Mặc dù có nhiều nỗ lực cải cách quản trị giáo dục đại học, nhưng các trường đại học công lập Việt Nam vẫn có rất ít quyền tự chủ thực sự trong quản trị và hoạt động của mình, đồng thời vẫn phụ thuộc nhiều vào chính phủ quốc gia về hướng đi và cách thức quản lý vấn đề, đặc biệt là các vấn đề tài chính.

Sinh viên ngành địa chất của Đại học Bách khoa TPHCM trong giờ thực hành. Nguồn: sggp.org.vn
Sinh viên ngành địa chất của Đại học Bách khoa TPHCM trong giờ thực hành. Ảnh: sggp.org.vn

Lãnh đạo trường đại học hầu như không có cơ hội thực hành vai trò quản trị thực sự của họ, mà đúng hơn, phải thực thi một cách thụ động các chính sách và hướng dẫn của chính phủ. Từ góc nhìn học thuật, sự hạn chế về quyền tự chủ thực sự đã ngăn cản các trường đại học công lập nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu và quốc tế hóa, “ức chế sự quản lý và lãnh đạo linh hoạt đại học”. Bài viết dưới đây phân tích ở mức độ nào và bằng cách nào Việt Nam có thể học hỏi từ các nước/vùng lãnh thổ láng giềng, bao gồm Hồng Kông, Thái Lan, và Trung Quốc, về các xu hướng khác nhau và các phương pháp thay thế để cấp quyền tự chủ cho các tổ chức giáo dục đại học.

Hồng Kông được chọn bởi có danh tiếng quốc tế với thành tích cao trong cả hiệu suất học tập và quản trị đại học công; trong khi Thái Lan được chọn vì đạt được những tiến bộ đầy ấn tượng trong quản trị đại học công, chuyển từ một quốc gia bị đánh giá “thấp” trong quản trị đại học công lập (gần như chỉ ngang bằng với Việt Nam) để tiến lên một quốc gia được xếp hạng “trung bình”. Trung Quốc, với bối cảnh văn hóa và chế độ chính trị do Đảng Cộng sản lãnh đạo, tương tự như bối cảnh Việt Nam, đã đạt được những thành công đáng kể trong việc đổi mới quản trị GDĐH và phát triển cái gọi là “hệ đại học ưu tú”.

Từ từ đến triệt để

Ở Đặc khu hành chính Hồng Kông, nhờ có cuộc cải cách quản trị GDĐH toàn diện và tích cực năm 2002, quyền tự chủ hoàn toàn đã được trao cho tất cả tám trường đại học công lập. Mỗi trường đại học ở Hồng Kông do đó là “một cơ quan tự trị với Quy định và Hội đồng quản trị của riêng mình”. Được cấp một mức độ đầy đủ về quyền tự chủ thực chất (tự chủ lựa chọn) và quyền tự chủ thủ tục (tự do hành động), các trường đại học của Hồng Kông được tự do đáng kể hoặc tự do lựa chọn trong sáu lĩnh vực chính, đó là kiểm soát chương trình giảng dạy và các tiêu chuẩn học tập, tuyển chọn giảng viên, tuyển sinh, đánh giá hiệu quả của giảng viên, bắt đầu và chấp nhận các chương trình nghiên cứu, và phân bổ nội bộ các nguồn quỹ và nguồn lực mặc dù các trường được hỗ trợ đáng kể bởi các quỹ công.

So với bối cảnh Hồng Kông, Trung Quốc đã có những nỗ lực khá sớm trong cải cách quản trị GDĐH nhưng lại lựa chọn cách tiếp cận từ từ từng bước. Giống như các trường đại học đối tác ở phương Tây, các trường đại học công ở Trung Quốc, nhờ chính sách phi tập trung, hiện nay có nhiều tự do hơn trong việc thiết kế chương trình giảng dạy, cải cách hệ thống tuyển sinh riêng và bổ nhiệm các phó chủ tịch và các lãnh đạo cấp cao khác, và các trường đại học uy tín hơn của Trung Quốc có quyền tự chủ cao hơn.

Theo chính sách phi tập trung của Chính phủ Trung Quốc, các trường đại học công lập của Trung Quốc thường được khuyến khích “tự hành động” và “tự ra quyết định riêng”. Quyền tự chủ trong các hoạt động nội bộ được cấp cho các trường đại học công lập của Trung Quốc có đầy đủ năng lực trong việc đánh giá hiệu quả học tập của giảng viên và nhà nghiên cứu, cũng như lập kế hoạch, soạn thảo, thực hiện kế hoạch phát triển của riêng mình, thiết lập cơ quan quản lý riêng và phân phối tài nguyên cho phù hợp với tình hình và mục đích riêng.

Chính phủ Trung Quốc có lập trường rõ ràng về giảm thiểu can thiệp hành chính không cần thiết trong các vấn đề quản trị nội bộ của trường đại học, mặc dù được viết thành luật rằng quyền quản lý tối cao của Đảng CS Trung Quốc về vấn đề GDĐH đã được hợp pháp hóa và thể chế hóa.

Còn ở Thái Lan, nhìn chung, hệ thống quản trị GDĐH của nước này tự do hơn chính bản thân nó so với trước đây và so với các hệ thống quốc gia bảo thủ hơn trong khu vực. Thành công của Thái Lan trong cải cách quản trị GDĐH được đánh giá cao hơn khi được tiến hành trong điều kiện hạn chế về các nguồn lực do nhà nước cung cấp. Các đặc điểm chính của hiện trạng hệ thống quản trị GDĐH của Thái Lan là sự tham gia thấp của Chính phủ vào việc quản trị các trường đại học và quyền tự chủ đại học hoặc quản trị tự chủ cao tương ứng, như Ngân hàng Phát triển Châu Á (2012) quan sát, “sự tham gia của chính quyền trung ương trong việc quản lý các cơ sở GDĐH là tương đối thấp, nếu không nói là hoàn toàn vắng mặt. Về kiểm soát quốc gia, cơ sở GDĐH Thái Lan dường như được hưởng sự tự do và linh hoạt đáng kể.”

Chính phủ Thái Lan thừa nhận rằng sự tham gia cao của chính quyền trung ương thông qua hệ thống quan liêu của Thái Lan ngăn cản các trường đại học nâng cao kiến thức, nâng cao hiệu quả học tập và tự do học thuật, và khó khăn trong việc cung cấp một nền giáo dục đáp ứng được nhu cầu của xã hội và kinh tế quốc gia phát triển. Do đó, thay vì kiểm soát chặt chẽ và quản lý vi mô các trường đại học, Chính phủ Thái Lan tuân theo nguyên tắc chủ đạo là điều hành các trường đại học bằng cách cấp cho họ nhiều quyền tự do “được hướng dẫn” hơn nhưng đồng thời trao quyền và trách nhiệm cho mỗi trường.

Gợi ý cho Việt Nam

Những thành công trong cải cách quản trị GDĐH ở Hồng Kông, Thái Lan và Trung Quốc gợi ý rằng Việt Nam cần khẩn trương thực hiện cải cách quản trị GDĐH tập trung vào việc trao quyền tự chủ thực sự. Mặc dù nhiều cải cách quản trị GDĐH ở Việt Nam được ban hành trước đây đã đề cập đến mảng tự chủ đại học như là một trong những mảng cần cải cách, nhưng không giống như các nước láng giềng Đông Á khác, Việt Nam chưa bao giờ đưa ra cải cách quản trị GDĐH trong lịch sử với mục tiêu chiến lược là tập trung trao tự chủ thực sự cho các trường đại học của Việt Nam.

Trong một cuộc cải cách quản trị GDĐH tập trung vào việc trao quyền tự chủ thì quyền tự chủ thực sự có thể được cấp cho các trường đại học theo hai cách.

Cách thứ nhất, để thực sự trao quyền cho các trường đại học, cần loại bỏ sự can thiệp không cần thiết của nhà nước trong các vấn đề nội bộ của trường đại học, như có thể thấy từ kinh nghiệm của Hồng Kông, Trung Quốc và Thái Lan.

Cách thứ hai, các cơ quan quản lý nội bộ (tức là Hội đồng trường, Ban giám hiệu và những bên khác) phải được trao quyền để đưa ra các quyết định liên quan đến các khía cạnh quan trọng của quản trị, bao gồm cả việc tạo động lực để đạt được thành tựu học thuật xuất sắc, đồng thời chịu trách nhiệm giải trình về các quyết định đã đưa ra và về các nhiệm vụ mà các trường đã cam kết thực hiện.

Về vai trò của các chính phủ quốc gia, các bài học kinh nghiệm từ Trung Quốc, Hồng Kông và Thái Lan đều cho thấy chính phủ quốc gia vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc chỉ đạo từ xa để quản trị các trường đại học với nhiều hình thức. Ví dụ về các hình thức chỉ đạo từ xa mới, là sự ra đời của các hệ thống đảm bảo chất lượng; quản lý vi mô nhà nước ít hơn và tăng cường quyền tự chủ cho các trường; cấu trúc quản trị nội bộ mới; nhấn mạnh hơn về phát triển chiến lược cho các trường; trách nhiệm giải trình công khai rõ ràng trong các công việc nội bộ; tăng cường quan hệ đối tác với doanh nghiệp và với các ngành; hợp đồng và các thỏa thuận nhiều năm giữa chính phủ và các trường đại học; cơ chế tài trợ đầu ra mới (hệ thống tài trợ công một lần); đủ mức tài trợ; tăng nguồn tài chính cho các trường đại học; và tăng quyền tự chủ tài chính cho các tổ chức giáo dục đại học.

Để trao quyền tự chủ thực sự cho các trường đại học, các chính quyền ở Hồng Kông, Thái Lan và Trung Quốc đã tiếp cận chiến lược quản trị GDĐH và sử dụng các hình thức quản lý khác nhau bằng cách đảm bảo chất lượng học tập, duy trì trách nhiệm giải trình của các trường đại học, kích thích khả năng tự điều tiết của trường đại học thông qua các điều khoản của các quy định và khung chính sách. Nói cách khác, chính phủ không nên can thiệp vào hệ thống quản trị GDĐH bằng các phương tiện truyền thống gồm các quy định chi tiết và kiểm soát quá chặt chẽ.

Tuy nhiên, việc cấp quyền tự chủ thực sự cho trường đại học cần phải cẩn trọng vì quyền tự chủ có thể được xem như một đường kết nối có hai thái cực, từ một thái cực là trao quyền tự trị tối đa nội bộ cho đến một thái cực khác là kiểm soát bên ngoài (thường là nhà nước).

Bài học kinh nghiệm từ Trung Quốc, Hồng Kông và Thái Lan gợi ý rằng thay vì đi sâu vào một thái cực là cấp quyền tự chủ tối đa (không có sự can thiệp của nhà nước) hoặc vào một thái cực khác là thực hiện quyền kiểm soát tối đa của chính phủ (không trao quyền tự chủ cho các trường đại học), Việt Nam nên duy trì mức độ cân bằng giữa việc giao quyền tự chủ cho trường đại học đồng thời với việc hướng dẫn và hỗ trợ của nhà nước để giúp các trường thực hiện quyền tự chủ. Nếu làm được điều đó thì Việt Nam sẽ có thể bắt kịp xu hướng quốc tế về việc tăng cường quyền tự chủ cho các trường đại học và thay thế sự tham gia trực tiếp của Bộ GD&ĐT bằng các tổ chức đệm trung gian, cơ quan chủ quản, ban quản trị, Hội đồng trường và các cơ quan tương tự.

Tài liệu tham khảo:

Bauer, M., Marton, G. S., Askling, B., & Marton, F. (1999). Transforming universities: Changing patterns of governance, structure and learning in Swedish Higher Education. London: Jessica Kingsley Publishers.

Braun, D., & Merrien, F.-X. (1999). Governance of universities and modernisation of the State: Analytical aspects. In D. Braun & F.-X. Merrien (Eds.), Towards a new model of governance for universities: A comparative view. London and Philadelphia: Jessica Kingsley Publishers.

CHEPS. (2010). Progress in higher education reform in Europe: Governance reform.

Gao, J. (2012). Higher education policy in China 1992-2010: A genealogical analysis of the enterprise university. Queensland University of Technology, Queensland, Australia.

Hayden, M., & Khanh V. (2009). Principles for the governance of 'World Class', public sector universities. Hanoi: ADB.

Hayden, M., & Khanh.V. (2010). Private higher education in Vietnam. In G. Harman, M. Hayden & P. Nghi (Eds.), Reforming higher education in Vietnam: Challenges and priorities. Dordrecht: Springer

McLendon, M. K., & Ness, E. C. (2003). The politics of State higher education governance reform. Peabody Journal of Education, 78(4), 66-88.

McNay, I. (1999). Changing cultures in UK higher education - The state as corporate market bureaucracy and the emergent academic enterprise. In D. Braun & M. F-X (Eds.), Towards a new model of governance for universities? A comparative view. London: Jessica Kingsley.

MoE. (1998a). Action scheme for reinvigorating education toward the 21st century.


MoE. (1998b). Higher education law of the People's Republic of China.

Ngo, T. M. (2014). A Quest for a New Model of Public Unviersity Governance that Promotes Incentives for Academic Excellence for Modern Vietnam: Lessons from multi-site comparative case studies in East Asia. Award Winning Phd Thesis. School of Education. The University of New South Wales.

St. George, E. (2010). Higher education in Vietnam: 1986-1998: Education in transition to a new era. In G. Harman, M. Hayden & T. N. Pham (Eds.), Reforming higher education in Vietnam (pp. 31-49). New York, London: Springer.

Pham, T. L. (2009). Building an effective university governance system (Xây dựng một hế thống quản trị đại học hiệu quả). Paper presented at the Renovating Vietnamese Higher Education: Two Milestone at the Beginning of the Century (Đổi mới giáo dục đại học Việt nam, hai thời khắc đầu thế kỷ).

Guangkuan, X. (2013). Seeking a roadmap to becoming world class: Strategic planning at Peking university. Research and Occasional Paper Series: CSHE.

Lim, D. (1999). Quality assurance in higher education in developing countries. Assessment and Evaluation in Higher Education, 24(4), 379-389.
Leung, T. P., Ko, E., Mah, P., Moore, P., Spinks, J., Sung, J. (2005). Education quality work: The Hong Kong experience: A handbook on good practices in assuring and improving teaching and learning quality.

The Carnegie Commission on Higher Education. (1973). Governance of higher education: Six priority problems. New York: McGraw-Hill.


The World Bank. (2012). Putting higher education to work: Skills and research for growth in East Asia.

The World Bank. (2013). China 2030. Building a modern, harmonious, and creative society: Development Research Centre of the State Council, the People's Republic of China.
UGC. (2002). Higher education in Hong Kong: Report of the University Grants Committee. Hong Kong: UGC.

UGC. (2010). Aspirations for the higher education system in Hong Kong: Report of the University Grants Committee. Hong Kong: UGC.


UNESCO. (2006). Higher education in South-East Asia. Bangkok: UNESCO Bangkok

Varghese, N. V. (2004). Institutional restructuring in higher education in Asia: Trends and patterns. Paper presented at the Policy Forum on Institutional Restructuring in Higher Education in Asia.


Varghese, N. V. (2012). Drivers of reforms in higher education. In B. Adamson, J. Nixon & F. Su (Eds.), The reorientation of higher education: Challenging the East-West Dichotomy. Hong Kong: Springer.

Welch, A. (2007). Governance issues in South East Asian higher education: Finance, devolution and transparency in the global era. Asia Pacific Journal of Education, 27(3), 237-253.

Wilkinson, B. (2008). Choosing success: The lessons of East and Southeast Asia and Vietnam's future. A policy framework for Vietnam's socioeconomic development, 2011-2020: Harvard Vietnam Program.
UGC. (2012). Notes on procedures. Hong Kong: UGC.

Yang, R., Vidovich, L., & Currie, J. (2007). Dancing in a cage: Changing autonomy in Chinese higher education. Higher Education, 54(4), 575-592.