Tại Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập (1989 - 2019), Viettel tuyên bố mục tiêu kiến tạo xã hội số. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến tham dự và trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho tập đoàn Viettel.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan cơ sở hạ tầng của Viettel.
Thành lập năm 1989, Sigelco (tiền thân của Viettel) có nhiệm vụ chuyển một phần cán bộ kỹ thuật giàu kinh nghiệm của quân đội sang làm kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Sau 30 năm, Viettel trở thành một trong 30 công ty viễn thông lớn nhất thế giới, nằm trong nhóm 500 thương hiệu có giá trị nhất toàn cầu, có mặt tại 17 quốc gia, trong đó đầu tư và kinh doanh tại 10 thị trường nước ngoài.
Từ ngành nghề chính ban đầu là xây lắp công trình viễn thông, đến nay Viettel đã phát triển thêm 5 ngành nghề mới là ngành dịch vụ viễn thông & CNTT; ngành nghiên cứu sản xuất thiết bị điện tử viễn thông, ngành công nghiệp quốc phòng, ngành công nghiệp an ninh mạng và ngành cung cấp dịch vụ số.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: “Viettel là minh chứng sống động cho hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước trong các lĩnh vực trọng yếu, tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội, đánh tan quan niệm doanh nghiệp nhà nước khó có thể làm ăn hiệu quả. Viettel cho thấy bài học, cho dù là doanh nghiệp trong thành phần kinh tế nào thì con người, quản trị là mấu chốt của thành công”.
Cũng tại buổi lễ, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, Chủ tịch kiêm TGĐ Tập đoàn Viettel tuyên bố sẽ tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin, tiên phong trong lĩnh vực công nghệ và công nghiệp, thực hiện chuyển đổi số và kiến tạo xã hội số ở Việt Nam. Trước hết là chuyển đổi chính Viettel trở thành một tổ chức số, được vận hành trên nền tảng số. Chỉ trong 2 năm (2019 và 2020), Viettel sẽ phải thực hiện chuyển đổi số thành công.
Với mục tiêu đó, Viettel sẽ đẩy mạnh 3 ngành công nghiệp công nghệ cao là công nghiệp điện tử viễn thông, công nghiệp quốc phòng và công nghiệp an ninh mạng nhằm bắt nhịp cùng thế giới trong cuộc cách mạng 4.0, đồng thời góp phần quan trọng bảo vệ vững chắc an ninh, chủ quyền của đất nước trên cả không gian thực và không gian ảo.
Trước mắt, Viettel đầu tư để sớm nhất triển khai thương mại hóa công nghệ siêu băng rộng 5G, tạo ra hạ tầng kết nối IoT rộng khắp để kết nối hàng tỉ thiết bị, quản lý và điều khiển tự động với tốc độ siêu nhanh, không độ trễ. Cùng với đó, Viettel tiên phong phát triển và cung cấp các ứng dụng, dịch vụ số, gồm thanh toán số - Mobile money, nội dung số, nhất là là trong lĩnh vực giáo dục, thương mại điện tử, công cụ tìm kiếm và mạng xã hội. Với tiềm lực đã tích lũy, Viettel sẽ chủ động tham gia xây dựng Chính phủ điện tử, tập trung xây dựng các cở sở dữ liệu công dân, dữ liệu tài nguyên quốc gia.
Thiếu tướng Lê Đăng Dũng cho biết: “Chỉ có một cách duy nhất để bảo tồn lịch sử là xây dựng tương lai. Những kỳ tích lớn lao nhất của Viettel vẫn đang chờ được tạo nên ở phía trước. Đó là trách nhiệm của Viettel cũng chính là lời hứa của Viettel. Viettel sẽ tiếp tục duy trì sứ mệnh “Sáng tạo vì con người” để luôn bảo vệ và phụng sự cho Tổ quốc, góp phần hưng thịnh đất nước”.
Viettel được đánh giá là một trong những doanh nghiệp Nhà nước có quy mô lớn và hiệu quả nhất Việt Nam. Tính từ năm 2000 tới nay, Viettel đã tạo ra hơn 1,78 triệu tỷ đồng doanh thu; lợi nhuận đạt 334 ngàn tỷ đồng; vốn chủ sở hữu 134 ngàn tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận/ vốn chủ sở hữu thường xuyên đạt từ 30-40%. Viettel cũng đã chi 3.500 tỷ đồng thực hiện các chương trình xã hội. Viettel đã 2 lần đón nhận danh hiệu Anh hùng (Anh hùng lao động- năm 2007; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân- năm 2013). |