Trong khi chính giới chuyên môn còn phải liên tục cập nhật thông tin về bệnh lý, cơ chế lây lan của covid-19, tác động lên cơ thể con người, phương pháp điều trị... thì nên truyền thông như thế nào để công chúng không rơi vào hoảng loạn và có thể tự bảo vệ chính mình?
Dưới đây các phân tích của các bác sĩ và nhà quản lý để lưu ý trước vấn đề quan trọng có thể quyết định đến sự thành bại của công tác phòng chống dịch này.
Khoảng cách giữa tư duy của nhà chuyên môn và nhà báo
Chữa trị là chốt chặn cuối cùng, rất nhỏ và cực kỳ phụ thuộc vào hai khâu trước trong tổng thể chống dịch (không để dịch vào Việt Nam, và nếu vào thì không để lan rộng). Trong thời gian qua hệ thống y tế dự phòng đã làm cực kì tốt đến mức chỉ có số lượng bệnh nhân rất nhỏ nên hệ thống điều trị của chúng tôi chỉ gánh vác một phần, đảm bảo hiệu quả điều trị tối đa. Còn nếu không may con số đến hàng nghìn, hàng vạn bệnh nhân thì chắc chắn chúng tôi không thể nào đảm nhiệm điều trị tốt, bởi vì bác sĩ kiệt sức, bệnh viện quá tải.
Do đó, công tác truyền thông trong điều trị không nhiều và quan trọng bằng truyền thông gắn với 2 khâu ngăn ngừa trước đó, giúp việc điều trị của chúng tôi đảm bảo vừa sức và đạt hiệu quả cao nhất.
Tuy nhiên, Covid-19 là bệnh mới xuất hiện, và nhiều khi người dân như sa vào hỏa mù. Ví dụ về một khái niệm đơn giản là các nhà khoa học Trung Quốc có nhận định rằng bệnh Covid-19 lây qua “khí dung dao” (aerosol), truyền thông và người dân có thể quy rằng Covid-19 lây truyền qua đường không khí hoặc khí dung và hoảng loạn ghê gớm. Còn giới chuyên môn chúng tôi hiểu rằng, virus lây truyền qua con đường nhỏ hơn các giọt bắn ra khi ho, hắt hơi rất nhiều, tức là nhỏ như sương mù. Nhưng thực ra, nó chỉ lây qua aerosol khi mật độ các sol khí đậm đặc tải được một lượng virus lớn – thường chỉ xảy ra khi thầy thuốc thao tác rất gần với mặt bệnh nhân trong môi trường kín, còn trong môi trường thông thường, nó loãng ra rồi thì tự tiêu biến, giống như sương mù khi gặp gió thổi hoặc nắng lên.
Nếu không được truyền thông đầy đủ và rõ ràng như vậy thì người dân sẽ cực kì lẫn lộn, không thể cho con đi học, không thể ra chợ ra đường... vì sợ lây qua không khí.
Mặt khác, hình như tư duy thầy thuốc và nhà báo khá xa nhau. Thầy thuốc tư duy theo kiểu trong hoàn cảnh xấu, chọn cái ít xấu nhất, chứ không chọn được cái tốt, vì rõ ràng đã ốm rồi thì không thể tốt, làm thế nào để thời gian ốm ngắn lại hoặc số tử vong ít hơn. Với các nhà báo, mỗi con người là một số phận, nên không chấp nhận được cách nói chết 300-400 người là chuyện bình thường, nhưng với bác sĩ lựa chọn giữa chết 1000-2000 với 200-300 thì chuyện chết vài trăm là quá tốt, vì chúng ta không thể có cái tốt hơn. Tôi nghĩ về lâu dài, chúng ta [giới chuyên môn và nhà báo] phải hiểu được tư duy của nhau, hiểu cách lý giải và quyết định, còn khi không hiểu được nhau thì kiểu gì cũng dẫn đến ngáng chân hoặc va chạm.
Nếu truyền thông thất bại thì sẽ vỡ trận
Tôi ước lượng rằng truyền thông quyết định 1/3 thành bại của công tác chống dịch đợt này. Và dù khó khăn đến mấy đều cần và có cách giải thích tường minh cho công chúng hiểu.
Người dân nghĩ rằng căn bệnh này quá mới, sợ hãi ngành y tế chưa biết gì cả, chết đến nơi rồi, nhưng không phải như thế, vì trong tự nhiên sẽ liên tục có chủng virus mới, liên tục có sự phát triển, cho nên giới chuyên môn cũng liên tục nghiên cứu, cập nhật, bám sát tình hình. Ví dụ như tại sao ngày 13/2 ở Trung Quốc con số mắc Covid-19 lại tăng đột ngột lên tới 14.840? vì sở dĩ họ không dựa vào xét nghiệm nữa mà dựa vào chẩn đoán hình ảnh. Nhưng dư luận xã hội lại nghĩ “chết rồi tình hình dịch bệnh bùng phát lên ko kịp kiểm soát nữa”. Thực ra giới y học chúng tôi đòi hỏi sự chính xác cao, chứ không phải làm theo cảm tính, đưa ra con số hoặc phương pháp vô tổ chức vô kỷ luật. Do đó, tôi cho rằng truyền thông rất cần làm thế nào để người dân hiểu diễn biến là các bác sĩ liên tục phải cập nhật bổ sung các nghiên cứu, phát hiện mới trước các tình tiết mới của bệnh dịch như thế này.
Nếu chúng ta thất bại trên mặt trận truyền thông, tôi đảm bảo chúng ta sẽ vỡ trận, sẽ phải trả giá vô cùng đắt. Có thể thấy rõ bài học đó qua trường hợp một số đợt dịch trước đây: Ví dụ dịch MERS năm 2015 ở Hàn Quốc, khi dịch diễn ra thì giới truyền thông Hàn Quốc đã đi chậm vài nhịp chứ không phải một nhịp. Sau đó WHO đã có một nghiên cứu nói rằng truyền thông của Hàn Quốc đã đi chậm, không truyền thông về nguy cơ rõ ràng, dẫn tới tình trạng người dân không biết dịch như thế nào, cứ lan truyền các tin đồn khác nhau. Hàn Quốc có 186 bệnh nhân nhiễm MERS, 38 bệnh nhân tử vong nhưng phải cách ly tuyệt đối 16.752 bệnh nhân, hệ quả là toàn xã hội rối loạn, chính trị khủng khoảng, bệnh nhân sợ hãi, giá cả leo thang, phải đóng cửa trường học các cấp. WHO khuyến cáo rằng không nên lo sợ tới mức nghỉ học, nhưng người dân đã quá hoảng sợ, không cho con đi, cuối cùng Hàn Quốc thất bại và phải đóng cửa trường học, ước tính sơ bộ mức thiệt hại khoảng 10 tỷ USD.
Hay năm 2019, khi dịch Ebola mới xâm nhập vào Congo, truyền thông đã chậm trễ không giải thích để người dân hiểu dẫn tới hoảng loạn, có 300 tụ tập tấn công nhân viên y tế, 6 nhân viên y tế chết, 70 người bị thương nặng cấp cứu, Congo vừa trả một cái giá rất đắt trong năm 2019.
Từ loa phường đến app sức khỏe
Để chuẩn bị ứng phó với dịch Covid-19, toàn bộ hệ thống y tế dự phòng đã được kích hoạt ngay lập tức, đưa ra tất cả kịch bản bệnh có thể phát triển để chuẩn bị phương pháp ứng phó. Dịch bệnh này cũng là một dịp hiếm hoi để chúng ta có thể nhìn nhận lại tổng thể hoạt động ngành y tế. Cách đây một năm, chúng ta đưa ra 1 chiến lược về y tế cơ sở trong tình hình mới và đến nay chúng tôi thấy thật sự may vì trong 2 năm vừa qua chúng ta đã thực hiện chiến lược này khá tốt. Chính nhờ đó, chúng ta mới có thể phản ứng với dịch bệnh này tương đối nhanh chóng và hiệu quả như các anh các chị đang nhìn thấy. Trong suốt quá trình phòng chống dịch, chúng tôi đã nhận được sự cổ vũ động viên rất lớn của các đồng nghiệp, WHO tại Hà Nội.
Riêng về truyền thông, trong năm 2019 vừa qua Bộ Y tế cũng phối hợp với WHO tại VN thực hiện một hoạt động nghiên cứu về truyền thông nguy cơ, đưa ra các lý thuyết, biện pháp khác nhau để truyền thông khi có khủng hoảng hoặc nguy cơ về dịch bệnh. Và điều đó giúp chúng tôi có được kinh nghiệm, kiến thức, phương pháp để vận dụng trong đợt này.
Trong thời gian qua, chúng ta đã truyền thông ở tất cả cấp độ, các phương tiện và cách thức khác nhau. Chẳng hạn ngoài đài, báo, mạng xã hội... một phương tiện mà ngày xưa khi còn làm báo tôi rất phản đối là loa phường thì trong dịp này cán bộ y tế cơ sở nói loa phường rất quan trọng trong việc nhắc bố mẹ cho con đi tiêm chủng, truyền thông cho làng xóm. Như vậy là chúng tôi đã sử dụng từ những phương tiện truyền thông đơn sơ nhất cho đến phương tiện truyền thông hiện đại nhất chúng ta có. Chúng tôi nhận được sự trợ giúp rất hiệu quả các cơ quan như Cục viễn thông của Bộ Thông tin và Truyền thông giúp ngành y mỗi ngày gửi tin nhắn đến 150 triệu thuê bao trên toàn quốc, các doanh nghiệp viễn thông rất nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi gửi thông điệp đến các thuê bao. Viettel ngay lập tức lập một tổng đài với 80 điện thoại viên để trả lời, Bộ Y tế soạn thảo câu hỏi và câu trả lời mẫu để trả lời, mỗi ngày có tới 15000 cuộc gọi đến tổng đài 19009095 của Bộ Y tế và các nhân viên của Viettel trả lời. Vừa rồi công ty DTT cũng giúp chúng tôi xây dựng một app sức khỏe, và trước đó đã giúp chúng tôi thành lập cổng điện tử mới để thông tin về dịch bệnh. Đây là một nỗ lực rất lớn để giải tỏa các thông tin cho công chúng về dịch bệnh. Mặt khác, việc theo dõi thông tin trên mạng xã hội đã giúp chúng tôi phản ứng rất tức thời, chúng tôi đã sử dụng mạng xã hội để cung cấp thông tin chính thống của Bộ Y tế và đồng thời theo dõi xử lý thông tin chưa đúng một cách kịp thời.
Bằng những biện pháp như vậy chúng tôi đã kết nối được và giúp công chúng ở mọi miền Tổ quốc tiếp cận thông tin về dịch bệnh, đặc biệt giúp họ kết nối với những cơ sở khám chữa bệnh gần họ nhất để nếu như có triệu chứng họ có thể đến đấy khám hoặc tư vấn.
Truyền thông nguy cơ
Truyền thông nguy cơ là truyền thông theo thời gian thực, đối tượng truyền thông là người dân đang phải đối mặt với nguy cơ về sức khỏe, có thể ảnh hưởng đến các yếu tố kinh tế xã hội. Truyền thông nguy cơ sẽ diễn ra trong thời gian thực, gồm 3 yếu tố: thông tin, các khuyến nghị, ý kiến của các chuyên gia. Mục đích của truyền thông nguy cơ là giúp những người đang phải đối mặt với nguy cơ có thể ra được quyết định đúng để bảo vệ mình và người thân. Quyết định đúng này dựa trên những khuyến cáo và ý kiến đã được truyền thông đem đến. Để làm được điều này, giới truyền thông và ngành y tế phải song hành cùng nhịp với nhau, nếu như có sự lệch nhịp giữa y tế và truyền thông thì không còn là truyền thông nguy cơ nữa. Sở dĩ tôi nói vậy là trước đây chúng ta đã có sự lệch nhịp. Ví dụ nhìn vào dịch sốt xuất huyết, khi dịch bắt đầu bùng nổ, các cơ quan y tế nói nhiều đến biện pháp phòng chống để không bị sốt xuất huyết, đi ngủ nằm màn, cả ngày nên mặc quần áo dài, diệt loăng quăng. Nhưng khi bệnh bắt đầu bùng phát, dù chúng ta đang truyền thông về cách thức phòng chống bệnh, thì báo chí đã cầm ngay ống kính đến viện để quay cảnh bệnh nhân. Đó là sự lệch nhịp rất đáng tiếc, bởi vì lúc đó đang cần truyền thông báo chí cho công chúng biết phải làm gì để tránh bệnh chứ không phải là nói về công tác điều trị hay tử vong, vì trong công tác phòng chống dịch thì điều trị xếp sau các phương án phòng chống.
Ông Vũ Mạnh Cường