Dịch Covid-19 khiến ngành khoa học Úc mất hơn 10.000 việc làm và hàng tỷ đô doanh thu của các trường đại học. Dư chấn của những tác động này được dự báo có thể ảnh hưởng đến khoa học Úc nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỉ nữa.

Các nhà khoa học Úc là những người đầu tiên tái tạo được coronavirus trong phòng thí nghiệm bên ngoài Trung Quốc. Hiện nay ở Úc, chỉ những phòng thí nghiệm có nghiên cứu liên quan đến COVID-19 mới mở cửa hoạt động. Nguồn: CSIRO
Các nhà khoa học Úc là những người đầu tiên tái tạo được coronavirus trong phòng thí nghiệm bên ngoài Trung Quốc. Hiện nay ở Úc, chỉ những phòng thí nghiệm có nghiên cứu liên quan đến COVID-19 mới mở cửa hoạt động. Nguồn: CSIRO

Những ngày vừa qua, trong bối cảnh các nhà nghiên cứu Úc đã đáp lại lời kêu gọi khẩn cấp của thế giới bằng các thử nghiệm lâm sàng và nhiều nghiên cứu liên quan đến đại dịch, một nhóm các nhà khoa học vừa trình lên Ủy ban điều phối COVID-19 quốc gia Úc một bản báo cáo trả lời cho câu hỏi: “Đại dịch lần này tác động thế nào đến lực lượng nghiên cứu của Úc và khả năng phục hồi của lực lượng này ra sao?”.

Tình hình không mấy khả quan. Báo cáo chỉ ra rằng lực lượng nghiên cứu của Úc sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch, tác động của chúng có thể được cảm nhận trong nhiều năm, nếu không nói là nhiều thập kỷ nữa.

Các trường đại học ước tính sẽ giảm ít nhất 3 tỷ AUD trong năm 2020 do đại dịch, Con số đó có thể lên tới 4,6 tỷ AUD, trong đó những trường chuyên sâu về nghiên cứu bị thiệt hại nhiều nhất. Sinh viên mới tốt nghiệp, những nhà nghiên cứu trong giai đoạn đầu và giữa sự nghiệp sẽ chịu những tác động khác nhau bởi tỷ lệ lao động không thường xuyên trong đội ngũ nghiên cứu của các trường đại học Úc thường cao và có đặc tính làm việc theo hợp đồng thời hạn. Với trường hợp này, phụ nữ chịu thiệt thòi hơn cả bởi họ thường phải chăm sóc con cái và làm việc nhà nhiều hơn nam giới. Các tạp chí khoa học cũng thấy kể từ khi cuộc khủng hoảng Covid-19 bắt đầu, số lượng bài báo của các tác giả nữ gửi đến không chỉ ít hơn hẳn so với nam giới và còn ở mức thấp hơn trước.

Đầu tư cho nghiên cứu ở Úc

Để tìm hiểu về vấn đề này, các tác giả đã thu thập, tổng hợp bằng chứng đầu tư cho nghiên cứu từ nhiều trường đại học, viện nghiên cứu được tài trợ (cả công và tư) và doanh nghiệp tư nhân.

Vài năm gần đây, về tổng thể, tổng chi tiêu cho nghiên cứu của Úc (từ tất cả các nguồn, bao gồm nhà nước và ngành công nghiệp) có xu hướng giảm. Mức đầu tư này tăng từ 6,6 tỷ AUD giai đoạn 2007-2008, lên tới đỉnh điểm khoảng 10 tỷ AUD vào năm 2011-2012 và giảm xuống còn khoảng 9,4 tỷ AUD năm 2018-2019 (ngoại trừ năm 2017-2018 xảy ra mức tăng vọt đột biến gần 10,3 tỷ AUD). Năm nay, đầu tư của chính phủ dự kiến ở mức 9,6 tỷ AUD. Nhưng xét viễn cảnh cuộc khủng hoảng tài chính thể giới lần trước khiến doanh nghiệp giảm 3,1% chi tiêu vào nghiên cứu và phát triển (R&D) thì cuộc đại dịch năm nay có thể sẽ khiến cho mức này giảm mạnh.

Ở Úc, ngành công nghiệp thường thực hiện 86% các phát triển thử nghiệm (trong đó dùng thí nghiệm vật lý để kiểm định nhiều giả thuyết), còn các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm số đông ở Úc thường không có tiền mặt dự phòng để đầu tư vào R&D. Ngược lại, các trường đại học thực hiện khoảng 43% tất cả các nghiên cứu ứng dụng (nhằm giải quyết các vấn đề thực tế). Điều này có nghĩa là những ngành công nghiệp dựa vào khu vực viện trường để làm R&D sẽ ít có khả năng hợp tác, đổi mới và tạo thêm việc làm.

Trong số 164.000 nhà nghiên cứu của Úc, gần một nửa là cán bộ giảng dạy và nghiên cứu sinh sau đại học.

Trong 6 tháng tới, các trường đại học dự kiến sẽ mất 21.000 nhân sự làm việc toàn thời gian, trong đó khoảng 7.000 người có thể liên quan đến nghiên cứu. Khoảng 6.000 nghiên cứu sinh sau đại học cũng sẽ mất việc. Ở các viện nghiên cứu y tế, khoảng 3.000 việc làm dự kiến cũng sẽ mất. Do đó, người ta lo ngại rằng sự đa dạng cốt yếu cho đổi mới sáng tạo cũng sẽ mất đi khi những công việc này biến mất.

Doanh thu từ sinh viên quốc tế

Khoảng 26% doanh thu khu vực đại học của Úc đến từ học phí của sinh viên quốc tế. Khoản tiền này, cùng với các khoản quyên góp và lợi nhuận đầu tư, hình thành nên các quỹ chi tiêu tùy ý của trường đại học. Khoảng 4,7 tỷ AUD từ các quỹ đó được dùng để tài trợ cho nghiên cứu, bên cạnh nguồn tiền từ chính phủ.

Năm 2018, khoảng 37% sinh viên tiến sĩ tại Úc là sinh viên quốc tế, 75% trong số đó đang thực hiện nghiên cứu trong các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật.

Đại dịch lần này khiến nhiều sinh viên quốc tế sau đại học không có mấy lựa chọn để kéo dài thời gian lưu trú bù đắp cho công việc nghiên cứu bị gián đoạn. Một số đã phải trở về quê hương. Những yếu tố này, cùng với khả năng hạn chế đi lại trong tương lai, khiến báo cáo ước tính rằng khoảng 9.000 nghiên cứu sinh quốc tế sẽ không thể tiếp tục được các chương trình nghiên cứu của mình trong năm 2020. Chính bởi tỷ lệ sinh viên nước ngoài cao mà năng lực nghiên cứu đại học của Úc bị giáng một đòn mạnh hơn bất kì quốc gia nào khác. Thiệt hại về năng lực nghiên cứu không chỉ ảnh hưởng đến việc tạo ra tri thức mới, mà còn tác động đáng kể đến tiềm năng phát triển kinh tế trong tương lai của nước Úc.

Cơ hội cho nước Úc

Nghiên cứu do những công ty tài trợ sẽ khiến các ngành công nghiệp như sức khỏe, sản xuất tiên tiến, giao thông, năng lượng tái tạo của Úc trở nên cạnh tranh hơn. Điều này sau đó sẽ tạo ra cơ hội việc làm mới và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Trong thời gian diễn ra đại dịch, những phòng thí nghiệm trong lĩnh vực y tế của Úc không nghiên cứu về Covid-19 buộc phải đóng cửa. Đây là nguyên nhân khiến nhiều nghiên cứu về ung thu, tim mạch, vận động thần kinh và tiểu đường bị tạm ngừng lại. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng nối tiếp của Úc khi mở lại các phòng thí nghiệm.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, chính phủ Úc đã nhận ra một điều mấu chốt, đó là khoa học có khả năng giúp đất nước vượt qua khó khăn, tuy nhiên chính đây là lĩnh vực chịu nhiều ảnh hưởng bậc nhất. Chính phủ đã phải bơm thêm 1 tỷ USD tài trợ vào các nghiên cứu học thuật trong hai giai đoạn khủng hoảng 2008-2009 và 2013-2014. Đại dịch lần này, chính phủ Úc mới đầu tư thêm khoảng 13 triệu AUD vào Quỹ tương lai nghiên cứu Y tế để hỗ trợ cho các nghiên cứu liên quan đến Covid-19.

Thời gian này có thể là cơ hội để chính phủ Úc thể hiện tầm nhìn lãnh đạo thông qua việc đầu tư rộng hơn cho nhiều hoạt động R&D nhằm phục hồi kinh tế.

Nguồn:https://theconversation.com/more-than-10-000-job-losses-billions-in-lost-revenue-coronavirus-will-hit-australias-research-capacity-harder-than-the-gfc-138210