Khảo sát quy trình chế biến, ứng dụng công nghệ cao trong xử lý và tái chế phụ phẩm; ứng dụng IoT, AI trong nông nghiệp; đào tạo nhân lực nông nghiệp công nghệ cao (NN CNC)… là những vấn đề mà TPHCM và Nhật Bản sẽ hợp tác thực hiện trong thời gian tới.

Ngày 18/7, Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM (AHTP) tổ chức Hội nghị hợp tác và đầu tư trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Việt Nam – Nhật Bản lần III – năm 2019.

Sự kiện được tổ chức nhằm tạo cơ hội cho các tổ chức, doanh nghiệp của thành phố và khu vực phía Nam gặp gỡ, trao đổi thông tin về các giải pháp kỹ thuật, công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp; tìm hiểu khả năng hợp tác và cơ hội đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với các tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản.

Ông Từ Minh Thiện chia sẻ những nhu cầu và định hướng hợp tác với Nhật Bản
Ông Từ Minh Thiện chia sẻ những nhu cầu và định hướng hợp tác với Nhật Bản

Ông Từ Minh Thiện - Phó trưởng Ban quản lý AHTP - cho biết, Nhật Bản được xem là đứng đầu trong ứng dụng công nghệ sản xuất nông nghiệp ở một số lĩnh vực quan trọng như tự động hóa sản xuất, công nghệ sinh học, nông nghiệp thông minh, giống cây trồng vật nuôi,… Thời gian qua, AHTP và Nhật Bản đã hợp tác thực hiện một số dự án như đào tạo nghề nông nghiệp CNC theo tiêu chuẩn Nhật Bản và cung ứng nguồn nhân lực cho Nhật; nghiên cứu và sản xuất các giống hoa, rau;… Hiện nay, AHTP và Nhật Bản có thể hợp tác trong một số lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, bảo quản xử lý sau thu hoạch, ứng dụng công nghệ IoT trong nông nghiệp.

Cụ thể, hai bên có thể hợp tác thử nghiệm các giống rau quả mới, nấm ăn, nấm dược liệu; ứng dụng nano bubble trong xử lý môi trường nuôi, lọc sinh học, sản xuất vi tảo; ứng dụng công nghệ Denba, công nghệ áp suất khí quyển biến đổi MAP trong bảo quản, xử lý sau thu hoạch; xây dựng hệ thống thông tin thị trường nông sản, hệ thống quản lý đất canh tác;…

“Ngoài ra, hai nước nên tổ chức các hội chợ, triển lãm, diễn đàn để giới thiệu thành tựu nông nghiệp của hai nước, trao đổi học giả, đề xuất các chương trình hợp tác để xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm như EU, Hoa Kỳ, Trung Đông,…; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; trao đổi kinh nghiệm tổ chức và vận hành mô hình du lịch nông nghiệp;…” – theo ông Thiện.

Nuôi cấy mô các giống rau, hoa là một trong những thế mạnh của AHTP
Nhân giống hoa bằng phương pháp nuôi cấy mô là một trong những thế mạnh của AHTP

Ông Hoàng Đức Hiệp, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển NN CNC AHPT, cho biết thêm, Trung tâm đã nghiên cứu xây dựng các quy trình nhân giống canh tác rau ăn lá, ăn trái, hoa đã chuyển giao thành công và chuyển giao hiệu quả cho các tỉnh như Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Long An,… Cụ thể như kỹ thuật trồng dưa lê trên giá thể trong nhà màng áp dụng tưới nhỏ giọt, giúp tiết kiệm công lao động, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, năng suất gấp 1,5 lần so với trồng truyền thống,…; kỹ thuật nuôi cấy hoa lan invitro đem lại hiệu quả kinh tế cao gần 90% so với quy trình nuôi cấy trong phòng lạnh;… Đây cũng là những quy trình công nghệ có thể hợp tác với Nhật Bản.

chuyên gia Nhật Bản chia sẻ công nghệ
GS.TS. Kazuo Watanabechia sẻ về áp dụng công nghệ và nguồn gen

Về phía Nhật Bản, GS.TS. Kazuo Watanabe, Đại học Tsukuba, chia sẻ kinh nghiệm trong áp dụng công nghệ và nguồn gene để thúc đẩy sản xuất thực vật, động vật. Trong khi đó, các doanh nghiệp Nhật Bản bày tỏ mong muốn được hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, điển hình như ứng dụng IOT và AI trong canh tác đất thủy canh, trồng trọt với một hệ thống thiết bị tự động cảm biến nhiệt độ lá, tăng trưởng trái cây, đo quang hợp, đo ánh sáng,…

Tại Hội nghị, Ban Quản lý AHTP, các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản đã ký kết thỏa thuận hợp tác, triển khai thực hiện khảo sát quy trình chế biến, ứng dụng công nghệ cao trong xử lý và tái chế phụ phẩm; ứng dụng IoT, AI trong nông nghiệp; đào tạo nhân lực nông nghiệp công nghệ cao.