Trước Tết Nguyên Đán vừa qua, có tin đồn chủ tịch của một trường đại học tư thục lớn đã bị bắt để điều tra. Lý do bị bắt không phải vì những sai phạm trong điều hành trường đại học, mà đến chủ yếu từ những mối quan hệ kinh doanh của vị chủ tịch này bên ngoài trường đại học.
Tuy nhiên, nhiều người dự đoán rằng trường cũng khó có thể đứng ngoài những rắc rối đang bủa vây vị chủ tịch của nó.
Gót chân Achilles của mô hình trường đại học tư thục trực thuộc các tập đoàn kinh tế ở Việt Nam dường như đã lộ diện.
Trường đại học thuộc các tập đoàn kinh tế
Hiện nay, nhiều trường đại học tư thục được thành lập bởi các tập đoàn kinh tế đa ngành, và được đặt tên theo tên của tập đoàn sáng lập nên chúng. Nhưng số phận của các trường này rất khác nhau.
Trường đầu tiên, và có lẽ cũng là trường hợp thành công nhất của mô hình này, là FPT. Nhưng lợi thế của người dẫn đầu đã không dành cho những trường được thành lập sau đó. trường Đại học Hà Hoa Tiên (2007) và Tân Tạo (2011) đã phải đối mặt với không ít thử thách ngay từ những ngày đầu thành lập. Trường đại học FLC đã được Chính phủ phê duyệt chủ trương thành lập năm 2019, nhưng cuối cùng, sự kiện chủ tịch tập đoàn FLC bị bắt và khởi tố năm 2022 gần như đã đặt dấu chấm hết cho dự án đại học này. VinUni, được thành lập năm 2020, cố gắng tạo ra lợi thế của người dẫn đầu bằng định hướng trở thành trường đại học tinh hoa đầu tiên của Việt Nam. Mặc dù hoạt động tốt hơn so với dự đoán của nhiều nhà phân tích, tương lai của VinUni cho đến nay vẫn là một dấu chấm hỏi lớn.
Trung tâm mô phỏng dành cho sinh viên Viện Khoa học Sức khỏe VinUni được thiết kế giống như bệnh viện thu nhỏ, với các bệnh nhân robot có chức năng tuần hoàn, hô hấp… tương tự con người để sinh viên thực hành mọi thao tác như trên người. Nguồn: VNE
Một cách khác để các tập đoàn kinh tế đa ngành sở hữu trường đại học là mua cổ phần và trở thành cổ đông chi phối tại các trường – như trường hợp của trường Đại học Văn Hiến, Hùng Vương, Quang Trung, Công nghệ Đông Á, Thái Bình Dương.
Khó mà biết được vì sao các tập đoàn kinh tế đa ngành lại quyết định sở hữu trường đại học. Một số lãnh đạo tập đoàn tuyên bố họ theo đuổi những mục tiêu thiện chí cá nhân, phi thương mại, hoặc những mục đích xã hội lớn hơn. Một số khác xem giáo dục đại học đơn thuần là một mảng kinh doanh có tỉ suất lợi nhuận cao. Một số tập đoàn lại có định hướng chiến lược hơn: họ kỳ vọng trường đại học góp phần đào tạo nhân lực và cải tiến công nghệ cho chính mình.
Tùy theo định hướng phát triển của trường đại học mà các tập đoàn trao ít hay nhiều quyền tự chủ cho ban giám hiệu và giảng viên. Nhưng nhìn chung, trường đại học vẫn là một thực thể gắn kết chặt chẽ với tập đoàn về nhân sự, tài chính lẫn pháp lý. Quản lý cấp cao của tập đoàn thường chiếm đa số ghế trong hội đồng trường đại học tư thục. Lãnh đạo tập đoàn thường là chủ tịch hội đồng trường, đưa ra những quyết định cuối cùng về nhân sự và tài chính. Tại đa số các trường, chủ tịch hội đồng trường là đại diện pháp lý và chủ tài khoản – mặc dù theo luật, hiệu trưởng có thể giữ chức vụ này.
Gót chân Achilles
Tại Việt Nam, giáo dục là một “dịch vụ” quan trọng nằm trong hệ sinh thái lấy bất động sản làm trung tâm. Những dự án bất động sản lớn thường có trường học để phục vụ chủ yếu cho cư dân, và ngược lại, những trường học có chất lượng tốt sẽ góp phần làm tăng giá trị của dự án bất động sản. Khi các dự án bất động sản đã có đủ cư dân, và hệ thống trường phổ thông của họ có nguồn tuyển sinh dồi dào và bền vững, thì những tập đoàn này có thể nghĩ đến kế hoạch phát triển trường đại học tư thục. Đây có lẽ là trường hợp của VinUni.
Bất động sản là một lĩnh vực siêu lợi nhuận nhưng cũng đầy rủi ro. Trong vài tháng gần đây, những khó khăn trong lĩnh vực bất động sản ngày càng hiện lên rõ ràng hơn, khi những tên tuổi lớn trong lĩnh vực này bị bắt do liên quan đến các quy định về huy động vốn, và đồn đoán về những người bị bắt tiếp theo thì tràn lan trên mạng xã hội.
Do phần lớn các tập đoàn sở hữu đại học đều ít nhiều có đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, và các tập đoàn này gắn kết chặt chẽ với trường đại học của họ, nên trường đại học khó có thể tránh được những xáo trộn liên đới đến từ khủng hoảng của tập đoàn. Chủ tịch của trường đại học tư thục được nhắc đến ở phần đầu – người được cho là có nhiều mối liên hệ kinh doanh với lãnh đạo (đã bị bắt) của một trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất tại Việt Nam – là một ví dụ. Một trường hợp khác là Nova Education Group, được thành lập năm 2021, và là một nhánh của Nova Group mà lĩnh vực mũi nhọn là bất động sản. Kế hoạch phát triển hệ thống giáo dục từ bậc phổ thông đến đại học nhằm phục vụ chủ yếu cho khách hàng bất động sản của Nova Education đang trở nên hết sức mơ hồ, khi mà hàng loạt dự án bất động sản của Nova Group bị đình trệ.
Gót chân Achilles của hệ thống đại học tư thục Việt Nam, nhất là mô hình trường đại học tư thục trực thuộc các tập đoàn kinh tế, chính là sự gắn kết quá chặt chẽ với kinh tế tư nhân. Vào đầu thập niên 1990, các trường đại học ngoài công lập (chủ yếu là dân lập) được vận hành theo mô hình sở hữu tập thể như các hợp tác xã. Nhưng khi các trường đại học tư thục ra đời vào giữa thập niên 2000 thì lại được tổ chức theo mô hình công ty cổ phần, khiến cho việc mua bán, chuyển nhượng cổ phần và thay đổi chủ sở hữu trở nên dễ dàng hơn, mở đường cho quá trình gắn kết trường đại học tư thục vào các tập đoàn kinh tế đa ngành. Chính vì vậy, khi các tập đoàn kinh tế gặp khủng hoảng thì các trường đại học thuộc sở hữu của tập đoàn cũng khó tránh khỏi tai bay vạ gió.
(Bài dịch có chỉnh sửa từ bản nguyên tác bằng tiếng Anh của tác giả, đăng trên University World News)