Covid-19 khiến kinh tế thế giới có thể lâm vào một cuộc suy thoái tồi tệ, nhưng đồng thời nó tạo ra bước ngoặt cho sự phát triển của thương mại điện tử, hoạt động trực tuyến và tự động hóa. Nó cũng hứa hẹn sự bùng nổ đổi mới sáng tạo và năng suất trong các doanh nghiệp.
Nhiều nhà kinh tế nhận định, có khả năng nền kinh tế toàn cầu sẽ phải trải qua cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái 1929 - 1933 và thậm chí còn tồi tệ hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
Cụ thể, theo dự báo của IMF, kinh tế toàn cầu sẽ giảm 3% trong năm nay. Trong đó, Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ suy giảm khoảng 6,8%, khu vực Eurozone sẽ suy giảm tới 7,5%. Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng được nhận định tăng trưởng giảm 30% trong quý II và 5,9% trong năm 2020.
Tại Việt Nam, theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong 3 tháng đầu năm, đại dịch Covid-19 đã khiến 35.000 doanh nghiệp trên cả nước rời khỏi thị trường. Cũng theo nhận định của đại diện VCCI, nếu tình hình dịch tiếp tục phức tạp, gần 30% số doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động được không quá 3 tháng, 50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm.
Trong khi Việt Nam đã chính thức nới lỏng giãn cách xã hội, thì tại nhiều nước trên thế giới, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, cuộc chiến chống Covid vẫn còn ở phía trước. Sau tác động trực diện của dịch bệnh, chúng ta còn phải đối mặt với cú sốc kinh tế, cú sốc đối với hành vi của khách hàng và mô hình kinh doanh.
Nếu như hơn 20 năm qua, công nghệ giúp cho thông tin trở nên liền mạch, chuỗi cung ứng mở rộng gần như vô tận, thương mại xuyên biên giới đạt đến đỉnh cao mới, thì hiện nay, khoảng cách đã trở lại. Để đối phó với đại dịch, các chính phủ trên khắp thế giới đã áp đặt hạn chế với người và hàng hóa. Theo phân tích của Trung tâm nghiên cứu PEW và dữ liệu dân số của Liên Hợp Quốc, hơn ba tỷ người ở 93% các quốc gia đã áp đặt giới hạn mới khi nhập cảnh vì Covid-19. Một xu hướng ưu tiên cho phát triển thị trường nội địa đã hình thành.
Ngay cả khi cách ly xã hội được nới lỏng, các doanh nghiệp sẽ cần tìm ra cách vận hành theo những cách mới, khởi động những nhóm lập kế hoạch sớm. Khả năng phục hồi nhanh, sự linh hoạt và tinh gọn, giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng là chìa khóa cho doanh nghiệp tồn tại lâu dài. Cùng với đó, xác định được các ưu tiên chiến lược sẽ giúp doanh nghiệp đi đúng hướng và giảm thiểu những lãng phí.
Covid-19 cũng tạo ra một bước ngoặt cho sự phát triển của nền kinh tế không tiếp xúc với thương mại điện tử, hoạt động trực tuyến và tự động hóa. Theo ước tính từ McKinsey & Company đăng trên tạp chí Phố Wall, một dấu hiệu từ Trung Quốc cho thấy, người tiêu dùng trên 36 tuổi, cư dân ở các địa phương kém thịnh vượng hơn đã bắt đầu mua sắm trực tuyến với số lượng lớn. Riêng ở Ý, các giao dịch thương mại điện tử đã tăng 81% kể từ cuối tháng Hai. Các dịch vụ khám sức khỏe từ xa cũng cho con số ấn tượng. Tại Mỹ, dịch vụ sức khỏe lớn nhất nước Mỹ mang tên Teladoc Health báo cáo tăng trưởng 50%.
Cùng với tác động của đại dịch, vai trò điều tiết của nhà nước đối với nền kinh tế ngày càng quan trọng. Kể từ ngày 10 tháng Tư, các chính phủ trên toàn cầu đã công bố các kế hoạch kích thích lên tới 10,6 nghìn tỷ USD, lớn gấp 8 lần Kế hoạch Marshall (kế hoạch phục hồi kinh tế sau Chiến tranh Thế giới lần thứ II). Hầu hết chi tiêu được dành cho ba lĩnh vực, hỗ trợ các nhu cầu cơ bản của công dân, duy trì công việc và giúp các doanh nghiệp tồn tại vào một ngày khác.
Sau hành động quyết liệt của các chính phủ, các doanh nghiệp cũng xem xét kỹ lưỡng hơn không chỉ triển vọng đầu tư mà còn cả vấn đề niềm tin, đạo đức, trách nhiệm với nguồn hỗ trợ của chính phủ, của nhà đầu tư, với người lao động và xã hội.
Tuy nhiên, thay đổi có tác động lâu dài nhất liên quan tới cấu trúc ngành và hành vi của người tiêu dùng. Một trong những câu hỏi quan trọng mà doanh nghiệp phải đối mặt là liệu ngành nghề họ đang kinh doanh sẽ hồi phục như thế nào sau cú sốc kinh tế do virus gây ra? Sự phục hồi nhanh hay chậm này, về đại thể sẽ dẫn tới những thay đổi cấu trúc ngành. Ngoài ra, có thể có những thay đổi lâu dài đối với thái độ của người tiêu dùng đối với khoảng cách vật lý, sức khỏe và quyền riêng tư.
Bên cạnh sự thận trọng và kỹ lưỡng trong kinh doanh, ở một chiều ngược lại, Covid-19 cũng đem tới những điều tích cực. Tất cả các cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp và chính phủ đều đang tìm kiếm những cách mới để kết nối. Nhiều doanh nghiệp đã học được cách vận hành từ xa. Sự linh hoạt trở nên quan trọng, tốc độ được đánh giá cao, các doanh nghiệp giờ đây có ý thức tốt hơn về những gì có thể thực hiện ngoài các quy trình truyền thống. Covid-19 đã thực sự thúc đẩy cả tốc độ và quy mô đổi mới khi các doanh nghiệp buộc phải làm nhiều hơn với cách tốt hơn và tốn ít nguồn lực hơn.
Tóm lại, từ những quan sát trên, người viết dự phóng rằng, một điều “bình thường” có thể xảy ra tiếp theo là các quyết định được đưa ra trong và sau cuộc khủng hoảng trước hết dẫn đến tăng trưởng chậm hơn, bất bình đẳng có thể xuất hiện ở chỗ này chỗ khác; nhưng về lâu dài sẽ dẫn đến sự bùng nổ đổi mới sáng tạo và năng suất, các doanh nghiệp kiên cường hơn, chính phủ thông minh hơn và sự xuất hiện của một thế giới kết nối lại một cách thực chất và an toàn.