Không chỉ là các lợi thế của giáo dục trực tuyến chưa đủ sức thuyết phục đối với các giảng viên và sinh viên yêu thích phương thức giảng – học truyền thống, mà bản thân giáo dục trực tuyến cũng có những “điểm yếu” nội tại.
Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến cho rằng học trực tuyến không thể giải quyết được các vấn đề của việc dạy và học, đẩy giáo dục thành thương mại hóa, tạo khoảng cách giữa người học và người dạy, và có nguy cơ làm giảm chất lượng giáo dục.
Giáo dục trực tuyến cũng không phải là một phương pháp hoàn hảo. Điều quan trọng ở đây là làm thế nào để vượt qua giới hạn của phương pháp để tạo ra được một quy trình đảm bảo được chất lượng của việc học và giảng. Hiểu và nắm rõ các thách thức của phương pháp sẽ giúp mỗi tổ chức giáo dục tìm ra những giải pháp phù hợp cho môi trường giáo dục trực tuyến của mình.
Các thách thức của giáo dục trực tuyến
Yêu cầu hỗ trợ kỹ thuật thường xuyên, liên tục: Có nhiều nền tảng được phát triển và ứng dụng trong giáo dục trực tuyến. Ví dụ ở Vương quốc Anh thì các trường đại học dùng Blackboard hay Moodle. Ở Việt Nam, nhiều trường lựa chọn Zoom hay Microsoft Teams. Nhiều doanh nghiệp số đang phát triển các nền tảng cho riêng Việt Nam. Sau khi lựa chọn nền tảng cho thực hiện giáo dục trực tuyến thì nên dành thời gian hướng dẫn sử dụng nền tảng kỹ thuật cần thiết cho người học và người giảng, cùng với việc cài đặt các thiết bị kết nối (máy tính, điện thoại,…). Với sinh viên ở nhiều vùng miền khác nhau thì lớp học trực tuyến sẽ trở nên khó khăn vì chất lượng hình ảnh và âm thanh bị ảnh hưởng bởi đường truyền internet, cấu hình của thiết bị kết nối và trình độ tin học của người dùng. Cơ sở thạ tầng của mỗi người khác nhau cũng sẽ ảnh hưởng với máy chủ và tốc độ lan truyền. Ngoài một tài liệu hướng dẫn ngắn gọn các kỹ thuật cơ bản nhất thì bộ phận hỗ trợ kỹ thuật cũng cần được bổ sung nhân sự, đảm bảo khả năng phản ứng và trả lời nhanh các câu hỏi kỹ thuật, kết nối.
Phương pháp giảng dạy tốn nhiều thời gian: Người dạy trực tuyến thường mất nhiều thời gian hơn khi giảng dạy truyền thống, nhất là những khóa học đầu tiên. Ngoài thời gian để nắm bắt các kỹ năng cần thiết, thì người giảng còn phải dành thời gian cho ứng phó với những “bất ổn” kỹ thuật trong quá trình giảng, và đặc biệt là thời gian để đọc các thảo luận và phản hồi các câu hỏi của người học. Việc tương tác một-một qua email cũng tốn nhiều thời gian của người dạy. Tuy nhiên, thời gian này được coi là chi phí ban đầu. Sau khi đi vào hoạt động thì các vấn đề này sẽ không còn. Bên cạnh đó, người giảng còn có thể giảm thời gian tương tác thông qua việc chuẩn bị tài liệu kỹ càng cho khóa học và thiết kế trước các kênh, hình thức thảo luận.
Sự sẵn sàng của sinh viên trong việc học trực tuyến: Việc người học sẵn sàng để theo học các chương trình trực tuyến cũng tác động rất lớn đến thành công của chương trình. Đầu tiên là người học cần phải có công nghệ (máy tính và kết nối internet) và kỹ năng cần thiết để tiếp cận với học trực tuyến. Theo cách này, chi phí thiết bị được chuyển từ trường học sang người học. Ngoài ra, người học cũng phải tự chủ động trong việc học của mình vì không có điểm danh, giám sát. Việc có hoàn thành chương trình hoc hay không hoàn toàn phụ thuộc vào người học. Mức độ sẵn sàng còn thấp hơn nữa khi học viên là những người khuyết tật, bất tiện trong các thao tác kỹ thuật.
Thách thức cho người dạy: Để trở thành một người dạy trực tuyến hiệu quả sẽ mất một khoảng thời gian để làm quen với kỹ năng và kiến thức về máy tính và công nghệ. Các giảng viên càng lớn tuổi thì sự thích nghi công nghệ càng hạn chế. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng sự hài lòng của sinh viên về chương trình học trực tuyến phụ thuộc nhiều vào chất lượng của bài giảng và phương pháp sư phạm trực tuyến của người giảng hơn là về mặt công nghệ. Điều may mắn là các công cụ nền tảng trực tuyến hiện nay khá thân thiện với người sử dụng và người dạy có thể dễ dàng cập nhật nội dung, tích hợp các học liệu từ nhiều nguồn khác nhau để người học có thể truy cập trong một không gian riêng của lớp học trực tuyến.
Phản hồi và đánh giá: Các phản hồi và đánh giá có thể thiếu chính xác vì tương tác trực tuyến có thể làm giảm hiệu quả giao tiếp. Người học trực tuyến cũng dễ bị sao nhãng bởi nhiều yếu tố nằm ngoài phạm vi kiểm soát của người dạy. Về phương pháp đánh giá, dạy và học trực tuyến có thể sẽ phải dựa nhiều vào phương pháp trắc nghiệm, khó đánh giá được sát thực độ sâu kiến thức và năng lực của người học. Các bài luận cũng dễ bị gian lận hơn như thuê người viết bài hộ. Kinh nghiệm cho thấy là người giảng cần sáng tạo trong việc ra đề thi, chú trọng tới kiến thức, hiểu biết, khả năng phân tích, tổng hợp và đánh giá, cũng như các kỹ năng thể hiện các năng lực này.
Vượt qua thách thức của dạy và học trực tuyến thông qua phương pháp sư phạm nhân hóa
Theo nhiều nghiên cứu, vì giáo dục trực tuyến là môi trường ảo nên để tăng tính trao đổi, người dạy nên thực hành đối thoại và phản biện tự do theo phương pháp sư phạm nhân hóa của triết gia, nhà giáo dục người Brazil Paulo Freire. Freire cho rằng, thế giới quan của người học cấu thành nên giáo dục, đồng thời cả người học và người dạy cần tìm hiểu thế giới quan của nhau để tạo ra một thế giới quan mới được chia sẻ. Điều này gần như đi ngược với các quan điểm giáo dục trước đó.
Phương pháp sư phạm nhân hóa của Freire đã khơi nguồn sáng tạo cho nhiều học giả và các nhà cải cách giáo dục phương Tây và Mỹ La tinh. Họ đã phát triển phương pháp sư phạm nhân hóa của Freire thành phương pháp sư phạm của lòng yêu thương, hay dùng nó làm cầu nối giữa truyền thống và hiện đại.
Theo đó, người giảng nên tập trung vào khả năng phát triển con người trong cách thức đối thoại với sinh viên để giúp sinh viên phát triển ý thức phản biện. Khi sinh viên phát triển được ý thức phản biện trong việc học thì sinh viên cũng sẽ chính là một tác nhân cùng phát triển với giáo viên về nội dung và phương pháp học cho chính mình.
Tài liệu tham khảo:
1. Appana, S. (2008). A Review of Benefits and Limitations of Online Learning in the Context of the Student, the Instructor, and the Tenured Faculty. International Journal on E-learning, 7(1), 5-22.
2. Darder, A. (2017). Reinventing Paulo Freire: A Pedagogy of Love. New York: Routledge.
3. Pitsoe, V. J. and Letseka, M. M. (2016). Quality Assurance in Virtual Learning Environments for Open Distance Learning. In D. Cvetkovic (Edn), Virtual Learning, 71-85. DOI: 10.5772/65746.
4. Roberts, P. (2015). Paulo Freire in the 21st Century: Education, Dialogue, and Transformation. New York: Routledge.
5. Tyler-Smith, K. (2006). Early attrition among first time elearners: A review of factors that contribute to drop-out, withdrawal and non-completion rates of adult learners undertaking elearning programmes. Journal of Online Learning and Teaching, 2(2), 73-85.
(Xem tiếp kỳ 3)
* Tác giả:
PGS.TS. Bùi Thị Minh Hồng
Đại học Bath, Vương quốc Anh; Giám đốc mạng lưới giáo dục Edunet, Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global)
GS.TS. Nguyễn Đức Khương
Phó Giám đốc phụ trách nghiên cứu, IPAG Business School (Paris) & Giáo sư thỉnh giảng, Khoa quốc tế, ĐHQG Hà Nội & Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global)