Chia sẻ của ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) - Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) nhân dịp năm mới với
Báo Khoa học và Phát triển.
Ông Đinh Hữu Phí cũng cho biết, cùng với đó việc nghiên cứu xây dựng các chính sách hợp lý để bảo đảm công chúng có thể tiếp cận được với các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu một cách kịp thời và đầy đủ khi xảy ra khủng hoảng về các vấn đề công cộng hoặc tình trạng khẩn cấp cũng được thực hiện.
Đưa KH&CN thực sự trở thành động lực then chốt<?> Thưa ông, được biết hiện Cục SHTT đang xây dựng Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia, vậy Chiến lược này sẽ gắn kết như thế nào với Chiến lược phát triển Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2011-2020?Ông Đinh Hữu Phí:Dự thảo Chiến lược SHTT (Chiến lược) quốc gia đang trong quá trình xây dựng và chuẩn bị được gửi lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan. Khi xây dựng dự thảo, Cục SHTT xác định rõ SHTT có vai trò là “động lực” phát triển khoa học và công nghệ, vì vậy Chiến lược SHTT phải dựa trên những định hướng phát triển kinh tế - xã hội, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thời gian tới.
Theo đó, quan điểm xây dựng Chiến lược là hướng tới xây dựng một hệ thống SHTT vững mạnh để tạo ra động lực thúc đẩy hoạt động đổi mới - sáng tạo, nâng cao trình độ KH&CN của Việt Nam. Quan điểm này bổ trợ cho mục tiêu tổng quát của Chiến lược phát triển KH&CN là đưa KH&CN thực sự trở thành động lực then chốt, đáp ứng các yêu cầu cơ bản của một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Chiến lược cũng hướng tới mục tiêu phát triển, cần duy trì việc tăng số lượng sáng chế đăng ký bảo hộ như đã đặt ra trong Chiến lược phát triển KH&CN đến năm 2020 và tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng lượng đơn và văn bằng bảo hộ sáng chế đến năm 2030. Mục tiêu này có thể được thực hiện thông qua việc cụ thể hóa một số định hướng nhiệm vụ phát triển KH&CN trong Chiến lược phát triển KH&CN. Ví dụ, để đổi mới cơ chế hoạt động KH&CN, cần khuyến khích thực hiện các nhiệm vụ KH&CN có thể thương mại hóa, hoàn thiện cơ chế phân chia lợi ích giữa các nhóm chủ thể liên quan với kết quả sáng tạo, bảo đảm lợi ích của tác giả sáng chế. Để tăng cường tiềm lực KH&CN quốc gia, cần phát triển hệ thống tổ chức dịch vụ chuyển giao công nghệ, điều chỉnh hệ thống bảo vệ quyền SHTT để bảo đảm thực thi pháp luật hiệu quả, tăng cường khai thác và sử dụng tài sản trí tuệ, trong đó có sáng chế…
<?> Vậy Chiến lược SHTT sẽ hướng tới những giải pháp nào để không gia tăng độc quyền, cản trở đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp, thưa ông?Ông Đinh Hữu Phí: Một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu và xuyên suốt của việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về SHTT của Việt Nam là bảo đảm cân bằng giữa lợi ích của chủ sở hữu quyền và lợi ích xã hội, góp phần tạo động lực thúc đẩy hoạt động nghiên cứu sáng tạo, nâng cao trình độ công nghệ, khuyến khích và bảo đảm hoạt động cạnh tranh lành mạnh, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Chiến lược SHTT quốc gia của Việt Nam cũng cần tiếp tục theo đuổi mục tiêu này.
Tôi cho rằng trong những năm tiếp theo, cần xác định được những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để SHTT thực sự trở thành động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo vệ lợi ích chính đáng của các chủ thể có tài sản trí tuệ, đồng thời hạn chế tác động ngược của chế độ bảo hộ SHTT, ngăn chặn một cách hiệu quả việc lạm dụng quyền SHTT, bảo đảm nguyên tắc cân bằng giữa việc bảo vệ quyền SHTT với việc bảo vệ lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và của xã hội, bảo đảm khả năng tiếp cận của xã hội đối với các sản phẩm thiết yếu liên quan đến sức khỏe và bảo đảm khả năng thực hiện các mục tiêu an sinh, an ninh xã hội.
Theo đó, một số giải pháp cần được đặt ra để thực hiện mục tiêu trên là:
- Rà soát, xây dựng và thực hiện các chính sách nhằm áp dụng các quy định linh hoạt hoặc ưu đãi liên quan đến các nghĩa vụ trong các điều ước quốc tế về SHTT dành cho Việt Nam;
- Hoàn thiện pháp luật để xác định hợp lý phạm vi của quyền SHTT, phạm vi quyền trong mối quan hệ giữa các loại quyền SHTT, đặc biệt là với quyền có trước của người khác;
- Cải tiến việc cấp, đăng bạ, công bố văn bằng bảo hộ theo hướng nâng cao tính minh bạch, đầy đủ, rõ ràng, bảo đảm để phạm vi quyền sở hữu trí tuệ được xác định một cách dễ dàng, chính xác;
Hoàn thiện quy trình thẩm định và nâng cao chất lượng thẩm định theo các điều kiện bảo hộ sáng chế, tránh cấp bằng cho các sáng chế không đáp ứng điều kiện bảo hộ, đặc biệt là trong lĩnh vực dược phẩm và nông hóa phẩm;
Hoàn thiện chế độ về chuyển giao bắt buộc quyền sử dụng sáng chế, tận dụng tốt các ngoại lệ; nghiên cứu xây dựng các chính sách hợp lý để bảo đảm công chúng có thể tiếp cận được với các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu một cách kịp thời và đầy đủ khi xảy ra khủng hoảng về các vấn đề công cộng hoặc tình trạng khẩn cấp.
Hoàn thiện Chiến lược, sửa Luật Sở hữu trí tuệ<?> Để góp phần thực hiện các mục tiêu đặt ra, ông có thể chia sẻ thông điệp, định hướng hoạt động của Cục SHTT trong năm tới?Ông Đinh Hữu Phí: Trong năm 2018, bên cạnh những công việc mang tính chất thường xuyên như xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp (SHCN), đào tạo, tuyên truyền nâng cao nhận thức công chúng về SHTT, bảo đảm thông tin SHCN…, Cục SHTT sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước về SHTT, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động SHTT.
Cụ thể, chúng tôi tập trung kiện toàn cơ cấu tổ chức, tăng cường nhân lực cho Cục, trong đó đặc biệt ưu tiên cho khối thẩm định; sớm chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Chiến lược SHTT quốc gia để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Bên cạnh đó Cục cũng chuẩn bị các công việc cần thiết để sửa đổi Luật SHTT, cụ thể là lập Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi Luật SHTT.
Một nhiệm vụ quan trọng không kém đó là tiếp tục nâng cao năng lực và hiệu quả công tác xử lý đơn SHCN của Cục thông qua việc hoàn thiện các quy trình thẩm định; tập trung xử lý các đơn sáng chế và nhãn hiệu tồn sâu; đẩy mạnh triển khai các hoạt động tư vấn, hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ để chuyển hóa quyền SHTT của doanh nghiệp, tổ chức thành tài sản quan trọng, đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế; triển khai Đề án hình thành Mạng lưới các Trung tâm Phát triển tài sản trí tuệ (IP-Hub)...
Chúng tôi tin tưởng rằng việc thực hiện tốt các nhiệm vụ quan trọng này sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động SHTT trong cả nước, đặc biệt là hoạt động nghiên cứu, đổi mới - sáng tạo và khai thác tài sản trí tuệ dựa trên quyền SHTT, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
WIPO hỗ trợ Việt Nam xây dựng Chiến lược SHTT quốc giaNăm 2017, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và phân công của lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục SHTT đã triển khai xây dựng Chiến lược SHTT quốc gia với mong muốn tạo cơ sở cho việc xác định các mục tiêu, định hướng phát triển của hệ thống SHTT, làm nền tảng cho việc hoạch định các cơ chế, chính sách, pháp luật về SHTT của nước ta trong các giai đoạn tiếp theo.
Trong năm qua, công tác hợp tác quốc tế được đẩy mạnh với nhiều hoạt động quan trọng diễn ra trong năm, đóng góp tích cực và có ý nghĩa vào thực hiện nhiệm vụ chính trị, đối ngoại của đất nước, của Bộ nói chung và hoạt động chuyên môn của Cục nói riêng. Điểm nhấn đáng lưu ý trong năm là Cục đã tổ chức thành công chuyến thăm Việt Nam của Tổng giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và Lễ ký Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và WIPO về việc hỗ trợ Việt Nam xây dựng Chiến lược SHTT quốc gia. Chuyến thăm đã góp phần không nhỏ trong việc đẩy mạnh hợp tác song phương giữa Việt Nam và WIPO, đồng thời nâng cao nhận thức của xã hội về SHTT.Hải Minh (ghi)