Câu chuyện thành công 25 năm qua của kinh tế Việt Nam đã được cả thế giới ghi nhận. Nhưng các chuyên gia tại WB cho rằng: sẽ là không đủ nếu đất nước cứ mãi phát triển theo quán tính như hiện nay. Trên thực tế, GDP của Việt Nam đang bắt đầu có dấu hiệu tăng chậm lại, và xu hướng giảm, theo dự báo sẽ tiếp diễn trong giai đoạn 2020 - 2045.
"Việt Nam đang ở bước ngoặt mà một số động lực tăng trưởng truyền thống đang dần suy yếu, trong khi các động lực mới chưa được hình thành đầy đủ", báo cáo nhấn mạnh.
Phần lớn các nền kinh tế năng động trên thế giới đều từng tìm ra giải pháp để nâng cao hiệu quả hoặc tăng năng suất, nhằm bứt phá ra khỏi mức thu nhập trung bình, ví dụ điển hình nhất là Hàn Quốc. Tuy nhiên, “khác với Hàn Quốc, Việt Nam vẫn chưa chuyển sang mô hình tăng trưởng mà việc đầu tư vào vốn nhân lực và vật chất mang lại tỷ lệ sinh lời tăng dần, chứ chưa nói đến mô hình tăng trưởng dựa vào năng suất.” Sẽ mất khoảng 30 năm để Việt Nam đạt được tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên đầu người của Hàn Quốc thời điểm 2017.
Do vậy, các chuyên gia thúc giục Việt Nam cần sớm đổi mới chiến lược tăng trưởng; nếu không, tốc độ tăng GDP trong giai đoạn 2030-40 sẽ chỉ còn trung bình 4%/năm.
Mô hình tăng trưởng được khuyến nghị cho Việt Nam là đổi mới sáng tạo theo hướng nâng cao chất lượng, ưu tiên tích lũy nhiều hơn và phân bổ sử dụng hiệu quả hơn
4 nguồn vốn bao gồm: Vốn tư nhân (Lực lượng doanh nghiệp năng động), Vốn nhà nước (Cơ sở hạ tầng hiệu quả), Vốn nhân lực (Lao động kỹ năng), Vốn tự nhiên (Nền kinh tế xanh), cũng như dựa vào
đổi mới sáng tạo. Những phân tích, khuyến nghị với từng loại nguồn vốn được thể hiện đầy đủ trong hơn 110 trang báo cáo tiếng Việt
tại đây.
Trong quá khứ, những thuận lợi của Việt Nam chủ yếu liên quan đến tài nguyên và dân số. Xu thế toàn cầu hóa cũng giúp Việt Nam hấp thu được nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn để đẩy mạnh công nghiệp và đa dạng hóa nền kinh tế, dần giảm bớt sự phụ thuộc vào nông nghiệp và tăng cường tỷ trọng của các ngành chế tạo, dịch vụ,... Tuy nhiên, những lợi thế này sẽ không còn nữa khi Việt Nam phải đối mặt với nhiều bất lợi, như viễn cảnh dân số lão hóa nhanh (nguy cơ: chưa giàu đã già), thách thức từ sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ trên toàn cầu, nguy cơ lỡ nhịp chuyến tàu của cuộc CMCN 4.0; bên cạnh tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, bất bình đẳng leo thang, và nhiều vấn nạn xã hội khác.
“Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong phát triển, nhưng hiện nay đất nước đang ở một ngã ba đường khi các động lực tăng trưởng truyền thống đang dần suy yếu,” ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, phát biểu. “Để đạt mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045, tăng trưởng năng suất phải giữ vị trí then chốt trong mô hình phát triển kinh tế thập kỷ tới. Nói cách khác, Việt Nam cần có quyết sách để không chỉ phát triển nhanh hơn mà còn chất lượng hơn.”
Báo cáo "Việt Nam năng động" là sản phẩm của Chương trình Đối tác Chiến lược giữa Australia và Nhóm WB, giai đoạn 2 (ABP2), với sự đóng góp tài chính của Quỹ Toàn cầu về Tăng trưởng của Hàn Quốc dành cho Quỹ Ủy thác Phát triển.