Dưới đây là chia sẻ của ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục SHTT, về quan điểm xây dựng Chiến lược.
Ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ. Ảnh: Lê Loan
Chiến lược hướng tới mục tiêu gia tăng số lượng sáng chế đăng ký bảo hộ như đã đặt ra trong Chiến lược phát triển KH&CN đến năm 2020 và tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng lượng đơn và văn bằng bảo hộ sáng chế đến năm 2030.
Về tổng thể, mục tiêu đó đòi hỏi chúng ta khuyến khích thực hiện các nhiệm vụ KH&CN có thể thương mại hóa, đồng thời hoàn thiện cơ chế phân chia lợi ích giữa các nhóm chủ thể liên quan với kết quả sáng tạo, bảo đảm lợi ích của tác giả sáng chế, phát triển hệ thống tổ chức dịch vụ chuyển giao công nghệ, điều chỉnh hệ thống bảo vệ quyền SHTT để bảo đảm thực thi pháp luật hiệu quả và tăng cường khai thác sử dụng tài sản trí tuệ.
Yêu cầu ưu tiên trước mắt trong những năm tới là xác định những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để bảo vệ lợi ích chính đáng của các chủ thể có tài sản trí tuệ, đồng thời hạn chế tác động ngược của chế độ bảo hộ SHTT, ngăn chặn một cách hiệu quả việc lạm dụng quyền SHTT, bảo đảm nguyên tắc cân bằng giữa bảo vệ quyền SHTT với bảo vệ lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và của xã hội, bảo đảm khả năng tiếp cận của xã hội đối với các sản phẩm thiết yếu liên quan đến sức khỏe và khả năng thực hiện các mục tiêu an sinh, an ninh xã hội.
Giải pháp cụ thể cho những mục tiêu và yêu cầu đặt ra trên đây bao gồm rà soát, xây dựng và thực hiện các chính sách nhằm áp dụng các quy định linh hoạt hoặc ưu đãi liên quan đến các nghĩa vụ trong các điều ước quốc tế về SHTT dành cho Việt Nam. Mặt khác, hoàn thiện pháp luật để xác định phạm vi của quyền SHTT, phạm vi quyền trong mối quan hệ giữa các loại quyền SHTT, đặc biệt là với quyền có trước của người khác.
Việc cấp, đăng bạ, công bố văn bằng bảo hộ cần minh bạch, đầy đủ, rõ ràng, bảo đảm phạm vi quyền sở hữu trí tuệ được xác định một cách dễ dàng, chính xác. Quy trình thẩm định cần được cải thiện và nâng cao chất lượng thẩm định theo các điều kiện bảo hộ sáng chế, tránh cấp bằng cho các sáng chế không đáp ứng điều kiện bảo hộ, đặc biệt là trong lĩnh vực dược phẩm và nông hóa phẩm.
Chúng tôi cũng cần hoàn thiện chế độ về chuyển giao bắt buộc quyền sử dụng sáng chế, tận dụng tốt các ngoại lệ; nghiên cứu xây dựng các chính sách hợp lý để bảo đảm công chúng có thể tiếp cận được với các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu một cách kịp thời và đầy đủ khi xảy ra khủng hoảng về các vấn đề công cộng hoặc tình trạng khẩn cấp.
Dự thảo Chiến lược đang trong quá trình xây dựng và chuẩn bị được gửi lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan. Dự kiến trong năm 2018, Cục SHTT sẽ sớm chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành; đồng thời đề nghị xây dựng Luật sửa đổi Luật SHTT.
Bên cạnh đó, Cục sẽ tập trung kiện toàn cơ cấu tổ chức; tiếp tục nâng cao năng lực và hiệu quả công tác xử lý đơn sở hữu sáng chế thông qua việc hoàn thiện các quy trình thẩm định; tập trung xử lý các đơn sáng chế và nhãn hiệu tồn sâu; và triển khai Đề án hình thành Mạng lưới các Trung tâm Phát triển tài sản trí tuệ (IP-Hub)...
Việc thực hiện tốt các nhiệm vụ quan trọng này sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động SHTT trong cả nước, đặc biệt là hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và khai thác tài sản trí tuệ dựa trên quyền SHTT, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế.