Trong suy nghĩ của hơn 60 giám đốc sở KH&CN các địa phương trên cả nước, từ những nơi có nhiều thuận lợi như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng… đến các nơi được mệnh danh là “vùng sâu, vùng xa”, còn tồn tại rất nhiều khó khăn như Cao Bằng, Bắc Kạn, Lai Châu, Hà Giang, Kon Tum…, đều hiển hiện câu hỏi lớn như vậy.
Có lẽ, chưa khi nào, các kỳ Hội nghị Giám đốc Sở KH&CN toàn quốc lại vắng đi các câu hỏi, các trao đổi băn khoăn ở nhiều góc độ từ những người đứng đầu ngành KH&CN ở địa phương. Câu chuyện làm thế nào hài hòa được các nguồn lực ở địa phương, tận dụng thế mạnh đó để giải quyết được những thách thức, những vấn đề riêng có của địa phương có thể là câu chuyện gần như không có hồi kết. Thực tại cuộc sống thì muôn màu muôn vẻ và những vấn đề về việc đưa những giải pháp khoa học công nghệ mới không chỉ thúc đẩy sản xuất, phát huy thế mạnh cụ thể của từng nơi mà còn ở việc giúp ứng phó với những vấn đề mang tính sống còn, đặc biệt với những địa phương nghèo và chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, bão lụt, hạn hán, dịch bệnh…
Ở cấp địa phương, con đường đưa KH&CN đến với đời sống chưa khi nào gần đến thế, nhưng cũng chưa khi nào xa thế, bởi dẫu chỉ cần áp dụng những công nghệ không cần tối tân lắm, không đắt đỏ lắm cũng có thể làm thay đổi cục diện thì lại phải vượt qua rất nhiều trở ngại, ví dụ như cơ chế chính sách, kinh phí eo hẹp, năng lực tiếp nhận các giải pháp công nghệ...
Làm gì để có thể lấp đi những khoảng trống này? làm gì để lan tỏa các giải pháp công nghệ? làm thế nào để “liệu cơm gắp mắm” với khoản kinh phí không nhiều ở địa phương?
Những vấn đề như vậy đã được đặt ra lên bàn Hội nghị Giám đốc sở KH&CN toàn quốc, diễn ra vào ngày 15/3/2024 tại trụ sở Bộ KH&CN.
Các vấn đề vẫn chờ chính sáchTrong nhiều cuộc họp với Bộ KH&CN những năm trở lại đây, các Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Phùng Đức Tiến đều đồng nhất ở quan điểm: KH&CN là yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp, không chỉ ở việc nâng cao sản lượng mùa vụ mà còn làm giảm đi những rủi ro thời tiết, thiên tai, dịch bệnh ở khắp các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi... Tại Hội thảo “KH&CN và ĐMST ngành Thủy lợi – Phòng chống thiên tai” tổ chức vào tháng 10/2023, ông Nguyễn Hồng Khanh, Cục phó Cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) chia sẻ “Đối với lĩnh vực thủy lợi, giữa quản lý nhà nước với nghiên cứu khoa học, gắn bó cực kỳ chặt chẽ. Có thể thấy mối quan hệ hữu cơ giữa hai bên để đưa kết quả nghiên cứu vào thực tiễn hết sức hiệu quả, đặc biệt với hai vùng trọng điểm về sản xuất nông nghiệp là ĐBSCL và ĐBSH. Với ĐBSCL là quá trình chống hạn những năm 2014-2016, 2019-2020, với ĐBSH là hỗ trợ xây dựng lịch điều tiết hồ chứa thủy điện phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trước đây chúng ta có lịch lấy nước làm ba đợt 21 ngày theo quy định của chính phủ nhưng dần dần qua nghiên cứu tư vấn của các nhà khoa học, bây giờ mạnh dạn chỉ có hai đợt và thời gian giảm đi còn hơn 10 ngày mà vẫn đảm bảo nước cho làm nông nghiệp”.
Chúng ta nói làm sao hình thành mạng lưới trung tâm đổi mới sáng tạo, hỗ trợ đổi mới sáng tạo ở các vùng nhưng có được một cái trung tâm thì dễ thôi nhưng làm sao để các trung tâm này được vận hành một cách hiệu quả thì lại là vấn đề rất khó khăn, vướng đủ thứ chuyện hết.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP. HCM
|
Khoa học đi vào đời sống theo những cách thiết thực như thế. Và khi khoa học thực sự đem lại hiệu quả cho đời sống thì không phải ở tầm vĩ mô mà ngay ở cấp cơ sở, mọi người cũng đều trân trọng khoa học. Tại cuộc họp giám đốc Sở KH&CN, ông Lâm Văn Tân, Giám đốc Sở KH&CN Bến Tre, cũng chia sẻ ngắn gọn về giá trị ấy từ góc nhìn của một người làm quản lý khoa học cấp cơ sở “Ở địa phương, KH&CN cũng có uy tín vì đã giải quyết được các vấn đề khó khăn của bà con như hạn mặn, xử lý dịch bệnh mùa màng…”.
Đây mới chỉ là một trong vô số những vấn đề mà các địa phương mong muốn có được sự hỗ trợ kịp thời của KH&CN. Tuy nhiên, trong quá trình đem kết quả khoa học vào cuộc sống đã nảy sinh rất nhiều vấn đề mà đôi khi, những người làm chính sách không thể lường trước được. Có những vướng mắc tưởng chừng nhỏ, không là vấn đề lắm nhưng thực ra lại khiến địa phương bối rối và làm chậm quá trình lan tỏa giá trị của KH&CN. Ví dụ, theo đại diện của Sở KH&CN Sơn La, “việc ứng dụng kết quả của các nhiệm vụ KH&CN trên địa bàn tỉnh hiện tại rất vướng”. Nếu muốn các kết quả tìm được địa chỉ ươm trồng như các doanh nghiệp, hợp tác xã thì bộ khung hướng dẫn và định mức hỗ trợ phải rõ ràng. Khi Sơn La thắc mắc và nhìn sang các tỉnh khác để học hỏi kinh nghiệm thì mới thấy là “hiện tại mỗi tỉnh làm theo một kiểu, có tỉnh hỗ trợ 500 triệu đồng, có tỉnh hỗ trợ một tỷ, không có hạn định. Do đó, mấy năm nay trình HĐND nhưng Sở không có căn cứ để trình về hỗ trợ cho dự án”.
Ở cấp địa phương, có những câu chuyện mang tính tình huống của địa phương như thế và có những câu chuyện mà ngay bản chất của nó đã cho thấy tác động đến hầu hết mọi địa phương. Ví dụ như câu chuyện về các đề tài, dự án đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp đang gặp phải vấn đề là các thiết kế chính sách hỗ trợ họ đều dựa trên tinh thần “lấy đơn vị sự nghiệp làm chính” chứ không phải “tinh thần lấy doanh nghiệp làm chính”, theo nhận xét của đại diện Sở KH&CN Quảng Ngãi. Cái khó mà ông chỉ ra là với những dự án kiểu này “doanh nghiệp người ta làm cần rất nhiều cái mới như trang thiết bị, vật tư máy móc nhưng xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ này như thế nào? Vướng lắm…”. Khi đi sâu vào phân tích vấn đề xử lý tài sản này, ông nói “Sản phẩm của các đề tài dự án đổi mới sáng tạo nó rất gần với tài sản hàng hóa dịch vụ. Sau khi thực hiện, các đề tài đều có sản phẩm nhưng không phải tất cả đều là tài sản, do vậy chúng ta cần phân biệt sản phẩm của đề tài và tài sản hình thành từ đề tài dự án. Tuy nhiên vừa rồi thanh tra người ta cho rằng sản phẩm của tất cả các nhiệm vụ KH&CN đều là tài sản cả. Tôi cho rằng, xử lý bàn giao kết quả là sản phẩm và xử lý bàn giao là tài sản là phải phân biệt rạch ròi ra”. Hệ quả của việc không phân biệt rạch ròi được thì “rõ ràng các đơn vị không muốn làm, nó rất rủi ro cho anh em chúng tôi”.
Có lẽ, việc lan tỏa các kết quả nghiên cứu và đưa các sản phẩm của các nhiệm vụ, đề tài KH&CN và đổi mới sáng tạo đến mọi ngóc ngách của cuộc sống thật nhiều gian nan. Nhiều người thoạt nhìn thì cho rằng, KH&CN vẫn còn ở trong tháp ngà, không mấy quan tâm đến đời sống nhưng có mấy ai biết rằng, giải pháp thì có nhưng lại hội tụ quá nhiều nút thắt và điểm nút đã làm chậm quá trình này. Ở một vùng vốn vài năm nay được cho là năng động trong việc áp dụng tiến bộ khoa học vào phát huy thế mạnh địa phương như Sơn La hay một số nơi khác cũng còn rất nhiều băn khoăn. Vì vậy trong kiến nghị gửi Bộ KH&CN, họ đã mạnh dạn đề xuất “Đề nghị xem xét theo hướng mở rộng đối tượng được giao quyền sử dụng, sở hữu tài sản khi kết thúc nhiệm vụ KH&CN (cụ thể giao cho đơn vị phối hợp cùng tham gia thực hiện nhiệm vụ) đồng thời bổ sung cơ chế chuyển giao không bồi hoàn tài sản hình thành thông qua việc triển khai nhiệm vụ KH&CN đối với các tỉnh miền núi, vùng còn khó khăn về kinh tế nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng”.
Trong mối quan tâm về cơ chế chính sách của những người làm quản lý khoa học ở cấp cơ sở, vẫn tồn tại những vấn đề mà nhiều năm đang được gác lại, chưa được giải quyết một cách ổn thỏa như mong muốn. Một trong số đó là Quỹ phát triển KH&CN địa phương. Dù được coi là một chính sách quan trọng và mang tính linh hoạt nhưng khi triển khai, quỹ phát triển KH&CN địa phương đã gặp rất nhiều rào cản. Các thông tư hướng dẫn cơ chế vận hành quỹ được hướng đến giải quyết các vấn đề này song trên thực tế lại dẫn đến nhiều khúc mắc khác. Ông Bế Đăng Khoa, Giám đốc Sở KH&CN Cao Bằng cho biết một thực tế “Cao Bằng có tổ chức mô hình quỹ, nhưng bây giờ thấy khó khăn hơn về cơ chế, mô hình hoạt động. Hiện nay quỹ có mỗi nhiệm vụ cấp phát kinh phí thôi, chưa làm thêm được cái gì cả nhưng cũng vướng. Dĩ nhiên là chúng tôi ngoài việc tài trợ như hiện nay cũng kỳ vọng sẽ đầu tư, tài trợ cho các dự án khởi nghiệp để thúc đấy hoạt động khởi nghiệp ở địa phương. Khi làm việc với các sở ngành, như Sở Nội vụ chẳng hạn, thấy rất khó khăn, không làm được”.
Không chỉ ở nơi mới còn dò dẫm tìm đường như Cao Bằng, ở những nơi đã có những thành quả bước đầu như Quảng Ngãi thì tình thế cũng không sáng sủa là bao “Với Quỹ KH&CN địa phương, chúng tôi có 10 tỉ đồng, đã cho vay 16 dự án, các dự án này hầu hết đều có hiệu quả rất cao nhưng chúng tôi đang lo có một vài dự án người ta sẽ trốn nợ. Vậy cơ chế nào để thu hồi những dự án như vậy? Tôi đã dự kiến đến một phương án tệ nhất là nếu người ta trốn nợ thì mình phải bỏ tiền ra trả”, theo lời chia sẻ của đại diện Sở KH&CN Quảng Ngãi.
Do hành lang pháp lý chưa đầy đủ nên ngay cả những người giàu kinh nghiệm trong vấn đề quản lý ngân sách cũng cảm thấy chùn bước. Là một người như thế, ông Phạm Xuân Đài, Giám đốc Sở KH&CN Quảng Ninh cho rằng nếu “có cả một chương về quỹ KH&CN trong Luật KH&CN tôi cũng ủng hộ. Chúng tôi thành lập quỹ năm 2012 nhưng không thực hiện vì biên chế thì Bộ Nội vụ bắt cắt rất nhiều”. Do đó trong lúc chờ những cơ sở pháp lý rõ ràng hơn, cơ chế phù hợp hơn thì hướng giải quyết ở Quảng Ninh là “Quỹ được ủy thác qua ngân hàng chính sách, vì họ có con người”.
Bao giờ có chính sách? Các hội nghị giám đốc Sở KH&CN toàn quốc hằng năm là cơ hội để các nhà quản lý KH&CN các cấp ngồi lại với nhau, bàn thảo và phân loại các nhóm vấn đề ưu tiên, những việc cần phải làm ngay. Khi soi chiếu vào đó, mọi người mới nhận ra rằng, chưa bao giờ KH&CN có nhiều cơ hội giải quyết các vấn đề, từ tầm vĩ mô ở cấp quốc gia, cấp ngành đến tầm vi mô cấp cơ sở, cấp địa phương, và chưa bao giờ KH&CN lại phải đối diện với nhiều thách thức như thế. Trong bối cảnh các nguồn lực, từ ngân sách đến năng lực thực hiện, đều rất hạn hẹp thì đâu là giải pháp để có thể tháo gỡ dần dần rồi một ngày nào đó có thể thay đổi cục diện?
Dẫu mang nặng tâm tư như vậy nhưng ai cũng hiểu rằng, để tháo gỡ bằng chính sách thì không thể một sớm một chiều. Tuy nhiên, việc chấp nhận độ trễ thời gian để một chính sách được ban hành và có hiệu lực cũng đồng nghĩa với việc có thể chúng ta mất đi những cơ hội quý báu. Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, một trong những địa phương hàng đầu về nguồn lực, cũng không khỏi suy nghĩ “Về việc đầu tư cho đổi mới sáng tạo, chúng ta nói rất nhiều. Chúng ta nói làm sao hình thành mạng lưới trung tâm đổi mới sáng tạo, hỗ trợ đổi mới sáng tạo ở các vùng nhưng có được một cái trung tâm thì dễ thôi nhưng làm sao để các trung tâm này được vận hành một cách hiệu quả thì lại là vấn đề rất khó khăn, vướng đủ thứ chuyện hết”. Với những trở ngại mà một người làm trực tiếp phải đối diện, ông cho rằng, trước khi xây dựng chính sách “Mình phải đi vào tìm hiểu các trường hợp rất kỹ để thiết kế rất kỹ các hướng dẫn để cho các địa phương dễ thực hiện và các cơ quan xung quanh giám sát hiểu đúng”.
Hệ quả của việc có được những cơ chế, chính sách này, theo ông Nguyễn Việt Dũng, sẽ là một tác động trên quy mô lớn, không chỉ đối với các hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo mà còn là đối với các hoạt động khác của đời sống kinh tế xã hội. “Những thiết chế chính sách này cũng sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở các địa phương cũng như trở thành thành tố rất quan trọng trong việc hút các nguồn vốn đầu tư xã hội. Theo phân tích của ông, nguồn lực của nhà nước chi cho KH&CN và đổi mới sáng tạo chỉ nên ở mức khoảng 20 đến 30% thôi, “phần còn lại phải từ xã hội, đó phải là nguồn chính. Nhưng làm sao để kích cầu được?”. Trong lúc “cơ chế tài chính sao cho ngân sách nhà nước chi cho R&D còn vướng rất nhiều thứ, chưa tháo gỡ được”, ông cho rằng việc tăng nguồn lực xã hội vào đầu tư cho KH&CN thông qua các quỹ KH&CN tại doanh nghiệp còn vướng mắc. “Hiện nay ở TP.HCM có 125 doanh nghiệp lập quỹ này, thường xuyên tồn đọng cỡ 3.000 đến 5.000 tỉ đồng mà không sử dụng được, hoặc không dám sử dụng. Đây là vấn đề cần tháo gỡ”.
Trong những năm qua, Bộ KH&CN cũng đã xây dựng, sửa đổi và ban hành một số thông tư, văn bản hướng dẫn mang tính tháo gỡ vấn đề, đặc biệt cho việc vận hành quỹ KH&CN tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, chưa có văn bản nào có thể tháo gỡ một cách toàn diện cả. Độ trễ của chính sách dẫn đến độ trễ của nhiệm vụ. “Ở đây, chúng ta làm chính sách thấy thì dễ, chúng ta phê bình doanh nghiệp thế này thế kia nhưng thực chất người làm trực tiếp, họ rất sợ trong bối cảnh hiện nay. Vì với doanh nghiệp nhà nước khi cơ quan thuế, thanh tra hỏi tiền [chi cho R&D] này có nguồn gốc như thế nào; với doanh nghiệp tư nhân thì lại bị cơ quan thuế nói việc chi thế này không được, không có quy định ở đâu cả. Nếu sát với doanh nghiệp hằng ngày thì chúng ta mới biết là họ rất sợ cách mình ghi trong thông tư chung chung và mỗi cơ quan nhìn nhận, hiểu theo những cách khác nhau”, ông Nguyễn Việt Dũng nói khi đề cập đến “thông tư mới về quỹ KH&CN của doanh nghiệp thay thế cho thông tư cũ đọc cũng rất mơ hồ”.
Do đó, trong nỗi mong chờ những cơ chế mới, họ đều nghĩ đến những “cơn mưa” chính sách sao cho thật phù hợp, thật hiệu quả và góp phần tháo gỡ vướng mắc, giải quyết được cơ bản những vấn đề mà họ phải đối mặt hằng ngày. Có được như vậy đã là động lực lớn để họ có thể xây dựng những nhiệm vụ, thúc đẩy công việc hỗ trợ và trao cho các doanh nghiệp, các đơn vị trong và ngoài công lập cơ hội phát triển. Đó là những đề bài, những đơn đặt hàng chính sách mà họ, từ những công việc hằng ngày rất cụ thể của mình, đặt ra cho các nhà quản lý ở Bộ KH&CN. Họ có thấu hiểu những thách thức trong xây dựng chính sách của đơn vị quản lý cấp trên không? Có lẽ là có bởi nói như bà Võ Thị Hảo, Giám đốc Sở KH&CN Lâm Đồng “Thực ra năm nay thì các hoạt động của chúng ta đều có nhiều thách thức và khó khăn, và trong bối cảnh nếu không có cơ chế chính sách đồng bộ thì rõ ràng chúng ta sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn nữa trong thời gian tới. Vì vậy các sở KH&CN chỉ hi vọng rằng, chúng ta sẽ có được sự đồng bộ trong hệ thống chính sách để hoàn thành các chỉ tiêu được giao”.
Theo thống kê từ các Sở KH&CN, năm 2023 các địa phương đã triển khai thực hiện 2.658 nhiệm vụ KH&CN, trong đó có 717 nhiệm vụ mở mới (bao gồm cả nhiệm vụ cấp tỉnh và nhiệm vụ cấp cơ sở). Trong đó, khoa học nông nghiệp tiếp tục là lĩnh vực chiếm tỷ lệ cao nhất với 1.081 nhiệm vụ (chiếm 40,7%); tiếp đến là khoa học kỹ thuật và công nghệ (521 nhiệm vụ, chiếm 19,6%), khoa học xã hội (517 nhiệm vụ, tỷ lệ và 19,5%); khoa học giáo dục - đào tạo, y - dược (331 nhiệm vụ, chiếm tỷ lệ 12,4%); khoa học nhân văn (106 nhiệm vụ, chiếm 4,0%); chiếm tỷ lệ thấp nhất (3,8%) là khoa học tự nhiên với tổng số 99 nhiệm vụ được triển khai.
Trong năm 2023, các công nghệ được chuyển giao tại địa phương tập trung chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp với khoảng 25 công nghệ mới, công nghệ tiên tiến được chuyển giao ứng dụng, tổng kinh phí đầu tư trên 41,7 tỷ đồng. Có khoảng 30 nhiệm vụ KH&CN hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ được triển khai; 37 doanh nghiệp được hỗ trợ ứng dụng, đổi mới công nghệ; 67 doanh nghiệp được chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng.
Các địa phương đã hướng dẫn xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho: 2.598 lượt nhãn hiệu; 38 lượt đăng ký về chỉ dẫn địa lý; 107 lượt đăng ký kiểu dáng công nghiệp; 74 lượt sáng chế/giải pháp hữu ích; 39 lượt các đối tượng khác. Hướng dẫn bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp cho: 361 nhãn hiệu; 9 chỉ dẫn địa lý, 5 kiểu dáng công nghiệp, 14 sáng chế/giải pháp hữu ích… Công tác hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ: có 144 dự án/nhiệm vụ được hỗ trợ về phát triển tài sản trí tuệ; 24 sáng kiến, cải tiến được bảo hộ, khai thác; 134 sản phẩm đặc thù được hỗ trợ bảo hộ, quản lý quyền sở hữu trí tuệ …
(Trích Kỷ yếu Hội nghị Giám đốc Sở KH&CN toàn quốc 2024)
|