Hai sáng kiến này giúp đẩy mạnh sự minh bạch thông tin về các hệ thống đại học ở châu Âu và góp phần bảo đảm tiếp cận liên ngành cũng như tạo ra nhiều lộ trình học tập linh hoạt cho nhiều đối tượng hơn hẳn so với trước đây.
Một ngày hè năm 2022 trong một tiệm cafe ở dưới chân nhà thờ chính tòa Köln, tôi có hỏi sếp rằng
dự án U-Multirank xếp hạng các trường đại học thế giới, sẽ đi đâu về đâu. Lúc đó là cuối kì thực tập, U-Multirank đang đợi Ủy ban Châu Âu gia hạn tài trợ, chưa có gì là chắc chắn về tương lai. Từ một dự án từng được kỳ vọng sẽ trở thành đối trọng trực tiếp với các bảng xếp hạng thương mại của QS và THE, U-Multirank có lẽ thiếu đi một chút năng động “thị trường” để tạo ra nhiều tác động hơn nữa.
Bẵng đi một thời gian, tôi được tin U-Multirank nay sẽ cùng với nhiều đối tác khác phát triển Đài quan sát Giáo dục Đại học châu Âu – một sáng kiến mới toanh của Ủy ban Châu Âu. Nhóm thực hiện Đài quan sát đã có buổi gặp mặt đầu tiên ở Vienna cuối tháng Một vừa qua để khởi động dự án.
Mục tiêu đầy tham vọng của dự án là Đài quan sát sẽ trở thành một nền tảng đáp ứng mọi nhu cầu về dữ liệu và phân tích đối với Khu vực Giáo dục Đại học châu Âu (EHEA). Nó sẽ gom nhiều dự án độc lập lại, để phục vụ các mục đích khác nhau. Cụ thể, Đài quan sát được thừa hưởng bộ dữ liệu tích hợp đa chiều về các nền giáo dục đại học các nước thành viên (di sản từ dự án ETER), xếp hạng và đối sánh các trường đại học (U-Multirank), khảo sát trải nghiệm và triển vọng nghề nghiệp của sinh viên tại châu Âu (Eurostudent, Eurograduate), các dịch vụ phân tích chính sách (DEQAR và Eurydice), công cụ Mobility Scoreboard để người dùng cùng giám sát các tiến bộ chính sách từ các nước thành viên.
Việc xây dựng cơ sở hạ tầng để các nguồn dữ liệu từ các dự án này tương thích và khớp với nhau cần rất nhiều thời gian và chuyên môn. Nhưng cơ sở dữ liệu và bộ công cụ này có tiềm năng mang lại lợi ích lớn cho EHEA – giúp đẩy mạnh sự minh bạch thông tin và hội nhập khu vực. Sinh viên, kể cả bên ngoài EU như Việt Nam, đều có thể truy cập Đài quan sát cho tất cả các thông tin cần thiết khi tìm hiểu và so sánh các hệ thống giáo dục đại học hay các trường đại học ở châu Âu.
Sáng kiến Liên minh Đại học châu Âu - điểm cân bằng giữa xuất sắc và bình đẳngSáng kiến Liên minh Đại học châu Âu (European Universities Initiatives - EUi) không còn quá mới nhưng Ủy ban Châu Âu rất tự hào và cam kết đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới. Sáng kiến này được mong chờ là nấc thang tiếp theo trong hợp tác giáo dục xuyên quốc gia của EHEA.
Bắt đầu từ năm 2017, Ủy ban Châu Âu đã liên tục kêu gọi thành lập các liên minh đại học với gói tài trợ cao. Mỗi liên minh có thể được nhận tài trợ từ chương trình Erasmus+ tới 14,4 triệu Euro trong bốn năm trong giai đoạn 2021-2027. Ngoài ra, hầu hết các quốc gia trong EU cũng có ngân sách bổ sung để khuyến khích các đại học tham gia một liên minh nào đó.
Về cơ bản, một liên minh EUi phải gồm tối thiểu ba trường đại học thuộc các nước thành viên EU hoặc quốc gia thứ ba từng liên kết trong khuôn khổ Erasmus+ - gói chương trình của Liên minh Châu Âu nhằm tăng cường hợp tác và chuyển dịch trong giáo dục, đào tạo, giới trẻ và thể thao. Ngoài ra, EUi cần mời thêm các đối tác ngoài để gắn giáo dục và nghiên cứu với giải quyết các vấn đề xã hội cụ thể. Các đối tác có thể là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; công ty khởi nghiệp; cơ quan công quyền địa phương, khu vực và quốc gia… không giới hạn trong biên giới châu Âu.
Các liên minh hướng tới chia sẻ nguồn tài nguyên chung, bao gồm nhân lực, dữ liệu và dịch vụ, tài chính, quản trị, cơ sở hạ tầng. Mục đích cuối cùng là tạo ra một hình thức liên minh chiến lược, lâu dài, bền vững, xuyên quốc gia mới của các trường đại học để hợp tác trong giáo dục, nghiên cứu và đổi mới.
Sáng kiến này hiện đang có 50 liên minh với tổng 430 trường đại học ở 35 quốc gia, thu hút khoảng 1.700 đối tác liên kết. Con số này đã rất gần với mục tiêu 60 liên minh với sự tham gia của hơn 500 trường vào giữa năm 2024.
|
Bên cạnh những giá trị về vật chất, các nhà quan sát cho rằng các trường đại học trên khắp châu Âu hết sức quan tâm đến sáng kiến này do tính hấp dẫn của nhãn hiệu “xuất sắc”: các nhà hoạch định chính sách coi các liên minh là “các trường đại học của tương lai”, dẫn đầu châu Âu về “chất lượng, hiệu quả, sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh quốc tế”.
Theo đó, các sinh viên ở các cấp (cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ), giảng viên, nghiên cứu viên, nhân viên… có thể di chuyển cả trực tuyến và tại chỗ để học tập, đào tạo, giảng dạy, nghiên cứu, làm việc hoặc chia sẻ dịch vụ tại bất kỳ trường thành viên nào trong liên minh. Người học có nhiều tự do và chủ động thiết kế chương trình học của mình. Các liên minh thường không liên kết dựa trên một chuyên ngành thế mạnh cố định mà bổ sung lẫn nhau. Ví dụ, liên minh Una Europa tập trung vào năm lĩnh vực chính: di sản văn hóa, khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, nghiên cứu châu Âu, y tế công cộng, và tính bền vững. Điều này bảo đảm tiếp cận liên ngành và tạo ra nhiều lộ trình học tập linh hoạt khác nhau cho nhiều đối tượng hơn hẳn so với các chương trình hợp tác trước đó của châu Âu như EJMD, EU-FP Horizon 2020 chỉ dừng ở cấp độ các khoa hoặc các nhóm nghiên cứu.
Dư Hoàng Khang, một sinh viên Việt Nam giành học bổng toàn phần từ Liên minh Arqus gồm chín trường, chia sẻ, các liên minh mang lại vô số cơ hội trao đổi học thuật và văn hóa như các lớp ngoại ngữ, trường hè, trường đông, khóa học ngắn hạn, workshop, chương trình cố vấn... Sinh viên được khuyến khích lựa chọn trao đổi ngắn và dài hạn tại các trường thành viên, tùy theo nhu cầu của mình. Arqus cũng dành riêng hơn 800.000 Euro để hỗ trợ đưa các sáng kiến đổi mới của sinh viên, giảng viên trong nội bộ liên minh thành hiện thực.
Tất cả các loại hình giáo dục đại học có thể tham gia thành lập liên minh: không chỉ các đại học nghiên cứu mà cả các trường cao đẳng, đại học ứng dụng, đại học đơn ngành. Các tiêu chí rất rộng này nhằm cân bằng hợp lý giữa chất lượng và công bằng, tránh tập trung nguồn lực vào một nhóm tinh hoa nằm ở trung tâm sản xuất tri thức của châu Âu. Một nghiên cứu được công bố gần đây chỉ ra EUi đã tạo ra cơ hội cho nhiều đại học có địa vị thấp hơn (đại học khoa học ứng dụng, trường kinh doanh, học viện nghệ thuật…) trở thành thành viên của các liên minh, tuy sự tham gia vẫn còn hạn chế so với kỳ vọng của các nhà thiết kế chính sách.
Một trong những mục tiêu cuối cùng của EUi là hướng tới việc cấp một bằng cấp chung châu Âu duy nhất cho các chương trình học xuyên quốc gia. Một trong những kết quả đầu tiên, mới đây Liên minh Una Europa đã tuyển sinh 250 sinh viên từ 35 quốc gia cho chương trình cử nhân liên kết ba năm về Nghiên cứu châu Âu. Trong ba học kỳ đầu, các sinh viên theo học 92 tín chỉ học phần chung bằng tiếng Anh, bao gồm các khóa nhập môn các ngành khác nhau, các khóa học đa ngành về châu Âu, các khóa học về phương pháp và ngôn ngữ. Trong ba học kỳ sau, sinh viên chọn một/hai trường đại học đối tác trong liên minh để hoàn thành 78 tín chỉ chuyên ngành chính và phụ và 10 tín chỉ khóa luận tốt nghiệp.
Tóm lại, với nguồn đầu tư khủng, hai sáng kiến nêu trên được kỳ vọng sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế của nền giáo dục châu Âu và thúc đẩy một bản sắc chung.
Tham khảo
Lambrechts, A. A., Cavallaro, M., & Lepori, B. (2024). The European Universities initiative: between status hierarchies and inclusion. Higher Education, 1-21.
Craciun, D, Kaiser, F, Kottmann, A and Van der Meulen, B, 2023, Research for CULT Committee - The European Universities Initiative, first lessons, main challenges and perspectives, European Parliament, Policy Department for Structural and Cohesion Policies, Brussels