Luật cho phép và nhu cầu được xếp hạng của các trường đại học rất lớn, nhưng ý tưởng xếp hạng các trường đại học trong nước dường như chưa được quan tâm đúng mức.

Từ giữa thập niên 2000, những ý tưởng về thứ hạng đại học đã dần len lỏi vào các thảo luận chính sách tại Việt Nam. Sau gần 20 năm, trong khi ngày càng có nhiều trường đại học Việt Nam thể hiện tham vọng theo đuổi các thứ hạng quốc tế (và điều này được giới làm chính sách ủng hộ), thì ý tưởng về xếp hạng các trường đại học trong nước dường như chưa được quan tâm đúng mức.

Nhu cầu được xếp hạng

Mặc dù kế hoạch tái cấu trúc hệ thống giáo dục đại học Việt Nam từ cuối thập niên 1980 phần nào xuất phát từ việc đối sánh hệ thống đại học của Việt Nam với các nước khác, nhưng nhu cầu muốn “biết mình đang ở đâu” trở nên cấp thiết hơn kể từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào giữa thập niên 2000. Ẩn sau đề án xây dựng một số trường đại học đẳng cấp quốc tế (năm 2006) là ý tưởng được xếp hạng quốc tế. Mong muốn này càng được thể hiện rõ hơn trong đề án Đào tạo theo chương trình tiên tiến (năm 2008) – một trong những mục tiêu của đề án là phấn đấu đến năm 2020, sẽ có một số trường của Việt Nam được xếp hạng trong top 200 trường hàng đầu thế giới.

Những năm gần đây, bức tranh xếp hạng đại học tại Việt Nam ngày càng trở nên sôi động hơn. Luật Giáo dục Đại học 2012 xem xếp hạng như một công cụ quản lý nhà nước (một căn cứ để ưu tiên đầu tư từ ngân sách). Tuy nhiên, Luật Giáo dục Đại học Sửa đổi 2018 thể hiện cách tiếp cận cởi mở hơn: nhìn nhận rằng các bảng xếp hạng không hoàn hảo, và (chỉ) là công cụ đáp ứng nhu cầu thông tin của các bên liên quan. Từ đó, các trường đại học được chủ động tham gia các bảng xếp hạng, còn các pháp nhân phi thương mại thì được phép thực hiện các bảng xếp hạng. Đây cũng là cách tiếp cận phổ biến của cơ quan quản lý nhà nước tại nhiều quốc gia. Với nguồn thông tin dồi dào lẫn khả năng quy tụ đội ngũ chuyên gia hàng đầu và nhất là với tính chính danh, họ hoàn toàn có khả năng khởi xướng và duy trì những bảng xếp hạng tốt. Tuy nhiên, do không có bảng xếp hạng nào là hoàn hảo và hoàn toàn khách quan, nên thay vì trực tiếp phát triển một bảng xếp hạng “chính thống” và tự đưa mình vào thế khó, thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ khuyến khích các tổ chức xếp hạng, đồng thời thiết lập “luật chơi” cho các bảng xếp hạng này. Chính cách tiếp cận này đã giúp cho hệ thống giáo dục đại học trở nên đa dạng hơn.

Trong khi nhiều trường đại học Việt Nam thể hiện quyết tâm được xếp hạng quốc tế nhưng rất ít trường thành công, thì hai bảng xếp hạng trong nước (Xếp hạng 49 trường Đại học Việt Nam do một nhóm chuyên gia độc lập tiến hành năm 2017, và Xếp hạng Đại học Việt Nam VNUR được thực hiện trong khuôn khổ hoạt động của Công ty TNHH phi lợi nhuận Vietnam Education Index kể từ năm 2023) đều vấp phải sự nghi ngại lớn từ chính cộng đồng giáo dục đại học. Đó là chưa kể một vài dự án dù đã hoàn thành bảng xếp hạng nhưng cuối cùng lại chọn không công bố. Một số tổ chức xếp hạng quốc tế cũng đã được ngỏ lời mời xây dựng bảng xếp hạng đại học Việt Nam – tuy nhiên, quá trình thảo luận chưa dẫn đến đồng thuận.

Thống nhất trong sự đa dạng

Phản ứng phổ biến nhất của dư luận đối với Xếp hạng 49 trường lẫn Xếp hạng VNUR là cho rằng cả hai bảng xếp hạng đều không chính xác. Lí do họ đưa ra là vì một số trường đại học trước giờ được xem là tốt, nhưng lại có thứ hạng thấp – và ngược lại, một số trường đại học non trẻ lại được xếp hạng cao. Nói cách khác, cả hai bảng xếp hạng đều được cho là không chính xác so với những gì mà dư luận vốn đã biết và tin. Đây là một phản ứng tâm lý dễ hiểu. Tuy nhiên, xét cho cùng thì một trong những mục đích ra đời của các bảng xếp hạng là thúc đẩy quá trình đa dạng hóa trong giáo dục đại học – cũng như quá trình “bình thường hóa” sự đa dạng này.

Các bảng xếp hạng đại học trong nước dễ gây tranh cãi vì dư luận không dễ chấp nhận những thông tin mới, khác với những gì đã định hình trong đầu họ. Ảnh minh họa: ĐH Quốc gia Hà Nội hai năm liền đứng đầu bảng xếp hạng đại học Việt Nam VNUR. Nguồn: vinalab.org.vn
Các bảng xếp hạng đại học trong nước dễ gây tranh cãi vì dư luận không dễ chấp nhận những thông tin mới, khác với những gì đã định hình trong đầu họ. Ảnh minh họa: ĐH Quốc gia Hà Nội hai năm liền đứng đầu bảng xếp hạng đại học Việt Nam VNUR. Nguồn: vinalab.org.vn

Đúng là các bảng xếp hạng đều cố gắng tìm ra những trường đại học tốt nhất – nhưng là tốt nhất theo một mục đích xếp hạng cụ thể nào đó. Một tỷ lệ lớn các bảng xếp hạng được khởi xướng và vận hành bởi những tờ báo hoặc tạp chí uy tín – và điều này không hề ngẫu nhiên. Mục đích chính của họ là cung cấp thông tin, giúp độc giả chọn trường phù hợp. Và với mục đích tư vấn tuyển sinh nên họ thường tiến hành khảo sát ý kiến của nhiều bên liên quan về danh tiếng của trường. Trong khi đó, những bảng xếp hạng được phát triển bởi các trung tâm nghiên cứu trực thuộc trường đại học lại thường hướng đến mục đích nghiên cứu và tư vấn chính sách – vì thế, họ coi trọng các dữ liệu khách quan, không phụ thuộc vào nhận định của bất kỳ cá nhân nào. Nếu chúng ta đều đồng thuận về một danh sách các trường đại học tốt nhất nào đó thì tổ chức IREG (International Ranking Expert Group) đã không có lý do tồn tại và chứng nhận hơn 100 bảng xếp hạng hiện đang hoạt động trên thế giới.

“Tránh voi”

Hơn 60% trong tổng số hơn 100 bảng xếp hạng trên thế giới hiện nay là các bảng xếp hạng trong nước. Trong khi các bảng xếp hạng quốc tế thường tập trung vào những khía cạnh phổ biến (nhất là nghiên cứu, đào tạo) có thể thu thập dữ liệu đối sánh trên phạm vi toàn cầu, thì các tiêu chí của các bảng xếp hạng trong nước thường đa dạng hơn, bao gồm cả các những yếu tố đặc thù của quốc gia. Ví dụ, bảng xếp hạng trong nước của US News & Report có tính đến các yếu tố liên quan đến nhân khẩu-xã hội học (ví dụ, tỷ lệ sinh viên thuộc thế hệ đầu tiên trong gia đình được học đại học) lẫn yếu tố khá đặc thù tại Mỹ: các khoản tiền tài trợ từ cựu sinh viên.

Tại Việt Nam, bảng Xếp hạng 49 trường đã “can đảm” cân nhắc nhóm tiêu chí liên quan đến quản trị – một yếu tố có ảnh hưởng đến chất lượng, nhưng các bảng xếp hạng đại học thế giới đều bỏ qua. Tương tự, xuất phát từ đặc thù của giáo dục đại học Việt Nam, VNUR đã đưa vào bảng xếp hạng các tiêu chí liên quan đến kiểm định chất lượng (cả ở cấp cơ sở và chương trình đào tạo) lẫn nhiệm vụ khoa học (số đề tài khoa học các cấp đã thực hiện và số bằng sáng chế được công bố).

Trong tiếng Anh có thành ngữ “An elephant in the room” (Con voi trong phòng) để chỉ một tình huống mà mọi người đều biết đến nhưng lại vờ như không biết. Bảng xếp hạng trong nước có lẽ cũng đang ở trong tình huống này: luật cho phép, và nhu cầu muốn được xếp hạng của các trường đại học rất lớn, nhưng hiện nay, thay vì xây dựng nên những bảng xếp hạng chuyên nghiệp thì nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu giáo dục lại chọn cách “tránh voi”. Trong khi đó, bên cạnh những bảng xếp hạng đại học thế giới hiện đang tương đối chuẩn hóa, chúng ta cần khuyến khích thêm nhiều bảng xếp hạng uy tín trong nước, vì đây là nơi giáo dục đại học trong nước thể hiện rõ nhất “bản sắc” của mình.

Bài đăng số 1284 (số 12/2024) KH&PT