Khi phải chọn một từ để nói về sự kiện ra mắt sáng kiến Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, giáo sư Ngô Bảo Châu nhắc lại bài thơ “Đánh thức tiềm lực” của nhà thơ Nguyễn Duy và khẳng định là ông tin vào “tiềm lực” của Việt Nam.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng tin rằng: “Chỉ có người Việt chúng ta, miền xuôi hay miền ngược, đô thị hay nông thôn, trong nước hay nước ngoài mới phải nhận lãnh sứ mệnh đối với sự phát triển của đất nước chúng ta”. Ngày hội hôm 19.8 vừa rồi, thật sự đẩy cảm xúc và thổi bùng ngọn lửa mong muốn quay về cống hiến cho đất nước của hơn 100 nhà khoa học trên toàn thế giới.
Các diễn giả của cuộc thảo luận "Kiến tạo giá trị cùng chia sẻ" ngày 19/8 trong khuôn khuổn Vietnam innovation network trao đổi trước khi bắt đầu chương trình. Ảnh: K.Chinh
Cốt lõi là tâm thế muốn trở về
Ông Võ Quang Huệ, người có 24 năm làm lãnh đạo của tập đoàn ô tô BMW trước khi quyết định quay về hiện thực hoá giấc mơ xe ô tô Made in Vietnam chia sẻ: “Tôi đọc báo cáo, thấy có mấy chục ngàn người nước ngoài đang giữ các vị trí lãnh đạo tại Việt Nam, bao gồm cả tập đoàn quốc tế và doanh nghiệp trong nước. Đó là con số đáng quan tâm. Vì chắc chắn cơ hội làm việc, đãi ngộ cũng như môi trường công tác sẽ không thể thua kém những nơi khác trên thế giới nhiều. Vậy cái cốt lõi, là tâm thế muốn về, muốn góp một chút sức vào sự phât triển của quê hương mình, chắc chắn sẽ tìm được cách mà...”.
Ông Joseph Huỳnh, một người từ Úc về khởi nghiệp với công ty giải pháp công nghệ Candylio - đã bán được sản phẩm cho bộ Quốc phòng Mỹ lẫn tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới JP Morgan đồng tình với chia sẻ này: “Văn hoá thì có khác nhau, nên sẽ có đôi chút bỡ ngỡ khi mới về. Chẳng hạn Việt Nam thời tiết nóng quá, người ta chạy xe máy ẩu quá... Nhưng có ở đâu không có vấn đề này vấn đề khác, nhiều vấn đề thì mới cần mình về để giải quyết chứ. Tôi tin là có ba yếu tố quan trọng để chúng ta có thể tạo ra sự thay đổi: con người, công cụ và văn hoá. Con người chúng ta, như 100 anh chị ngồi đây là tiêu biểu cho tài năng người Việt, công cụ giờ thì đâu có khó tìm, chỉ cần dành thời gian cho sự phát triển văn hoá, mà tôi gọi là phải “canh tác”, tức là tìm những mảnh đất tốt, gieo những hạt giống tốt, chăm bón mỗi ngày để có thể chờ đến lúc thu hoạch, đâu thể nào có cái gì sẵn đâu... Tôi ở Úc lâu lắm, nhưng đi đâu nghe loáng thoáng tiếng Việt là tự dưng thấy vui, nên về đây ngày nào cũng nghe tiếng Việt, thấy được lý do vì sao mỗi sáng mình hào hứng thức dậy đi làm...”.
Cái cảm giác của ông Joseph, được giáo sư Ngô Bảo Châu định nghĩa bằng khái niệm “cảm thấy có liên quan”. “Tình yêu nước có nhiều cung bậc khác nhau, nhưng có thể bắt đầu bằng giai đoạn đầu là cảm giác có liên quan. Chẳng hạn, chúng ta thấy một đứa trẻ ở vùng cao không được mặc đủ ấm, tự dưng thấy mình có trách nhiệm, hay thấy một đứa trẻ khác không có điều kiện theo đuổi ước mơ, mình cũng thấy liên quan, cần làm cái gì đó. Tôi về Việt Nam, và thấy sự gắn kết này ngày càng mạnh mẽ hơn. Bây giờ, điều làm tôi hạnh phúc là thấy cộng đồng khoa học trong nước ngày càng đông hơn, một cách tự nhiên, có nhu cầu thì mọi người sẽ về. Tôi lại tìm ra vẻ đẹp kỳ lạ của những người Việt mà mình có cơ duyên gặp mỗi ngày, làm tôi thấy hạnh phúc hơn mỗi ngày”.
Giáo sư Châu chia sẻ một ví dụ về vẻ đẹp kỳ lạ làm anh thấy hạnh phúc: “Đó là khi cùng những người bạn nghĩ rằng mình nên làm một ít sách nói cho người mù, thì tìm được một địa chỉ tin cậy. Tuy nhiên, sự khó tính của người phụ nữ đối tác làm tôi rất không vui, nhưng tôi quyết tâm đến gặp để thực hiện việc mình muốn làm. Tôi hoàn toàn bất ngờ khi đó là một người rất xinh đẹp nhưng bị tai nạn cướp đi đôi chân và vẫn đang mỗi ngày ăn mòn phần chân còn lại. Sự đau đớn mà cô phải chịu đựng là không thể tưởng tượng nổi, nhưng cô vẫn dành toàn bộ cuộc đời mình để làm sách nói, mang tri thức đến cho những người thiệt thòi không đọc được. Có vẻ đẹp nào đẹp hơn như vậy? Có ở đâu trên cuộc đời này chúng ta tìm được những người bạn hay như vậy?”.
Và đối thoại về con cá hồi
Lễ công bố diễn ra rất khác với hình dung của mọi người, khi mà hơn 2.000 khách mời, kể cả phó thủ tướng và trưởng ban tổ chức trung ương cùng 6 vị bộ trưởng ngồi đến phút cuối để nói hết những lời ruột gan ra cùng nhau. Giáo sư Nghiêm Đức Long từ Úc nói một câu làm nhiều người bật khóc: “Chúng tôi như những con cá hồi, bản năng là quay từ biển lớn về nơi mình được sinh ra, vì một thế hệ trẻ...”.
Vị giáo sư còn rất trẻ nhưng đã hướng dẫn đến 21 luận văn tiến sĩ quốc tế bảo: “Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bảo rằng nhà nước sẽ tạo ra một vườn hoa, để những nhà khoa học sẽ như những con ong chăm chỉ làm nên mật ngọt. Nhưng tôi muốn mượn một hình ảnh khác: con cá hồi, sinh ra ở vùng nước sạch và tìm cách ra biển lớn. Anh em chúng tôi hay nói về những thành công nho nhỏ của mình, nhưng thật ra chúng tôi thất bại nhiều hơn, phần lớn là thất bại, nhưng không bỏ cuộc, như con cá hồi cuối cùng cũng ra được biển lớn. Chúng tôi cũng góp phần làm được chuyện gọi là mang chuông đi đấm xứ người rồi, giờ mang cái chuông ấy ngược chiều trở về thì đúng là rất khó khăn. Nhưng bản năng của cá hồi là trở về...”.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời ngay: “Hình ảnh con cá hồi quá đẹp. Chính phủ sẽ phải làm mọi cách để các bạn quay về và con cá hồi đẻ trứng, và đẻ xong sẽ không bị chết nữa...”. Rồi ông chia sẻ về ngày đặc biệt, 19.8, khi bắt đầu Cách mạng tháng 8, về những vận hội mà đất nước đang đứng trước, và đang phải tìm cách để nắm lấy và vượt lên trên. Ông nói nhiều về những khó khăn, những vất vả và những nỗ lực mà những nhà khoa học đã phải trải qua để khẳng định trí tuệ của người Việt trên thế giới, và giờ là lúc để đưa ra những hành động thực tiễn, để “cùng nắm tay nhau đi về phía tương lai”.
Tiến sĩ Lê Viết Quốc, nhà sáng lập Google Brain nói rất thẳng: “Tin xấu là chúng ta có vẻ chưa sẵn sàng cho cách mạng 4.0, khi mà những bảng xếp hạng đại học quốc tế không có tên Việt Nam ở những vị trí phía trên, hay như trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, chúng ta cũng chẳng có một bài báo nghiên cứu khoa học nào xuất phát từ Việt Nam cả. Tin tốt, là chúng ta bỗng sở hữu hàng loạt cái tên rất tốt, những công trình rất tốt của người Việt đang làm việc ở khắp nơi trên thế giới. Nếu các cuộc cách mạng công nghiệp lần trước làm cho một số quốc gia giàu lên, thì liệu rằng cách mạng công nghiệp 4.0 có làm cho Việt Nam giàu lên không?”.
Xin được kết lại bài viết bằng từ duy nhất phải chọn để nói về chương trình Vietnam Innovation Network của phó giáo sư Trần Thị Như Hoa (Hàn Quốc) - người đang giữ kỷ lục nữ phó giáo sư trẻ nhất: “Yêu”. Với chị, và với hơn 100 nhà khoa học đã về dự chương trình, họ bắt đầu bằng tình yêu dành cho quê mình, và bây giờ, tình yêu đó đã được thổi bùng lên, và đang bắt đầu được nuôi dưỡng liên tục để hành trình trở về của họ sẽ dễ dàng và mang theo nhiều giá trị nhất.