Những năm gần đây, số nhà khoa học nữ trẻ đang ngày càng tăng và gần tiệm cận mức cân bằng với nam giới, tuy nhiên lên đến những trình độ cao hơn thì mức độ chênh lệch giữa tỷ lệ nam và nữ bắt đầu rõ rệt

h
GS. Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên và cũng là Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu, ĐH Quốc gia TPHCM, chia sẻ tại sự kiện do VINIF tổ chức. Ảnh: VINIF

Vào ngày 7/3, sự kiện Gặp gỡ Mùa Xuân đầu tiên trong năm 2024, cũng là sự kiện đầu tiên Quỹ đổi mới sáng tạo VINIF tổ chức tại phía Nam, đã diễn ra tại Đại học Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TPHCM.

Phát biểu khai mạc sự kiện, PGS.TSKH. Phan Thị Hà Dương, Viện Toán học – VAST, Giám đốc điều hành Quỹ VINIF, chia sẻ: “Những năm qua Quỹ đổi mới sáng tạo VINIF đã tổ chức ở Hà Nội nhiều sự kiện như các bài giảng đại chúng, các tọa đàm, các buổi gặp gỡ với các nhà khoa học các bạn trẻ. Để đánh dấu sự khởi đầu của những giao lưu với các bạn trong Nam, chúng tôi muốn thực hiện vào mùa Xuân - mùa khởi đầu của một năm mới và với chủ đề người phụ nữ, vì chính những người phụ nữ đã mang đến những khởi đầu cho cuộc sống của mỗi chúng ta.”

PGS. Phan Thị Hà Dương cho biết, theo tìm hiểu của VINIF, số các bạn trẻ là nữ theo khoa học đang ngày càng tăng và gần tiệm cận mức cân bằng với nam giới, tuy nhiên lên đến những trình độ cao hơn thì mức độ tăng có phần khiêm tốn hơn. Năm 2014, tỷ lệ nữ thạc sĩ được công nhận là 43%, nữ tiến sĩ và tiến sĩ khoa học được công nhận là 21% trong tổng số các thạc sĩ, tiến sĩ và tiến sĩ khoa học của năm đó. Đến năm 2019, tỷ lệ nữ thạc sĩ đạt 44,2%, nữ tiến sĩ đạt 28%. Trong tương lai, ước tính đến năm 2025, số nữ thạc sĩ sẽ chạm mốc ít nhất 50%, nữ tiến sĩ chạm mốc ít nhất 30% trên tổng số các thạc sĩ và tiến sĩ mỗi năm.

Tuy nhiên ở trình độ giáo sư, phó giáo sư, tỷ lệ chênh lệch giữa nam và nữ vô cùng rõ rệt. Tính từ 1980 tới 2016, cả nước có gần 11 ngàn giáo sư, phó giáo sư. Tỉ lệ giáo sư, phó giáo sư là nam giới chiếm đa số - tới 83,5%, trong khi nữ giới chiếm 16,5%. Tỷ lệ nữ giáo sư, phó giáo sư giai đoạn 2012-2016 là 24,6%. Năm 2017 là năm có tỷ lệ giáo sư, phó giáo sư nữ được phong cao kỷ lục so với giai đoạn trước, chiếm khoảng 29% tổng số.

“Qua đó, ta có thể thấy đã nhiều bạn nữ mong muốn theo đuổi đam mê nghiên cứu, nhưng đến một trình độ và lứa tuổi nào đó thì điều kiện để đi xa hơn đã giảm đi. Chính vì thế, cần có các chính sách để tạo điều kiện hơn nữa cho các nhà khoa học nữ trẻ, trong đó không chỉ tạo điều kiện ngang bằng mà thậm chí phải tạo cơ hội ngang bằng, có tính đến những khó khăn tự nhiên sinh ra cho người phụ nữ”, PGS. Phan Thị Hà Dương nhận định.

Là một trong những nhà khoa học nữ đang làm việc trong lĩnh vực vật lý, PGS.TS. Phan Thị Ngọc Loan (Khoa Vật lý, Trường ĐH Sư phạm TPHCM) cho rằng mặc dù số lượng nữ trong ngành vật lý còn ít, nhưng tính cạnh tranh so với các đồng nghiệp nam lại khá đồng đều. Phụ nữ có sự kiên trì, bền bỉ, kỷ luật trong công việc, đặc biệt phù hợp khi theo đuổi lĩnh vực nghiên cứu.

Bản thân PGS Loan cũng là một nhà khoa học kiên trì và bền bỉ. Sau khi lấy bằng tiến sĩ vật lý năm 2012 tại Trường Đại học Quốc gia Tula, Liên bang Nga, chị chuyên tâm, nghiên cứu về quá trình vật lý khi laser mạnh tương tác với vật chất, theo dõi các quá trình động lực học với độ phân giải thời gian cao. Suốt nhiều năm, chị đã tham gia và làm chủ nhiệm nhiều dự án, đề tài các cấp, và là đồng chủ nhiệm một dự án khoa học công nghệ được Quỹ VINIF tài trợ vào năm 2021. Năm 2011, PGS đạt giải Nhất về nghiên cứu khoa học do Viện Liên hiệp Hạt nhân Dubna, Liên Bang Nga trao tặng. Cho tới nay, chị đã công bố 41 bài báo khoa học, trong đó có 23 bài trên các tạp chí uy tín quốc tế thuộc hệ thống SCEI với trên 10 bài hạng Q1.

Dưới góc độ là Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên và Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu, ĐH Quốc gia TPHCM, GS. Nguyễn Thị Thanh Mai cho biết bà quan sát thấy trong một số ngành như sinh học, hóa học trong trường, tỷ lệ nữ thường cao hơn nam, bù lại với tỷ lệ nữ thấp hơn trong một số ngành như toán học, vật lý học.

Các bài giảng đại chúng

Trong khuôn khổ sự kiện, GS.TS. Nguyễn Thị Thanh Mai đã mang đến bài giảng với chủ đề “Dược liệu có nguồn gốc thiên nhiên - cơ hội tại Việt Nam từ góc nhìn của một nhà khoa học nữ”. Bà cho biết Việt Nam có rất nhiều ưu điểm để phát triển ngành dược liệu, như có dân số lớn, có thảm thực vật phong phú với trên 3.000 loài có thể dùng làm dược liệu, v.v.

Tuy nhiên, trên thực tế, ngành dược của nước ta chưa thực sự phát triển, do đa số dược liệu quý hiếm chưa quy hoạch được vùng trồng, trên 90% nguyên liệu hóa dược phải nhập khẩu, các nghiên cứu phát triển thuốc còn hạn chế. Từ đó, theo bà, chiến lược phát triển ngành dược liệu tại Việt Nam cần tập trung vào nghiên cứu phát triển hoạt chất mới (thuốc mới), cải tiến các hoạt chất cũ, đầu tư trang thiết bị phục vụ R&D và quy hoạch vùng trồng dược liệu đạt chuẩn. GS cũng giới thiệu một số thành tựu nổi bật về hóa dược tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên như các nghiên cứu về các hoạt chất từ nguồn dược liệu Việt Nam nhằm điều trị bệnh, đi từ các loại thực vật phổ biến như cúc hoa trắng, sa-kê, xoài, tô mộc, ngải bún, cà gai leo, v.v.

Ngoài ra, với góc nhìn sâu sắc về văn hóa Chăm của một nhà nghiên cứu trên 30 năm, PGS.TS. Trương Văn Món (Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG HCM), trong bài giảng “Giới (genger) trong kỷ nguyên số: Nghiên cứu trường hợp phụ nữ Chăm trong xã hội mẫu hệ” đã mở ra cho các khán giả những trang thông tin đầy bất ngờ về dân tộc Chăm - một dân tộc theo chế độ mẫu hệ. Ông cho biết phụ nữ Chăm luôn được tôn vinh, có địa vị, quyền lực cao nhất trong gia đình và xã hội. Để làm rõ điều này, ông đã minh hoạ bằng các câu chuyện về cách con gái Chăm chủ động đi hỏi chồng; những nghi lễ vô cùng đặc biệt trong đám cưới; sau hôn nhân, chồng chuyển sang bên nhà vợ sinh sống; con sinh ra theo họ mẹ; con gái út thừa kế tài sản, nuôi cha mẹ già và thờ cúng tổ tiên v.v.