên Quang) đang làm - cắt cuống nhẹ nhàng, tránh để trái bị dập, quả mới hái không bảo quản mát để tránh sốc nhiệt.
“Ở Việt Nam, trái cây thường bị đổ đống, ít được phân loại theo size (kích cỡ) và chất lượng. Còn ở nước ngoài, trái cây được chăm sóc khỏe từ khi ra hoa, lúc thu hoạch cũng chọn những quả tốt nhất. Vì thế, trái cây luôn tươi ngon, bóng đẹp, để được lâu hơn” - bà Hằng nói.
Đồng tình với quan điểm này, PGS-TS Nguyễn Duy Lâm - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Kiểm tra chất lượng nông sản, thực phẩm, Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch - cho rằng Việt Nam đang thiếu khâu sơ chế sau thu hoạch: “Khi đến thăm nhà máy chế biến cam ở Mỹ, tôi bất ngờ khi thấy chỉ có nửa số cam được chọn bán tươi, đó là những quả đồng đều về size, màu sắc, chất lượng. Số còn lại được đưa vào nhà máy làm nước ép. Chúng ta cũng cần học cách chuẩn hóa các công đoạn từ thu hoạch, sơ chế, bảo quản đến đóng gói và phân phối. Nếu làm được theo tiêu chuẩn, chắc chắn giá trị nông sản của Việt Nam sẽ được nâng cao hơn nhiều”.
Ưu, khuyết điểmcủa một số công nghệ bảo quản
CAS | Duy trì tới 99,7% lượng dinh dưỡng, nước, mùi, vị, màu sắc thực phẩm... trong 10 năm. | Chi phí đầu tư ban đầu khoảng 30 tỷ đồng. |
Khí quyển điều chỉnh (CA) | Bảo quản được 35 ngày trong kho lạnh đối với quả vải, 3-5 ngày ở điều kiện bảo quản lạnh 40C. | Hiệu quả kém ổn định, phụ thuộc vào giống, loài, loại, thời vụ... |
Công nghệ màng MAP | Thời gian bảo quản 5 tuần đối với quả vải, chi phí thấp. | Bị đọng hơi nước. Chỉ hiệu quả khi kết hợp với bảo quản lạnh. |
Công nghệ màng MA | Thời gian bảo quản 3-4 tuần đối với xoài và vải, chi phí thấp. | Chỉ hiệu quả khi kết hợp với bảo quản lạnh. Đọng hơi nước nhiều hơn màng MAP. |
Chế phẩm tạo màng | Bảo quản được 2-3 tháng ở nhiệt độ thường, | Chi phí thấp. |
Nguồn: IRRD, VAST, VIAEP