Một trong các số đó là việc cắt giảm các thủ tục hành chính trong kiểm tra hàng hóa, chuyển từ biện pháp tiền kiểm sang hậu kiểm, giúp tiết kiệm đáng kể thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp
Thời gian rút ngắn, giảm chi phí
Với các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, thay đổi năm nay chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm có thể coi như giúp họ “trút được một gánh nặng” cả về thời gian và tiền bạc.
“Trước đây để xuất, nhập khẩu một lô hàng, chúng tôi phải chuẩn bị hồ sơ mất rất nhiều thời gian. Tất cả giấy tờ liên quan đến các linh kiện, chi tiết, sản phẩm trong lô hàng đều phải sao chụp để nộp các cơ quan chức năng, thời gian trả lời nhanh cũng mất 2 tới 3 ngày. Trong thời gian hàng ách tắc tại cảng, chúng tôi phải mất thêm chi phí bến bãi, lưu không, tính trung bình mỗi container mất tới 1-2 triệu đồng/ngày” - bà Lý Thị Phương Trang - Phó tổng giám đốc Daikin Việt Nam - cho biết.
Để hỗ trợ cho doanh nghiệp theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu quả kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chỉ đạo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC) phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát và nghiên cứu đổi mới biện pháp quản lý đối với hàng hóa nhóm 2 nhập khẩu theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng vẫn phải bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước.
Hiện nay chỉ còn 2 nhóm sản phẩm, hàng hóa là xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng phải kiểm tra trước khi thông quan. Trong ảnh: Kiểm tra chất lượng xăng dầu ở Bắc Giang.
Ảnh: Huy Hùng
Theo đó Tổng cục TĐC đã nghiên cứu, tham mưu cho lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ ký ban hành Thông tư 02/2017/TTBKHCN ngày 31/3/2017 để hướng dẫn cách thức công bố hợp chuẩn, hợp quy, theo đó làm rõ về phương thức hậu kiểm để các bộ, ngành thay đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với một số nhóm sản phẩm hàng hóa có nguy cơ rủi ro thấp.
Đối với hàng hóa thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục TĐC cũng đã nghiên cứu, tham mưu cho Lãnh đạo Bộ KH&CN ban hành Thông tư số 07/2017/TTBKHCN ngày 16/6/2017.
Theo đó, kể từ ngày 01/10/2017, các sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ đã được chuyển sang chế độ hậu kiểm.
Hiện nay, sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra đã được cắt giảm từ 100% (24 nhóm sản phẩm, hàng hóa) xuống còn 9% (chỉ còn 02 nhóm sản phẩm, hàng hóa là xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng) phải kiểm tra trước thông quan. Như vậy, 91% nhóm sản phẩm, hàng hóa do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý đã được chuyển sang cơ chế hậu kiểm.
Theo số liệu tổng hợp, trong 9 tháng đầu năm 2017, có khoảng 33.800 lô hàng thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan. Trong đó, 96% số lô hàng được áp dụng biện pháp hậu kiểm; chỉ có 4% số lô hàng áp dụng biện pháp tiền kiểm.
Theo ông Trần Văn Vinh - Tổng cục trưởng Tổng cục TĐC, đối với hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ, trước kia công tác kiểm tra chuyên ngành trung bình cần tới 13 ngày tiến hành các thủ tục để hàng hóa được thông quan, thì nay với cách quản lý mới, thời gian làm thủ tục kiểm tra chuyên ngành không quá một ngày.
“Ví dụ như nhóm hàng thiết bị điện - điện tử gia dụng thì thời gian xác nhận để giải phóng hàng nhanh nhất là 0,02 ngày; đối với nhóm hàng đồ chơi trẻ em thì thời gian xác nhận để giải phóng hàng nhanh nhất là 0,04 ngày; đối với nhóm hàng thép thì thời gian xác nhận để giải phóng hàng nhanh nhất là 0,05 ngày” - ông Vinh cho biết.
Không chỉ dừng ở nhóm hàng thuộc quản lý của mình, thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ còn chung tay cùng 12 bộ, ngành tổ chức rà soát danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 và văn bản quy phạm pháp luật về thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.
Hiện nay, các bộ quản lý chuyên ngành đang tích cực thực hiện việc này, trong đó Bộ Xây dựng đề xuất loại bỏ 39/64 sản phẩm và bổ sung thêm 6 sản phẩm mới; Bộ NN&PTNT đề xuất loại bỏ 10/21 nhóm sản phẩm; Bộ LĐ- TB-XH đề xuất loại bỏ 05/28 sản phẩm; hay như Bộ Y tế đã ban hành danh mục hàng hóa nhóm 2 trong đó cũng đã loại bỏ 32/57 sản phẩm cụ thể thuộc 4 nhóm sản phẩm.
Lực lượng quản lý thị trường số 13 phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra hàng nhái nhãn mác nhập khẩu. Ảnh: Trần Việt
Không rút bớt nội dung kiểm tra
Theo ông Vinh, trên thực tế công tác tiền kiểm sẽ chặt chẽ hơn so với hậu kiểm. Bởi vì tiền kiểm thì doanh nghiệp phải chứng minh sản phẩm, hàng hóa phù hợp với tất cả các quy định của pháp luật trước khi thông quan hay lưu thông trên thị trường. Còn đối với hậu kiểm, doanh nghiệp chỉ cần đáp ứng một phần trước, sau đó được thông quan ngay, sau khi thông quan doanh nghiệp vẫn phải hoàn thành các thủ tục còn lại.
“Thực hiện theo biện pháp hậu kiểm sẽ tạo điều kiện thuận lợi, môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, biện pháp này cũng đòi hỏi ở doanh nghiệp tính kỷ luật và nghiêm túc bởi doanh nghiệp vẫn phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng hàng hóa nhập khẩu” - ông Vinh nói và khẳng định việc kiểm tra hậu kiểm không rút ngắn bớt các nội dung phải kiểm tra mà là chuyển từ việc của công chức và của doanh nghiệp thực hiện trước khi thông quan sang sau thông quan.
“Như vậy, về cơ bản cơ quan quản lý không gặp khó khăn gì nhiều, khó khăn nếu có chủ yếu là do doanh nghiệp không tuân thủ nghiêm túc phần trách nhiệm của mình sau thông quan, hoặc sau khi thông quan mới phát hiện hàng hóa không đảm bảo chất lượng dẫn tới khó khăn trong việc thu hồi và xử lý hậu quả.”
Trong thời gian tới, Tổng cục TĐC tiếp tục tham mưu cho Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn thành việc sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế kiểm tra chuyên ngành để các bộ, ngành có căn cứ triển khai thực hiện. Đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện việc rà soát, cắt giảm, chỉnh sửa, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hàng hóa nhóm 2 và công tác kiểm tra chuyên ngành, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, thẩm định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 theo hướng QCVN cần quy định cụ thể biện pháp quản lý, xem xét tính hợp lý hay không hợp lý của các biện pháp quản lý này để bảo đảm không gây cản trở không cần thiết đối với thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đẩy mạnh cơ chế hậu kiểm theo đúng chỉ đạo của Chính phủ” – ông Vinh khẳng định.
Tại buổi làm việc ngày 20/10/2017, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhận định rằng việc tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính là dư địa quan trọng để các doanh nghiệp tăng trưởng và phát triển. Đây là chủ trương và nhiệm vụ Thủ tướng giao phó cho các bộ, ngành, địa phương, trong đó “Bộ Khoa học và Công nghệ đã thực hiện 100%nhiệm vụ đúng tiến độ được giao”. Đặc biệt, “việc Bộ Khoa học và Công nghệ cắt giảm được 114 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành, giảm 96% mặt hàng phải kiểm tra khi thông quan, giảm thời gian khi thông quan xuống còn 0,5 – 1 ngày… là những kết quả rất tích cực”.
Lâm Bình |