Do đại dịch Covid-19, hàng trăm tấn rác thải y tế phát sinh thêm mỗi ngày đã và đang khiến cho công tác quản lý chất thải vốn còn điểm bất cập ở Việt Nam phải đối mặt với những thách thức lớn.

Trước khi những ca dương tính với SARS-CoV-2 đầu tiên tại Việt Nam được phát hiện, có lẽ không ai ngờ rằng sẽ có một ngày khẩu trang y tế cháy hàng và nước rửa tay khô không còn trên kệ bán. Nhưng trong 1,5 năm trở lại đây, từ một sản phẩm không có quá nhiều người sử dụng, khẩu trang giấy đã trở thành vật bất ly thân đối với bất kỳ ai khi bước chân ra khỏi nhà. Và bởi vậy, theo ước tính của các chuyên gia, cứ mỗi phút cả thế giới lại thải ra 3 triệu chiếc khẩu trang, tương ứng với 129 tỷ chiếc mỗi tháng.

Nhưng đó mới chỉ là một phần nhỏ trong toàn bộ lượng rác thải y tế mà tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam đang phải đối mặt. Bởi, bên cạnh khẩu trang, đó còn là găng tay, đồ bảo hộ, kít xét nghiệm,... chưa kể đến vô số chất thải nguy hiểm nhiễm virus phát sinh từ hàng nghìn ca mắc Covid mới mỗi ngày, gây quá tải các bệnh viện và chưa có dấu hiệu dừng lại. Trước những con số gia tăng đột biến ấy, có lẽ cần phải nhìn lại: trước đại dịch, chúng ta đã quản lý chất thải y tế ra sao? Và với lượng rác thải khổng lồ như hiện nay, liệu chúng ta có thể xử lý ổn thỏa?

Thu gom rác thải tại khu vực cách ly. Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn

Chất thải rắn được xử lý tốt hơn chất thải lỏng

Để đánh giá về hiện trạng quản lý chất thải y tế của một quốc gia, có lẽ nơi đầu tiên mà chúng ta cần nhìn vào là các bệnh viện. Và nghiên cứu “Insights of healthcare waste management practices in Vietnam” mới công bố trên tạp chí Environmental Science and Pollution Research vào cuối năm ngoái của PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền (Khoa Kỹ thuật môi trường, trường Đại học Xây dựng) và các cộng sự ở Bộ Y tế đã đem lại một cái nhìn toàn cảnh về thực trạng quản lý chất thải y tế tại các bệnh viện công ở Việt Nam.

Sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu khác nhau, nhóm của PGS.TS Huyền đã trực tiếp đến khảo sát, phỏng vấn sâu và điều tra bảng hỏi tại 72 bệnh viện ở 13 tỉnh thành cũng như 4 bệnh viện trung ương tại Hà Nội. Trong đó, bảng hỏi của họ tập trung vào bốn vấn đề: thông tin chung (như số giường bệnh, lượng chất thải rắn và lỏng thải ra mỗi ngày), việc thu gom và xử lý chất thải, sự tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường, và chi phí dành cho quản lý chất thải. Để có thông tin bổ sung và đối sánh, nhóm của PGS.TS Thanh Huyền cũng sử dụng dữ liệu thứ cấp từ hai dự án hỗ trợ về y tế và quản lý chất thải của World Bank tại 30 bệnh viện tuyến huyện ở sáu tỉnh Bắc Trung bộ và 225 bệnh viện tuyến tỉnh và huyện trên toàn quốc.

Trái với suy nghĩ của nhiều người, kết quả thu được đối với chất thải rắn y tế khá tích cực. “Trong khi rác thải sinh hoạt đô thị không hề được phân loại tại nguồn thì rác thải y tế tại các bệnh viện lại đang làm tốt điều đó. Nó cho thấy chất thải rắn y tế là vấn đề đang được quan tâm”, PGS.TS Thanh Huyền nói. Đối với việc xử lý chất thải nguy hại - loại chất thải chiếm khoảng 15-20% tổng lượng rác thải y tế, các số liệu cho thấy tỷ lệ bệnh viện tuân thủ quy định quốc gia khá cao: 94,3% đối với bệnh viện tuyến trung ương, 92% đối với bệnh viện tuyến tỉnh và 82% đối với bệnh viện tuyến huyện.

Tuy nhiên, đối với chất thải lỏng, kết quả dường như kém lạc quan hơn và có sự giảm mạnh khi xuống đến tuyến huyện. Nếu tất cả các bệnh viện tuyến trung ương do Bộ Y tế quản lý đều có hệ thống xử lý nước thải tại chỗ nhờ chiến lược ưu tiên đầu tư của Chính phủ thì ở cấp địa phương, chỉ có 81,4% bệnh viện tuyến tỉnh và 71,7% bệnh viện huyện có hệ thống xử lý nước thải phù hợp theo quy định. Không chỉ vậy, tỉ lệ vận hành thực tế của các hệ thống xử lý nước thải y tế chỉ đạt 91% đối với bệnh viện tuyến trung ương, 73% đối với bệnh viện tuyến tỉnh và chỉ 50% đối với bệnh viện tuyến huyện.

Và điều đáng bàn là nhiều công trình xử lý này đã và đang bị xuống cấp nghiêm trọng do tình trạng quá tải giường bệnh, thiếu kinh phí bảo trì, nâng cấp, và cuối cùng dẫn đến chất lượng nước thải không đạt tiêu chuẩn. Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2016, chỉ có 42,9% bệnh viện có chất lượng nước thải đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế. “Chủ yếu các bệnh viện vẫn quan tâm đến quản lý chất thải rắn hơn nên vấn đề xử lý nước thải bên trong nhiều khi không kiểm soát được hết”, PGS.TS Thanh Huyền cho biết.

Thiếu kinh phí, tập huấn và giám sát

Từ việc đã tham gia đánh giá thực trạng quản lý chất thải y tế cho dự án hỗ trợ y tế tại Việt Nam của World Bank, PGS.TS Thanh Huyền nhận thấy, hiện Việt Nam đã có một khung pháp lý tương đối đầy đủ từ Luật bảo vệ môi trường năm 2020, Thông tư liên tịch 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT quy định về quản lý chất thải y tế cho đến các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải, lò đốt chất thải,... “Các bệnh viện trung ương đều đã có quy trình thu gom và xử lý chất thải độc hại, đặc biệt là xử lý chất thải từ các khoa như ung bướu,...”, PGS.TS Thanh Huyền cho hay.

Thêm nữa, nhờ dự án hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, “hệ thống quản lý chất thải của nhiều bệnh viện đã cực kỳ được cải thiện”, PGS.TS Thanh Huyền nhận xét. Trước đây, các bệnh viện hầu hết chỉ xử lý bằng cách đốt rác thải nhưng nhờ các dự án này, nhiều nơi đã chuyển sang công nghệ hiện đại hơn đó là hệ thống hấp tiệt trùng bằng hơi nước bão hòa dưới áp suất cao kết hợp với thiết bị cắt và nghiền chất thải - một xu hướng mà nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Hàn Quốc đã đi theo từ lâu.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là, dù các quy định đã có, việc thực thi trong thực tế lại không chặt chẽ và nghiêm ngặt. PGS.TS Thanh Huyền đánh giá, một trong những nguyên nhân căn cốt đầu tiên là nguồn kinh phí hạn hẹp dành cho hoạt động quản lý chất thải. “Do việc quản lý chất thải không phải là một hoạt động trọng tâm của các bệnh viện, lượng kinh phí dành cho hoạt động này chỉ chiếm khoảng 10-15%”. Nếu tính theo mỗi giường bệnh, mức kinh phí dành cho quản lý chất thải chỉ ở mức 0,2-0,4 USD (tương đương khoảng 4,500-9,000 VND) cho một giường bệnh trong một năm, thấp hơn rất nhiều so với mức chi cho quản lý chất thải trong một ngày ở các quốc gia Châu Âu.

“Mỗi năm các bệnh viện sẽ làm kế hoạch quản lý chất thải để xin ngân sách từ tỉnh/trung ương. Tuy nhiên, việc đề xuất cũng chỉ được cho một số hạng mục thật cần thiết vì kinh phí có hạn. Nhưng để làm tốt được việc quản lý chất thải này thì ngân sách cho quản lý chất thải cần phải lên gấp đôi hoặc hơn”, PGS.TS Thanh Huyền nói. Chính nguyên nhân này đã khiến cho các bệnh viện khó có thể duy trì được hệ thống máy móc xử lý hiệu quả và tập huấn thường xuyên cho đội ngũ nhân viên. Nó cũng lý giải việc các bệnh viện ở tuyến huyện đạt tỉ lệ thấp hơn trong việc đảm bảo tốt hoạt động quản lý chất thải, nhất là khi kinh phí đầu tư cho các bệnh viện ở tuyến này ít hơn nhiều so với bệnh viện tuyến trung ương.

Một vấn đề nữa cũng được nhóm nghiên cứu đề cập đó là sự thiếu giám sát thường xuyên của các đơn vị chịu trách nhiệm. “Bây giờ, thực ra ở các bệnh viện mới làm được một việc rất tốt là giám sát chất lượng khám chữa bệnh”, PGS.TS Thanh Huyền nói, “còn đối với quản lý chất thải, có lẽ còn phải cần thêm thời gian”. Chị giải thích, chẳng hạn như ở quy mô quốc gia, việc giám sát nước thải sẽ có quy định theo văn bản, chẳng hạn như xử lý từ 1.000m3/ngày đêm nước thải trở lên thì phải có hệ thống quan trắc tự động, “đó chính là công cụ để giám sát việc xử lý nước thải có đảm bảo điều kiện xả thải hay không. Nhưng ở dưới các bệnh viện, lượng nước thải chỉ khoảng vài trăm m3 ngày đêm, thì rất khó để giám sát. Chưa nói đến chất thải rắn, việc quản lý như thế nào, giám sát ra sao cũng là một bài toán khó”, chị nói.

Điều này càng đáng quan tâm hơn khi với sự hiện diện của đại dịch, lượng rác thải y tế sẽ còn vượt quá con số dự báo 800 tấn/ngày bởi lúc đó chưa ai biết về một đại dịch chực chờ phía trước. Nếu không kịp thời xử lý, lượng rác thải này sẽ không chỉ ảnh hưởng tới môi trường mà còn có khả năng làm lây lan dịch bệnh. May mắn là, theo chia sẻ của một đại diện công ty xử lý rác thải y tế tại TP.HCM trên truyền thông, việc thu gom và xử lý rác thải y tế trong đại dịch vẫn đang nằm trong khả năng xử lý của các đơn vị nhờ có các hệ thống được đầu tư trong những năm trở lại đây.

Song, có lẽ, để đạt được mục tiêu 100% tổng lượng chất thải rắn nguy hại được thu gom, vận chuyển và xử lý vào năm 2025 như Chiến lược quốc gia về quản lý chất thải rắn, cũng như hướng đến những mô hình xử lý tập trung như của nước ngoài, “sẽ không chỉ cần đến nỗ lực của nhân viên y tế, bệnh nhân, gia đình mà còn cả các bên liên quan như các nhà hoạch định chính sách, cơ quan thực thi pháp luật, các nhà cung cấp dịch vụ quản lý chất thải và các nhà nghiên cứu cam kết trách nhiệm của họ trong việc xử lý chất thải y tế vì sức khỏe cộng đồng”, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.