“Chúng ta không ngăn doanh nghiệp hay nhà đầu tư Việt Nam ra nước ngoài tìm kiếm cơ hội, nhưng đừng để họ buộc phải ra nước ngoài vì điều kiện trong nước bị hạn chế”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại diễn đàn Vietnam Venture Summit 2019.
Tại Vietnam Venture Summit 2019, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh cần phải duy trì và làm tốt hơn việc tạo môi trường hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp. Ảnh: Ngô Hà/KHPT
Ngày 10/6 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Quỹ Đầu tư Golden Gate Ventures đã phối hợp tổ chức diễn đàn “Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam 2019” (Vietnam Venture Summit 2019) nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và quảng bá Việt Nam như một điểm đến tiềm năng của đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Đây cũng là dịp để cộng đồng khởi nghiệp và các quỹ đầu tư đối thoại trực tiếp với Chính phủ về các chính sách hỗ trợ và tư vấn, tham mưu trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp.
Sự kiện quy tụ của hơn 100 quỹ đầu tư trong và ngoài nước, với nhiều tên tuổi nổi bật trên thế giới như: Softbank Vision Fund, CyberAgent Ventures, Mekong Capital, 500 Startups Vietnam, DT&I, IDG Ventures Vietnam, VinaCapital Ventures ... cùng các đại diện các tập đoàn quốc tế như Google, Visa, BCG Digital Ventures, One Championship, Lotte...
Các startup bị định giá thấp và cơ hội của nhà đầu tư
Tại diễn đàn, đại diện nhiều quỹ đầu tư khởi nghiệp nhất trí cho rằng Việt Nam là một điểm đến đầu tư tiềm năng trong khu vực với những đặc điểm quan trọng hàng đầu như nguồn nhân lực kĩ thuật công nghệ cao giỏi, ứng dụng công nghệ nhanh, thị trường không nhỏ với gần 100 triệu người, dân số trẻ, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.
Báo cáo thường niên về tình hình đầu tư khởi nghiệp năm 2018 của Topica Founder Institute (TFI), cũng cho thấy trong năm 2018 các công ty khởi nghiệp Việt Nam đã nhận được gần 900 triệu USD đầu tư với 92 thương vụ từ các Quỹ đầu tư trong và ngoài nước, gấp 3 lần so với năm 2017 và gấp 6 lần năm 2016. Báo cáo của KrAsia, Bain&Co dự đoán rằng trong 3 năm tới, các startups giai đoạn đầu (seed-fund) của Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút những khoản đầu tư lớn từ 200-440 triệu USD.
Không chỉ số lượng doanh nghiệp phát triển nhanh mà nhiều tập đoàn lớn trong nước đã tham gia vào đầu tư mạo hiểm như FPT, Viettel, Vingroup, CenGroup ... Cùng với đó là hơn 40 cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh và 60 khu không gian làm việc chung trên cả nước.
“Chúng tôi nhìn thấy rất nhiều cơ hội tại Việt Nam”, ông Vinnie Lauria, sáng lập quỹ Golden Gate Ventures, nhận xét. Từ 10 năm trước, quỹ đầu tư này đã bước chân vào thị trường Việt Nam. Ông Lauria cho rằng điểm khác biệt lớn nhất của Việt Nam là khát vọng đam mê học tập của người dân.
Có những trung tâm khởi nghiệp như Indonesia hiện đang có xu hướng bão hòa và một số nhà đầu tư cho rằng ở đó có startup bị định giá quá cao, trong khi Việt Nam còn tiềm năng rất lớn.
“Tôi cho rằng các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam đang bị định giá thấp dưới giá trị và đây là cơ hội rất lớn cho các quỹ đầu tư”, Ông Charles Rim, CEO quỹ Access Ventures cho biết.
Cải thiện điều kiện trong nước để giữ chân startup
Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam vẫn còn tương đối non trẻ và chưa kết nối chặt chẽ với nhau. Đặc biệt liên quan đến vấn đề đầu tư và các quỹ đầu tư, một số quỹ cho rằng vẫn còn khá nhiều vướng mắc trong việc tự do điều phối dòng tiền. Số thương vụ đầu tư dưới 1 triệu USD vẫn chiếm phần lớn, rất ít các thương vụ được đầu tư có vốn trên 10 triệu USD. Thủ tục hành chính để cho 1 startup Việt Nam nhận được đầu tư vẫn khá rườm rà. Các công ty khởi nghiệp Việt Nam mất đi lợi thế cạnh tranh vì họ phải dành quá nhiều thời gian vào thủ tục. Đó là một điểm gây kém hấp dẫn cho các startup Việt.
“Các cơ chế của Việt Nam kể cả việc góp vốn vào hay đưa vốn ra [nước ngoài] hiện vẫn không mấy dễ dàng” ông Đỗ Hoài Nam, CEO và đồng sáng tập Up Coworking Space, một trong những người tích cực hỗ trợ phong trào startup ở Việt Nam từ những giai đoạn đầu nhận xét. Đã có kinh nghiệm cá nhân trong việc cố gắng mở rộng doanh nghiệp của mình ra các nước có hệ sinh thái phát triển khác và vấp phải không ít khó khăn, ông Nam cho rằng kiến nghị này rất cần được chính phủ sớm ra quyết định.
Bên lề diễn đàn, ông Nguyễn Hữu Tuất - CEO Fastgo - nhận xét dòng vốn đầu tư ghi nhận vào startup Việt thấp hơn rất nhiều so với dòng tiền thực chất bởi khá nhiều doanh nghiệp người Việt lựa chọn thành lập công ty ở nước láng giềng Singapore khiến cho dòng tiền ghi nhận về quốc gia đó.
Trong khi đó, ông Kentaro Matsui, Giám đốc điều
hành quỹ Softbank Vision Fund khu vực châu Á, nhìn nhận Việt Nam có ưu điểm là
chính phủ đồng hành chặt chẽ với việc phát triển hệ sinh thái và đã đưa ra nhiều
chính sách thiết thực. Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh điều mà ông và các nhà đầu tư
quan tâm nhiều hơn là “việc chính phủ thực thi những nội dung đó nhanh đến mức
nào”.
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, thời gian qua, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam đã được quan tâm phát triển mạnh cả về chính sách, hạ tầng, thiết chế tài chính và dịch vụ hỗ trợ. Văn hóa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngày càng được đẩy mạnh mẽ. Từ năm 2009, Chính phủ Việt Nam, với vai trò điều phối của Bộ Khoa học và Công nghệ, phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và nhiều bộ ban ngành khác, đã bắt đầu thiết lập nên những cơ chế chính sách và điều chỉnh hành lang pháp lý, từng bước đặt những tảng đá nền đầu tiên cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cũng cho biết trong thời
gian tới sẽ tập trung phát triển Mạng lưới kết nối khởi nghiệp ở quy mô
quốc gia và quốc tế; tiếp tục thúc đẩy phát triển các trung tâm đổi mới
sáng tạo ở địa phương; và duy trì các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp
sáng tạo, hoàn thiện công nghệ, liên kết viện trường, hình thành tài sản
trí tuệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu hướng ra thị trường toàn
cầu.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh tóm tắt về việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam. Ảnh: Ngô Hà/KHPT Bàn về vấn đề chính sách và hỗ trợ hệ sinh thái, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đưa ra các cam kết tiếp tục đối thoại với cộng đồng nhà đầu tư mạo hiểm để giải quyết khó khăn khai thông vốn và hỗ trợ khởi nghiệp thông qua việc hình thành Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) tại Hòa Lạc.
Phát biểu tổng kết Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói, nhìn vào con số đầu tư và ý kiến của các diễn giả quốc tế, có thể hiểu phần nào vì sao các nhà đầu tư quan tâm đến Việt Nam.
“Chúng ta phải duy trì được sự quan tâm đó, ít nhất phải giữ được như hiện nay”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, có ba điểm cần phải làm tốt hơn là cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh lĩnh vực công nghệ thông tin và những ngành kinh tế ứng dụng nhiều công nghệ thông tin, đồng thời chú trọng hơn vào giáo dục và khoa học-công nghệ.
“Chúng ta không ngăn doanh nghiệp hay nhà đầu tư Việt Nam ra nước ngoài tìm kiếm cơ hội, nhưng đừng để họ buộc phải ra nước ngoài vì điều kiện trong nước bị hạn chế”, Phó Thủ tướng cho biết.
Bên cạnh phần trình bày và đối thoại, thảo luận, Diễn đàn đã chứng kiến lễ ký kết của các quỹ đầu tư với đối tác Việt Nam. Nổi bật trong đó phải kể đến việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư và quỹ Golden Gate Ventures, đại diện cho 18 quỹ đầu tư mạo hiểm, ký kết Bản ghi nhớ hợp tác để phát triển startup và các tổ chức trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, với cam kết tổng đầu tư 425 triệu USD, tương đương khoảng 10.000 tỷ đồng, trong 3 năm tới.
Ngoài ra còn có Quỹ đầu tư DT&I Hàn Quốc quyết định đầu tư cho start-up Propzy số tiền 1,4 triệu USD trong quý II năm nay. Propzy là nền tảng giao dịch bất động sản, được sáng lập và điều hành bởi doanh nhân người Mỹ gốc Việt John N. Le. Tháng 7/2015, startup này chính thức ra mắt thị trường Việt Nam.
Quỹ VinaCapital Ventures cũng chính thức tuyên bố hợp tác chiến lược với hai tập đoàn Mirae Asset Global Investments và Naver Asia Growth Fund, với kỳ vọng mang lại nguồn tài chính 100 triệu USD trong 3 năm tới cho các doanh nghiệp trong danh mục đầu tư của quỹ và tăng thêm những cơ hội giúp doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài khu vực Đông Bắc Á và Bắc Mỹ, kết nối vào mạng lưới kinh doanh toàn cầu.
Đại diện phòng Thương mại Châu Âu (EuroCham) thì chia sẻ cơ hội tiếp cận quỹ mới nhất dành cho các startup toàn cầu của EU trị giá 3 tỷ euro.
Dự kiến, Vietnam Venture Summit 2019 sẽ tiếp tục được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 12/6/2019 tới.