Trong bảng xếp hạng 100 trường tốp đầu năm 2023, do nhóm thực hiện VNUR (Vietnam’s University Rankings) mới công bố, top ba trường dẫn đầu Việt Nam là ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh và ĐH Tôn Đức Thắng.
Để có bảng xếp hạng đại học Việt Nam 2023 này, nhóm thực hiện đã tiến hành rà soát tất cả 237 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam thông qua việc xử lý dữ liệu thông tin rút trích từ các hoạt động quản lý, nghiên cứu và đào tạo của các trường, bao gồm Báo cáo ba công khai, các Đề án tuyển sinh, các dữ liệu về xếp hạng (ranking), kiểm định (accreditation), định hạng (rating) vào năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, QS, THE…, QS Stars, UPM, dữ liệu của Web of Science trong giai đoạn 5 năm (2018-2022), dữ liệu về hoạt động KHCN và sáng chế của Bộ KH&CN cùng với nhiều thông tin được tham khảo có chọn lọc trên các trang web có liên quan.
Tổng cộng có 191 trường có đầy đủ số liệu để thực hiện xếp hạng. Việc xếp hạng được thực hiện thông qua chỉ số gồm 6 tiêu chuẩn và 17 tiêu chí được lựa chọn, phản ánh khá toàn diện các chức năng hoạt động cơ bản của các cơ sở giáo dục đại học như đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng.
Như vậy, theo kết quả xếp hạng đại học Việt Nam năm 2023 vừa được VNUR công bố, bên cạnh ba trường dẫn đầu, top 10 còn có ĐH Bách Khoa Hà Nội (4), ĐH Duy Tân (5), ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (6), ĐH Cần Thơ (7), ĐH Sư phạm Hà Nội (8), ĐH Đà Nẵng (9), ĐH Huế (10).
Tiếp theo là các trường: ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (11), ĐH Thủy Lợi (12), ĐH Ngoại thương (13), ĐH Xây dựng Hà Nội (14), ĐH Thủ Dầu Một (15), Học viện Nông nghiệp Việt Nam (16), ĐH Thái Nguyên (17), ĐH Quy Nhơn (18), ĐH Nguyễn Tất Thành (19), ĐH Dược Hà Nội (20).
Bảng xếp hạng đã cho thấy một bức tranh đa dạng với sự “tụ hội" của các trường đại học công lập, đại học tư thục, đại học vùng, đại học địa phương. Chẳng hạn, trong top 100 trường đại học của VNUR trường công lập chiếm đa số với tỷ lệ là 84%, trong khi đó các trường tư thục chỉ có tỷ lệ 16%. Tuy nhiên, vẫn có một số ít trường đại học tư thục có vị trí thứ hạng cao không thua kém các trường đại học công lập nổi tiếng. Chẳng hạn Trường Đại học Duy Tân là trường đại học tư thục song có thứ hạng thứ 5 trong top 100 của VNUR, thuộc nhóm 11 trường đại học hàng đầu của Việt Nam. Trong 50 trường hàng đầu của Việt Nam ta còn thấy các đại diện đại học tư thục như Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (thứ hạng 19), Trường Đại học Công nghệ TP. HCM (thứ hạng 32) và Trường Đại học Phenikaa (thứ hạng 41).
Từ trước đến nay, kết quả của các bảng xếp hạng đại học trên quốc tế đều chỉ ra rằng những trường đại học có thứ hạng cao thường có tuổi đời lâu năm hơn cả. Bảng xếp hạng đại học của Việt Nam cũng có kết quả tương tự. Tuổi đời trung bình của trường đại học để lọt vào top 100 là 34 năm, số tuổi khá cao trong bối cảnh nền giáo dục đại học khá non trẻ của Việt Nam vốn được bắt đầu từ năm 1945. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp ngoại lệ khi có tuổi đời thấp nhưng đạt thứ hạng cao như Trường Đại học Thủ Dầu Một (13 năm, thứ hạng 15), Trường Đại học Thủ Đô Hà Nội (8 năm, thứ hạng 34), Trường Đại học Phenikaa (4 năm, thứ hạng 41).
Ngoài ra, bảng xếp hạng còn cho thấy một số thông tin như: Các trường đại học có thứ hạng cao tập trung nhiều ở vùng Đồng bằng Sông Hồng (49%) và Đông Nam Bộ (31%); các trường đại học Đa ngành có tỷ lệ áp đảo (49%), song hầu hết các trường đại học nhóm Sức khỏe có mặt trong top 100. Chiếm vị trí sau nhóm Đa ngành, nhóm ngành đào tạo Kỹ thuật – Công nghệ và Sức khỏe cùng có tới 12% nằm trong top 100.
Mặc dù đây là bảng xếp hạng thống kê đầy đủ các trường nhất hiện nay, dựa trên nhiều tiêu chí và số liệu, nhưng nó cũng không thể phản ánh đầy đủ chất lượng và khả năng của toàn bộ các trường trên khắp đất nước. Tuy nhiên, đây vẫn là một nguồn tham khảo giúp “định hướng cho các em học sinh phổ thông cùng với phụ huynh của Việt Nam và nước ngoài có thể chọn trường đại học Việt Nam phù hợp để theo học” - như tuyên bố của nhóm thực hiện.
Kết quả xếp hạng 100 trường Đại học Việt Nam được VNUR công bố trên trang https://vnur.vn
Bảng xếp hạng do Công ty TNHH phi lợi nhuận VEINDEX thực hiện, với sự tham gia của Nguyễn Lộc, Nguyên cán bộ nghiên cứu, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (VNIES); Nguyễn Vinh San, Thạc sỹ Đo lường và Đánh giá trong Giáo dục, Trường Đại học Sư Phạm – Đại học Đà Nẵng; Châu Dương Quang, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Chương trình Nghiên cứu Giáo dục Đại học Tư thục (PROPHE) tại Đại học SUNY Albany, Hoa Kỳ; Nguyễn Thị Lan Phương, Phó giáo sư, Tiến sỹ đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (VNIES), cố vấn xử lý số liệu v.v.
Cùng với các thông tin về xếp hạng, trên website VNUR, người đọc có thể tham khảo thêm nhiều thông tin khác có liên quan như “Những điều cần biết về Giáo dục Đại học Việt Nam”, “Bảng học phí của các trường đại học năm 2022”, “Phân bổ các trường đại học theo 6 vùng kinh tế”, “Phương pháp xếp hạng cơ sở giáo dục VNUR”, “Phân tích kết quả xếp hạng VNUR 2023”, cùng với các tin tức và sự kiện cập nhật có liên quan tới xếp hạng như tuyển sinh, quan điểm chuyên gia v.v…
|