Chuyển đổi số không chỉ đem lại nhiều dữ liệu cho ngành Y tế mà còn mở ra rất nhiều cơ hội nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và cả cơ hội khởi nghiệp.

Cuộc thảo luận giữa hai thành viên của Tổ chức các Nhà Khoa học và Chuyên gia toàn cầu (AVSE Global) là TS.Lưu Vĩnh Toàn, chuyên gia ngành KH dữ liệu ở Thụy Sĩ, và TS. Nguyễn Thu Hiền, chuyên gia Sinh y ở Đan Mạch, sẽ cho chúng ta thấy rõ điều này.

TS. Nguyễn Thu Hiền (bìa trái) trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp trong nước. Nguồn: AVSE Global
TS. Nguyễn Thu Hiền trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp trong nước. Nguồn: AVSE Global

Trong đại dịch, bạn và các chuyên gia trong AVSE Global đã lập dự án Task Force Covid-19 năm 2021 để cùng đồng nghiệp trong nước tham gia chống dịch. Vậy những điều rút ra từ dự án là gì?


Cá nhân tôi cho rằng, nếu nhìn vào một mặt tích cực, COVID-19 có thể coi là chất xúc tác thúc đẩy lĩnh vực y tế phát triển, đặc biệt trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Thông qua việc điều hành Covid Task Force mà tôi đúc kết được ba điều liên quan đến chuyên môn, đó là:

Thứ nhất, hệ thống dữ liệu, số hóa, chuyển đổi số trong ngành Y tế vẫn là một câu chuyện khá đau đầu ở Việt Nam. Từ năm 2017 đến thời điểm hiện tại, Bộ Y tế đã và đang từng bước xây dựng và hình thành hành lang pháp lý làm cơ sở cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực Y tế. Một số ví dụ điển hình chúng ta có thể nhận thấy như: Hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho việc lưu trữ, quản lý, khai thác dữ liệu tập trung; Thống kê y tế điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử, v.v. Nhưng điều này mới chỉ nằm ở sự quyết tâm ở tầm cao. Ở tuyến y tế cơ sở, ngay cả tại các thành phố lớn, thì việc ứng dụng công nghệ thông tin trên cả nước vẫn còn khá thấp, và hầu như chỉ nằm trên giấy. Trong giai đoạn Task Force diễn ra, nhóm Công nghệ đã cố gắng xây dựng những mô hình dự đoán sớm COVID-19 tại các tỉnh thành, và đã gặp rất nhiều khó khăn liên quan đến nguồn số liệu. Trong khi đó chúng ta biết là về mặt công nghệ và nền tảng số, việc hệ thống hóa, giải quyết những vướng mắc ở địa phương trong việc chia sẻ dữ liệu sẽ giúp việc chia sẻ thông tin được thuận lợi.

Thứ hai, nếu nhìn một cách nghiêm túc, hạ tầng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế chỉ mới đáp ứng ở mức độ cơ bản, khá nhiều bệnh viện có hạ tầng công nghệ thông tin lạc hậu, và phải thao tác thủ công mất nhiều thời gian. Đặc biệt là tuyến y tế cấp cơ sở, các hệ thống vận hành công nghệ thông tin mới chỉ dừng lại việc giải quyết nhu cầu hiện tại mà không có một kế hoạch cho các nhu cầu ứng dụng dài hạn.

Thứ ba, giống như đã đề cập ở phần trên, về tính hệ thống và kết nối của chúng ta chưa tốt. Hệ thống thông tin ở Việt Nam vẫn còn phân tán, tách rời, mạnh ai nấy làm, không tuân thủ theo các tiêu chuẩn quốc tế, do đó khó có thể tích hợp và liên kết dữ liệu y tế.

Vậy Đan Mạch, nơi bạn sống và làm việc, thì việc số hóa chắc đã diễn ra sớm và tạo điều kiện thuận lợi cho sự kết nối?

Tính thống nhất, liên kết và kết nối trong sự đầu tư vào cơ sở hạ tầng và liên tục số hóa ngành chăm sóc sức khỏe của Đan Mạch rất rõ ràng; COVID-19 chính là một minh chứng rõ ràng về tính hiệu quả. Ngoài cơ sở hạ tầng video và dữ liệu tiêm chủng được số hóa, kết quả xét nghiệm cũng vậy (bao gồm kết quả xét nghiệm COVID- 19) đã được chia sẻ qua cơ sở dữ liệu toàn quốc và được cung cấp cho bệnh nhân thông qua ứng dụng “My Doctor”. Điều này có nghĩa là các giải pháp kỹ thuật số và cơ sở hạ tầng hiện đã được sử dụng để hỗ trợ chiến lược thử nghiệm rộng rãi của Đan Mạch và giúp Đan Mạch mở cửa trở lại xã hội với tốc độ sớm hơn và nhanh hơn nhiều so với hầu hết các nước châu Âu.

Ngành y tế là một trong những lĩnh vực khó khăn nhất trong lĩnh vực khởi nghiệp. Các yếu tố như quy tắc pháp lý nghiêm ngặt, tiêu chuẩn bảo mật cao và sự phức tạp của các mối quan hệ chăm sóc sức khỏe khiến hầu hết các doanh nghiệp mong muốn cung cấp sản phẩm mới khó tiếp cận thị trường, để thành công, cần phải hiểu thấu đáo về các rào cản, nắm rõ các thông tin trước khi khởi nghiệp trong lĩnh vực y tế.

Bài học về sự thành công của Đan Mạch trong việc đối phó, kiểm soát với đại dịch COVID-19 còn là câu chuyện phân công “đúng việc-đúng người- đúng chuyên môn”. Các quyết sách của chính phủ dựa trên sự tư vấn của các nhà chuyên môn để xây dựng những giải pháp dựa trên cơ sở khoa học, và tính minh bạch.

Những vấn đề bạn vừa nêu rất thiết thực và trùng khớp với những cảm nhận của tôi vì nó liên quan đến lĩnh vực Công nghệ thông tin mà tôi đang làm. Tôi cũng nghĩ bệnh tật chỉ có thể điều trị hiệu quả nếu ta nắm được càng nhiều thông tin về nó càng tốt, đặc biệt với một đại dịch có ảnh hưởng diện rộng. Vậy những đổi mới sáng tạo trong ngành Y Đan Mạch gợi mở những suy nghĩ gì ở bạn?

Có bốn điều về Đổi mới sáng tạo trong Y khoa tại Đan Mạch mà tôi vô cùng tâm đắc:

Thứ nhất, Đan Mạch xác định rất rõ ràng về vai trò của việc nắm bắt các giải pháp đổi mới và kỹ thuật số - hai yếu tố tạo thành xương sống trong cách tiếp một hệ thống chăm sóc sức khỏe bền vững. Đổi mới trong chăm sóc sức khỏe có thể được củng cố bằng cách trao quyền cho bệnh nhân và bằng cách đưa các cơ quan y tế công cộng và ngành tư nhân vào quan hệ đối tác đáng tin cậy.

Thứ hai, đổi mới là cả một quá trình chuẩn bị lâu dài, có định hướng, quy trình bài bản và kỹ lưỡng từ những thứ nhỏ nhất. Đan Mạch đã có truyền thống lâu đời trong việc làm việc với sự đổi mới trong chăm sóc sức khỏe và tuân theo nguyên tắc bắt đầu từ quy mô nhỏ nhưng đảm bảo khả năng nhân rộng các sáng kiến đầy triển vọng.

Thứ ba, các tổ chức hoạt động chuyên biệt trực thuộc Bộ Y tế để hỗ trợ sự phát triển liên tục: ví dụ, Đan Mạch là một trong số ít, và là một trong những quốc gia đầu tiên, thành lập cơ quan quốc gia về y tế điện tử trực thuộc Bộ Y tế. Trong hơn 25 năm, Đan Mạch đã chứng kiến sự triển khai đáng kể các dịch vụ CNTT trong toàn bộ lĩnh vực chăm sóc sức khỏe với các bệnh viện, bác sĩ đa khoa và các thành phố đi đầu.

Thứ tư, một bộ tiêu chuẩn quốc gia được phát triển liên tục để trao đổi dữ liệu chăm sóc sức khỏe. Các tiêu chuẩn này là nền tảng để trao đổi dữ liệu liên quan giữa các bộ phận khác nhau của ngành chăm sóc sức khỏe và được phát triển bởi tổ chức phi lợi nhuận, ví dụ như tổ chức MedCom, tổ chức này liên kết các bên khác nhau trong ngành và hỗ trợ sự phát triển liên tục.

Vậy theo quan sát của bạn, điểm mạnh nhất mà quá trình đổi mới sáng tạo ngành Y Đan Mạch thu được là gì?

Một trong những điểm mạnh nhất và nổi bật trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo Y khoa của Đan Mạch là cách dữ liệu chăm sóc sức khỏe (hồ sơ sức khỏe điện tử) có thể được liên kết trong toàn bộ lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại Đan Mạch. Trung bình có 5,5 triệu tin nhắn kỹ thuật số được trao đổi mỗi tháng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

Một ví dụ khác là Hồ sơ Thuốc dùng chung, được phát triển với mục đích tăng cường an toàn cho bệnh nhân vào năm 2010. Hồ sơ Thuốc dùng chung thu thập tất cả dữ liệu về thuốc của bệnh nhân, cho dù thuốc đó đã được bệnh viện hay bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ gia đình kê đơn. Nó cũng chứa thông tin về việc phân phối thuốc; đơn thuốc được nhận khi nào và tại nhà thuốc nào; cũng như loại thuốc cụ thể được sử dụng. Thông tin này có sẵn cho bệnh nhân thông qua một ứng dụng và nhân viên lâm sàng có thể truy cập và cập nhật Hồ sơ Thuốc dùng chung trực tiếp từ EHR được sử dụng trong bệnh viện hoặc phòng khám tư nhân. Vào năm 2013, dữ liệu tiêm chủng đã được thêm vào Hồ sơ Thuốc dùng chung, điều đó có nghĩa là khi Đan Mạch bắt đầu tiêm vaccine COVID-19, thông tin về tình trạng tiêm chủng của bệnh nhân trên toàn quốc đã được số hóa đầy đủ.

Vậy chắc hẳn là người tham gia vào đội ngũ nhân sự ngành y tế không chỉ có các chuyên gia y khoa?

Ở Đan Mạch, hệ thống Y tế không chỉ bao gồm bác sĩ, y tá và các chuyên gia y tế khác mà trên thực tế, có rất nhiều nhóm chuyên môn khác, cụ thể là các kỹ sư. Họ đang đóng vai trò ngày càng quan trọng thúc đẩy sự đổi mới trong y tế. Theo thống kê từ Hiệp hội Kỹ sư Đan Mạch (IDA), số lượng kỹ sư trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của Đan Mạch đã tăng 22% trong mười năm (2010-2019).

Sự hợp tác chặt chẽ giữa bác sĩ và kỹ sư đang thúc đẩy công nghệ mới, tạo ra sự khác biệt thực sự cho bệnh nhân. Ví dụ điển hình nhất của câu chuyện này là chương trình hợp nhất Y học và Công nghệ vào giữa năm 2003 của giáo sư Liselotte Højgaard. Chương trình được tạo ra với sự hợp tác giữa Đại học DTU và Đại học Copenhagen và nhiều kỹ sư này đã có tác động lớn đến tầm nhìn về cuộc cách mạng công nghệ trong bệnh viện. Bây giờ những ý tưởng mới có thể nảy sinh tại chỗ trong bệnh viện. Có một số ví dụ về những ý tưởng hay đã ra đời vì sinh viên hoặc sinh viên tốt nghiệp của thạc sĩ kỹ thuật đã đứng cạnh bác sĩ, y tá hoặc nhà vật lý trị liệu và có thể giải quyết một nhu cầu cụ thể.

Là người làm trong lĩnh vực thu thập và xử lý dữ liệu, tôi rất muốn biết bạn đánh giá thế nào về vai trò dữ liệu lớn (Big data) và trí tuệ nhân tạo (AI) trong ngành Y khoa?


Theo tôi, dữ liệu lớn (Big data) và trí tuệ nhân tạo (AI) đã cách mạng hóa mọi thứ, đặc biệt, nó đang mang lại những công nghệ tiên tiến trong các hệ thống chăm sóc sức khỏe. Sự cải tiến trong công nghệ thông tin và truyền thông đã dẫn đến một cải tiến rất cần thiết và to lớn trong lĩnh vực y tế, nó đã chuyển đổi hệ thống y tế thông thường và truyền thống thành một hệ thống công nghệ, y tế số. Dữ liệu lớn giúp dễ dàng chẩn đoán bệnh thông qua các hệ thống ảo và thời gian thực. Các phương pháp tiếp cận trí tuệ nhân tạo và học máy sâu thường được trình bày trong nhiều ứng dụng sử dụng dữ liệu lớn, bao gồm tất cả dữ liệu liên quan về sức khỏe y tế và bệnh tật mà một mô hình có thể truy cập tại thời điểm thực hiện hoặc chẩn đoán bệnh.

Ví dụ hiện nay việc sử dụng dữ liệu lớn và AI trong các liệu pháp cá nhân cho bệnh liên quan đến tim mạch là sự kết hợp của việc sử dụng hình ảnh tim mạch chính xác của bệnh nhân, kết hợp với dữ liệu lớn từ bản ghi sức khỏe điện tử và bệnh lý để mô tả rõ hơn bệnh và liệu pháp điều trị phù hợp với từng bệnh nhân. Trong công việc lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh, việc chăm sóc bệnh ung thư đang được cải thiện nhờ hiểu biết về sinh học khối u và giúp triển khai y học chính xác. Nói một cách ngắn gọn thì dữ liệu tốt là cơ sở quan trọng và điều kiện tiên quyết để có thể theo dõi, phân tích đánh giá chính xác phục vụ công tác y tế tiến tới việc đưa ra quyết định đúng đắn dựa trên số liệu (data-driven decision making). Cùng với AI nó cũng tạo điều kiện để áp dụng nền Y học Chính xác và Y học Cá thể (Precision medicine và Personal medicine).

Tuy nhiên việc sử dụng dữ liệu lớn và công nghệ AI trong chăm sóc sức khỏe mặc dù rất thú vị nhưng không phải không có những thách thức. Các thuật toán AI dựa vào việc xác định các mẫu trong lượng dữ liệu khổng lồ. Nếu dữ liệu bị sai lệch, không chính xác, không đại diện cho nhóm bệnh nhân hoặc bị tổn hại theo bất kỳ cách nào, thì kết luận dựa trên chúng cũng sẽ có sai sót. Thêm nữa, tôi vẫn cần nhấn mạnh rằng bất kỳ một sáng kiến chăm sóc sức khỏe nào do AI cung cấp cũng cần lưu tâm đến vấn đề đạo đức xung quanh việc khai thác dữ liệu bệnh nhân, cũng như việc phải bảo vệ quyền riêng tư và thông tin y tế của bệnh nhân.

Tôi nghĩ rằng, chưa có một lúc nào mà khoa học dữ liệu và AI chuyển đổi R&D lại mạnh mẽ như thời kỳ này, nó giúp chúng ta biến khoa học thành y học nhanh hơn và có xác suất thành công cao hơn. Việc áp dụng AI để khám phá và phát triển thuốc mới thực sự là những điều tôi thấy vô cùng ấn tượng, từ quá trình khám phá và phát triển, từ xác định mục tiêu đến thử nghiệm lâm sàng, và cuối cùng để khám phá những hiểu biết mới nhằm tạo ra những loại thuốc mới một cách nhanh hơn và đặc hiệu hơn.

Những câu chuyện như vậy có lẽ khiến nhóm chuyên gia ngành Y của AVSE Global cũng muốn làm điều gì đó cho Việt Nam?

Sau khi kết thúc dự án Task Force Covid-19 khá hiệu quả và thành công, các thành viên nhìn thấy rất nhiều việc mà nhóm có thể tiếp tục đồng hành để góp phần đóng góp cho ngành Y Việt Nam. Do đó, mạng lưới Y tế đã được tổ chức AVSE Global thành lập vào tháng 9/2021. Hiện tại tôi và các thành viên của mạng lưới đang nỗ lực tiến hành các dự án kết nối với đồng nghiệp trong nước, bám sát theo các định hướng mong muốn ban đầu từ mạng lưới. Bốn hướng/kiểu dự án mà mạng lưới Y tế sẽ cố gắng để tiếp tục phát triển đó là:

Dự án kết hợp giữa mạng lưới MedNet, bệnh viện phía Bắc Đan Mạch, Công ty Novodan và các nhà khoa học, bác sĩ trong nước (Bệnh viện 175 TPHCM, Học viện Quân Y – Hà Nội) để xây dựng mô hình chẩn đoán cho bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam. Đây là dự án sử dụng số liệu của bệnh nhân tại Việt Nam, sau đó dùng các số liệu bệnh nhân từ Đan Mạch để kiểm định, phân tích và xây dựng mô hình. Dự án này kéo dài hơn một năm và không nhận bất kỳ nguồn tài chính nào. Kết quả của dự án rất tốt và đã được chấp thuận để đăng trên tạp chí khoa học ERJ Open Research - tạp chí uy tín trong lĩnh vực hô hấp của châu Âu. Đây là dự án đầu tiên mà tên của mạng lưới chính thức được ghi danh.

Dự án thứ hai là dự án đào tạo và giúp Bệnh viện 175 trong việc áp dụng đổi mới sáng tạo vào các quy trình của bệnh viện để tối ưu hóa các quá trình. Dự án này là sự hợp tác giữa giáo sư Martin Fransman, một chuyên gia nổi tiếng thế giới về đổi mới sáng tạo, MedNet và Công ty Novodan, Đan Mạch. Hiện dự án đã hoàn thành chương trình đào tạo cho 12 nhân viên của Bệnh viện 175 về Innovation trong vòng hai tháng và đang đợi để triển khai các nghiên cứu thử nghiệm. Các bác sĩ khi tham gia vào quy trình đào tạo đều có phản hồi vô cùng tích cực và mong muốn sớm được bắt tay vào để áp dụng kiến thức trong công việc tại bệnh viện. Đây là kiểu dự án tiếp theo nằm trong các mong muốn của mạng lưới là đưa các chuyên gia đầu ngành về giúp đổi mới sáng tạo trong hệ thống y tế Việt Nam; cũng như xa hơn nữa là các hội thảo trao đổi chuyên môn, đưa các công nghệ tiên tiến, các quy trình chuẩn của thế giới về áp dụng tại Việt Nam.

Ba buổi trao đổi chuyên môn Medtalk của Mạng lưới trong thời gian vừa qua liên quan đến Covid-19, Đậu mùa khỉ, và viêm gan B cũng là các dự án nằm trong các hướng đi lâu dài của mạng lưới. Mạng lưới luôn mong muốn cập nhật những kiến thức và thông tin về y tế, chăm sóc sức khỏe vật chất và tinh thần một cách khoa học, đúng đắn và kịp thời cho đội ngũ y bác sĩ và người dân.

Trong làn sóng khởi nghiệp khắp toàn cầu, sức khỏe cũng là chủ đề đang được nhiều startup trong nước quan tâm. Nhưng có vẻ như có những sáng tạo trong lĩnh vực này đòi hỏi phải có điều kiện, thiết bị, thời gian, v.v. Liệu có cơ hội nào cho những bạn trẻ còn thiếu kinh nghiệm lại ở một nước còn đang phát triển, gặp nhiều khó khăn như Việt Nam?

Tôi nghĩ rằng các kiến thức các em quan sát và trải nghiệm sẽ đúng hơn là lời khuyên trong trường hợp này. Hai thứ cơ bản để đáp ứng những thách thức hiện tại trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, chúng ta cần nắm bắt là các giải pháp đổi mới và kỹ thuật số - hai yếu tố tạo thành xương sống trong cách tiếp cận của Đan Mạch đối với một hệ thống chăm sóc sức khỏe bền vững.

Có nhiều người tin rằng thành lập một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực y tế là một nỗ lực tương đối dễ dàng với cơ hội thành công cao. Tuy nhiên, trên thực tế, ngành y tế là một trong những lĩnh vực khó khăn nhất trong lĩnh vực khởi nghiệp. Các yếu tố như quy tắc pháp lý nghiêm ngặt, tiêu chuẩn bảo mật cao và sự phức tạp của các mối quan hệ chăm sóc sức khỏe khiến hầu hết các doanh nghiệp mong muốn cung cấp sản phẩm mới khó tiếp cận thị trường. Để thành công, bạn cần phải hiểu thấu đáo về các rào cản, nắm rõ các thông tin trước khi khởi nghiệp trong lĩnh vực y tế.

Và ngay cả khi bạn đã nắm bắt các giải pháp đổi mới và kỹ thuật số. Một số rào cản mà các bạn sáng lập dựa trên các công nghệ áp dụng trong y tế cần đánh giá một cách thận trọng trước khi bắt đầu:

- Thị trường bảo thủ: các tổ chức y tế lớn không phải lúc nào cũng muốn điều chỉnh theo công nghệ mới nhất. Có một tâm lý chung từ các bác sĩ và y tá là các giải pháp mới sẽ khiến quy trình làm việc vốn phức tạp của họ trở nên phức tạp hơn, do đó họ khá do dự trong việc áp dụng giải pháp mới. Điều họ cần là các sản phẩm phần mềm dễ sử dụng. Ngoài ra, hơn 64% bác sĩ tin rằng sự phức tạp của công nghệ là rào cản chính đối với việc áp dụng các giải pháp từ xa cho bệnh nhân. Cuối cùng, các chuyên gia y tế cần bằng chứng rằng công nghệ kỹ thuật số cải thiện chất lượng chăm sóc y tế. Vì vậy, ngành công nghiệp mong đợi các công ty khởi nghiệp cần chứng minh các công nghệ của mình bằng nghiên cứu dựa trên bằng chứng.

- Tuân thủ quy định: Các công ty y tế phải tuân thủ, thông qua hàng trăm luật của nhà nước và Bộ Y tế . Nói chung, các yêu cầu pháp lý áp dụng cho công ty khởi nghiệp của công ty phụ thuộc vào vị trí và thị trường mục tiêu của công ty bạn.

- Niềm tin: Một ngành công nghiệp bảo thủ như chăm sóc sức khỏe không muốn tin tưởng vào các công ty khởi nghiệp non trẻ. Vì vậy, bạn phải xây dựng mối quan hệ với các chuỗi bệnh viện lớn hơn, công ty bảo hiểm và công ty công nghệ y tế để phát triển.

- Sự đầu tư dài hạn: Bạn phải có những kỳ vọng tài chính thực tế cho dù ý tưởng kinh doanh của bạn cho một công ty mới thành lập về chăm sóc sức khỏe có tuyệt vời đến đâu. Hãy sẵn sàng hỗ trợ công ty của bạn trong ít nhất năm năm trước khi bạn có thể chốt được một hợp đồng có lãi. Đó là lý do tại sao bạn cần một chiến lược kinh doanh vững chắc và đội ngũ phù hợp.

Cảm ơn Thu Hiền.