Nhu cầu chăm sóc sức khỏe tăng nhanh
Không giống nhiều lĩnh vực khác có thể hoàn toàn bị thay đổi bởi tự động hóa hoặc công nghệ, ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe là nơi công nghệ đóng vai trò như một yếu tố bổ sung thay vì mối đe dọa.
Ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe tại khu vực Đông Nam Á đang ở một thời điểm quan trọng. Nhu cầu về chăm sóc sức khỏe trong khu vực chưa bao giờ lớn như vậy và sẽ tăng cao hơn nữa trong tương lai. Một trong những lý do ảnh hưởng đến điều này là sự già hóa dân số. Dữ liệu từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho thấy, tính đến năm 2050, những người từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm 15% dân số Đông Nam Á, gấp 3 lần so với tỷ lệ 4,8% năm 2010.
Bên cạnh đó, dân số của các quốc gia như Malaysia, Philippines và Indonesia dự kiến sẽ tăng 40% vào năm 2050. Dân số ngày càng tăng tiếp tục thúc đẩy nhu cầu chăm sóc sức khỏe.
Ngoài ra còn có sự thiếu hụt số lượng các bác sĩ tại Đông Nam Á. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Đông Nam Á có ít bác sĩ ở mức trung bình, với tỷ lệ là 0,6 bác sĩ trên 1.000 người dân. Đối với các nền kinh tế phát triển như Đức, tỷ lệ này là 3,7 bác sĩ/1.000 người dân.
Sự thay đổi nhân khẩu học tại khu vực Đông Nam Á kết hợp với vấn đề thiếu nhân lực của các bệnh viện đòi hỏi phải có sự thay đổi lớn trong hệ thống chăm sóc sức khỏe. Ngành y tế cần tìm kiếm các giải pháp sáng tạo để chăm sóc sức khỏe cho người dân hiệu quả hơn mà không phải chi tiêu quá nhiều tiền.
Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để chúng ta áp dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật mới. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo (AI) và robot có thể hỗ trợ nhiều cho ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe trong khu vực.
Số hóa trong lĩnh vực y tế sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các bác sĩ và bệnh nhân.
Ảnh: Medium
Khai thác tiềm năng của y tế số
Số lượng người dùng internet và điện thoại di động ở Đông Nam Á ngày càng tăng đang tạo điều kiện thuận lợi cho việc số hóa lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, thông qua sự gia tăng các ứng dụng dành cho thiết bị di động (mobile app). Với một lượt truy cập nhanh vào kho ứng dụng của Apple (Apple App Store), bạn có thể tìm thấy các ứng dụng y tế có khả năng thực hiện một loạt công việc như theo dõi nhịp tim, theo dõi chế độ ăn uống hoặc thậm chí chăm sóc giấc ngủ của bạn.
Ở cấp độ vĩ mô, các quốc gia đang nhận ra tầm quan trọng của công nghệ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là việc sử dụng AI. Tại Thái Lan, Bệnh viện Quốc tế Bumrungrad đã sử dụng trí thông minh nhân tạo IBM Watson để điều trị ung thư cho bệnh nhân. IBM Watson có sức mạnh xử lý 80 nghìn tỷ phép tính trong một giây, có thể truy cập 90 máy chủ với kho dữ liệu hơn 200 triệu trang. Khoa ung thư tại Bệnh viện Quốc tế Bumrungrad đang sử dụng IBM Watson để xử lý dữ liệu bệnh nhân, tài liệu y khoa và đề xuất phương pháp điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân ung thư.
Tại Singapore, Trường Y tế Cộng đồng Saw Swee Hock và Cơ quan Môi trường Quốc gia đã phát triển một ứng dụng AI có thể dự báo tỷ lệ dân số mắc bệnh sốt xuất huyết trong vòng 4 tháng tiếp theo, nhằm giúp cơ quan chức năng kịp thời đưa ra các biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả nhất.
Ở Việt Nam, bằng việc sử dụng ứng dụng Jio Health trên thiết bị thông minh, khách hàng có thể chủ động lựa chọn bác sĩ, đặt lịch hẹn khám tại nhà, trực tuyến hoặc tại phòng khám đa khoa Jio Health.Singapore là quốc gia đầu tiên ở khu vực đưa ra hệ thống hồ sơ y tế điện tử công cộng, cho phép chia sẻ hồ sơ y tế bệnh nhân trong hệ thống y tế quốc gia. Những ví dụ này cho thấy tiềm năng của việc sử dụng công nghệ trong các hệ thống chăm sóc sức khỏe tại khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều công nghệ đang được nghiên cứu hoặc chưa được triển khai trong khu vực có thể cách mạng hóa hoàn toàn lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Ví dụ, Malaysia đang nghiên cứu chế tạo ống nghe khám bệnh đầu tiên trên thế giới tích hợp hệ thống AI. Một số công ty như Verb Surgical cũng đang phát triển robot phẫu thuật. Những công nghệ như vậy giúp chúng ta có cái nhìn khả quan hơn đối với ngành y tế trong tương lai gần.
Các công ty lớn trên thế giới bao gồm Intel, IBM và Microsoft cũng đang thực hiện các dự án phát triển AI nhằm mục đích cải thiện chăm sóc sức khỏe. Chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi sản phẩm và công nghệ của họ tiếp cận đến chúng ta.
Những vấn đề cần lưu ý
Có những vấn đề nảy sinh khi nói đến công nghệ. Không giống như đơn thuốc của bác sĩ ghi trên giấy và thuốc uống để trong tủ, các thiết bị y tế hoạt động với sự hỗ trợ của máy tính có thể bị hack và thao túng. Bởi vì nhiều cải tiến công nghệ liên quan đến một lượng lớn dữ liệu cá nhân nhạy cảm, nên cũng có những lo ngại về quyền riêng tư. Bệnh nhân có thể gặp phải rủi ro khi thông tin cá nhân của họ bị đem bán hoặc chiếm đoạt bởi tin tặc.
Một vấn đề khác cần lưu ý là việc chi tiền cho công nghệ mới của một số chính phủ hoặc bệnh viện. Bởi vì nhiều nước ASEAN không đầu tư nhiều GDP cho lĩnh vực y tế, nên điều đáng lo ngại là số tiền nghiên cứu AI sẽ lấy đi nguồn chi tiêu cho những nhu yếu phẩm quan trọng như giường bệnh. Do đó, chi tiêu cho công nghệ mới nên thận trọng và chỉ được thực hiện trên cơ sở cần thiết.
Mặc dù có những vấn đề rõ ràng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện tại của khu vực, công nghệ không nên được xem là giải pháp đơn giản cho một vấn đề phức tạp. Thay vào đó, nó nên được sử dụng như các công cụ để làm cho hệ thống y tế trở nên hiệu quả hơn. Bất cứ điều gì nhiều hơn thế sẽ đòi hỏi sự thay đổi cấu trúc quy mô lớn.