Để giảm thiểu những rắc rối và rủi ro có thể đến trong mối quan hệ hợp tác về khoa học với Trung Quốc, châu Âu sẽ xây dựng bộ quy tắc hợp tác mới với những hướng dẫn có thể giúp các công ty châu Âu lưu giữ được mối liên hệ này nhưng vẫn bảo vệ được các công nghệ nhạy cảm của mình.

Chủ tịch EU Ursula von der Leyen (bên trái) trao đổi với CEO của Pfizer, Albert Bourla trong một chuyến tới thăm công ty dược phẩm Pfizer ở Puurs, Bỉ vào tháng 4/2021. Ảnh: John Thys/AP
Chủ tịch EU Ursula von der Leyen (bên trái) trao đổi với CEO của Pfizer, Albert Bourla trong một chuyến tới thăm công ty dược phẩm Pfizer ở Puurs, Bỉ vào tháng 4/2021. Ảnh: John Thys/AP

Trong cuộc thảo luận về vấn đề này với Tổng thống Pháp Emanuel Macron vào tháng 4/2023, bà von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho biết EU không muốn “cắt các mối quan hệ kinh tế, xã hội, chính trị và khoa học” với Trung Quốc nhưng cần xác quyết cách tái cân bằng những mối liên hệ của mình. “Rõ ràng là cần loại bỏ rủi ro khỏi một số hợp tác quan trọng và nhạy cảm của chúng ta”, bà nói.

Để ngăn ngừa khả năng này xảy ra, EU sẽ xây dựng bộ quy tắc mới trong hợp tác với Trung Quốc. Nó sẽ là một phần trong chiến lược an ninh kinh tế mới mà EU đang lập kế hoạch sẽ công bố trong vài tháng tới. “Chúng ta cần đảm bảo cho vốn đầu tư, năng lực chuyên môn, tri thức của các công ty của chúng ta không bị lợi dụng để tăng cường cho các năng lực quan sự và trí tuệ của những bên là đối thủ của chúng ta”, bà von der Leyen nói trong phiên thảo luận.

Bà cũng thừa nhận là châu Âu đang ngày một trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc trong bối cảnh những công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo, tính toán lượng tử và công nghệ sinh học... và đã trở thành một cường quốc kinh tế và dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực công nghệ tiên tiến.

Tuy nhiên, kỷ nguyên này đã kết thúc và Trung Quốc đang bước vào một kỷ nguyên mới của an ninh và kiểm soát trước thách thức về công nghệ và quân sự của Mỹ trên sân khấu thế giới. Bà von der Leyen nói, nhiều công ty EU đang có hợp tác thương mại với Trung Quốc đang chứng kiến sự dịch chuyển “hướng về phía an ninh và xa rời logic của thị trường mở và tự do thương mại”.

Luật lệ mới cho hợp tác nghiên cứu

Trong năm 2021, EU đề xuất một cách tiếp cận toàn cầu cho hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và đổi mới sáng tạo để thích ứng với sự dịch chuyển địa chính trị. Họ cũng công bố các hướng dẫn cho những hợp tác của các tổ chức quốc tế với nghiên cứu của EU, khuyến khích các viện nghiên cứu sử dụng các danh mục này để quyết định liệu có nên hợp tác với các đối tác Trung Quốc hay không.

Tuy nhiên những tài liệu hướng dẫn do EU tạo ra cũng không đủ để tạo ra một khung hướng dẫn đầy đủ về mối quan hệ ngày một phức tạp và rối rắm về KH&CN với Trung Quốc. Tại Mỹ, Quỹ Khoa học Mỹ xác nhận kế hoạch thiết lập tài trợ đặc biệt để nghiên cứu về quy mô và phạm vi của những rò rỉ khoa học từ phòng thí nghiệm của các viện nghiên cứu sang Trung Quốc, sau khi cựu Tổng thống Donald Trump không thực sự thành công trong việc tiến hành điều tra chống lại các nhà khoa học Mỹ gốc Trung. Hiện việc lên kế hoạch vẫn còn ở giai đoạn đầu. Để giúp định hình chương trình, họ đã lập một hội thảo về vấn đề này, có lẽ cùng với Cơ quan nghiên cứu và Đổi mới Anh (UKRI), đối tác Anh của Quỹ Khoa học Mỹ, và cùng với những khuyến nghị cụ thể từ JASON, một nhóm tư vấn khoa học có nhiều ảnh hưởng của các cơ quan quân sự và an ninh Mỹ.

Với Mỹ, Trung Quốc là mối lo ngại lớn nhất. Hiện Trung Quốc là quốc gia đứng thứ hai, chỉ sau Mỹ về đầu tư cho khoa học, và đã sẵn sàng vượt qua Mỹ về số lượng bài báo được xuất bản hằng năm. Các sinh viên và nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng là một phần lớn trong thế giới công nghệ Mỹ, cung cấp tới 25% nguồn nhân lực khoa học và kỹ thuật có bằng tiến sĩ tại Mỹ, theo số liệu của Viện Nghiên cứu chính sách KH&CN – một think tank tư vấn chinh sách khoa học của Nhà Trắng. Số tài năng khoa học và kỹ thuật nước ngoài, trong đó có Trung Quốc, góp phần đem lại 1,7% đến 1,9% GDP Mỹ.

Do đó, không riêng Mỹ, ở Anh, Canada, Nhật Bản và Đức, các cơ quan an ninh cũng đã nâng cao sự giám sát các hợp tác quốc tế về khoa học của mình để xem xét sự rủi ro có thể xảy ra. Tuy nhiên một số nhà quản lý khoa học đã kêu gọi đừng để nỗi sợ hãi ảnh hưởng quá mức hoặc ảnh hưởng đến nhiều nhà khoa học gốc Á. Ví dụ, Ernest Moniz, nguyên là một nhà quản lý của MIT và Thứ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) đã cảnh báo vào cuối năm 2022 “Chúng ta đang phản ứng thái quá về an ninh. Trong trường hợp hợp tác với Trung Quốc, Mỹ đã có một số bước sai lầm hoặc ít nhất là những bước có vấn đề, bao gồm cáo buộc một số nhà nghiên cứu che giấu mối quan hệ hợp tác với các viện nghiên cứu của Trung Quốc”. Thay vào đó, ông Moniz kêu gọi Mỹ và Trung Quốc “đón nhận các cơ hội xây dựng hợp tác lớn hơn trên nhiều lĩnh vực cấp thiết như nghiên cứu về giảm carbon, xử lý chất thải hạt nhân…

Rất nhiều quan ngại trong khuôn khổ hội thảo về Khoa học, Kỹ thuật và Y tế quốc gia (NASEM), nhấn mạnh điều đang là chính sách quan tâm hàng đầu của nhiều doanh nghiệp Mỹ: nỗ lực của chính phủ trong việc ngăn không cho các dự án khoa học chính của Mỹ hoặc các bí mật công nghệ rò rỉ sang các quốc gia đối thủ - đặc biệt là Trung Quốc – sẽ phá hủy chính hệ thống khoa học. Họ lý giải, hệ thống này đã phụ thuộc rất nhiều vào việc chia sẻ kết quả nghiên cứu một cách cởi mở và chào đón sinh viên quốc tế, nhà nghiên cứu quốc tế. Dẫu vậy theo một báo cáo của NASEM, “cộng đồng nghiên cứu Mỹ đã phải chứng kiến một sự gia tăng vô tiền khoáng hậu về các biện pháp đảm bảo an ninh làm giới hạn sự trao đổi ý tưởng, sự tham gia của những người khác và hợp tác quốc tế, qua đó làm chậm đi bước tiến khoa học”.

Trước khi rời khỏi vị trí vào cuối năm ngoái, Jean-Eric Paquet – cựu giám đốc nghiên cứu và đổi mới sáng tạo của EU, đã cho rằng EU cần phải lên tiếng mạnh mẽ hơn, yêu cầu tôn trọng các giá trị và quyền sở hữu trí tuệ. “Chúng ta đã từng hỗ trợ một đối tác tốt phát triển năng lực khoa học cho hàng ngàn sinh viên Trung Quốc ở châu Âu, bằng việc phối hợp chia sẻ những công nghệ tiên tiến nhất. Hiện vẫn có không gian cho nhiều nhà nghiên cứu ở đây tiếp tục theo đuổi nhưng tôi nghĩ là chúng ta cần có những hướng dẫn về sự tham gia của đối tác nước ngoài trong nghiên cứu ở EU”, ông nói. Tuy nhiên hiện tại thì Trung Quốc không đưa ra những tín hiệu tích cực nào cho thấy sẽ chấp thuận những quy tắc mới của EU.