Cách đây hơn 12 năm, lần đầu tiên Ngân hàng Thế giới phát hành trái phiếu xanh - công cụ tài chính mới mẻ phục vụ cho nhu cầu đầu tư vào các dự án môi trường - và châm ngòi cho một cuộc cách mạng bền vững trên thị trường vốn.
Bắt đầu từ một lời cảnh tỉnh
Vào năm 2007, Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc Liên Hợp Quốc đã công bố báo cáo không thể phủ nhận về sự ảnh hưởng của con người tới hiện tượng nóng lên toàn cầu. Phát hiện này, cùng với thiên tai xuất hiện ngày càng nhiều, khiến nhóm quỹ hưu trí ở Thụy Điển nghĩ đến việc dùng khoản tiết kiệm mà họ đang quản lý để thực hiện giải pháp nào đó có ích. Họ gọi đến ngân hàng SEB (Skandinaviska Enskilda Banken) xem có thể làm được gì không. Sau khi cân nhắc đề nghị, SEB đã làm cầu nối giữa những nhà đầu tư này với Ngân hàng Thế giới.
Nhìn lại thì thấy giải pháp có vẻ đơn giản. Các nhà đầu tư muốn một nơi trú ẩn an toàn để đặt tiền và biết rằng họ đang tạo ra sự khác biệt. Ngân hàng Thế giới lại có sẵn danh sách những dự án môi trường cần tài trợ, và có lý lịch là nhà phát hành trái phiếu chất lượng cao, cũng như có khả năng báo cáo tác động của dự án.
Nhưng mắt xích còn thiếu là làm thế nào để các nhà đầu tư thực sự chắc chắn được dự án mà họ đang hỗ trợ sẽ giải quyết vấn đề khí hậu?
Câu hỏi này dẫn đến cuộc điện thoại khác tới Trung tâm nghiên cứu môi trường và khí hậu quốc tế (CICERO). Những nhà khoa học ở CICERO là chuyên gia hàng đầu về các vấn đề khí hậu. Họ sẽ cung cấp góc nhìn đáng tin cậy xem liệu dự án đang diễn ra có tạo ra tác động tích cực đến môi trường hay không.
Nhiều cuộc trao đổi giữa nhóm quỹ hưu trí, SEB, CICERO và Ngân hàng Thế giới đã diễn ra. Thời gian đầu, mọi việc vô cùng khó khăn vì những tổ chức này vẫn giữ các quan điểm khác nhau của riêng mình. Họ không sử dụng cùng một ngôn ngữ, do vậy việc xóa bỏ khoảng cách giữa các lĩnh vực tài chính, phát triển và khoa học là thách thức không hề đơn giản.
Thay đổi bộ mặt tài chính
Thành công cuối cùng đã đến vào tháng 11/2008, khi Ngân hàng Thế giới chính thức phát hành Trái phiếu xanh – đặt nền tảng cho việc hình thành thị trường trái phiếu xanh ngày nay. Nó xác định các tiêu chí cho dự án đủ điều kiện nhận hỗ trợ (trong đó CICERO là bên cho ý kiến thêm) và yêu cầu báo cáo tác động phải trở thành phần không thể thiếu trong quy trình. Nó cũng thí điểm mô hình hợp tác mới giữa các nhà đầu tư, ngân hàng, cơ quan phát triển và nhà khoa học.
Có thể nói, trái phiếu xanh đã nâng cao nhận thức chung về thách thức của biến đổi khí hậu và chứng minh rằng các nhà đầu tư có thể hỗ trợ những giải pháp khí hậu như một khoản đầu tư an toàn mà không mất lợi nhuận.
Nguyên tắc trái phiếu xanh cũng được hình thành do Hiệp hội thị trường vốn quốc tế (ICMA) điều phối, nhấn mạnh đến các giá trị xã hội mà hình thức trái phiếu này có thể đem lại và chú trọng vào tính minh bạch của dự án.
Từ đó đến đầu năm 2019, Ngân hàng Thế giới đã huy động được hơn 13 tỷ USD thông qua gần 150 trái phiếu xanh cho các nhà đầu tư tổ chức và bán lẻ trên toàn cầu. Các dự án Năng lượng tái tạo, Hiệu suất năng lượng và Giao thông sạch chiếm phần lớn (69%) trong danh mục các dự án đủ điều kiện của trái phiếu xanh tính đến giữa năm 2018.
Báo cáo Tác động Trái phiếu Xanh đầu tiên của Ngân hàng Thế giới phát hành năm 2019 là một tiêu chuẩn và kiểu mẫu cho các báo cáo tác động được thị trường công nhận rộng rãi. Hiện nay, các tổ chức phát hành trái phiếu xanh không chỉ có Ngân hàng Thế giới mà còn gồm nhiều công ty, ngân hàng thuộc nhiều quy mô tại một số quốc gia. Họ thường xuyên đo lường, theo dõi và báo cáo tác động xã hội, môi trường về các khoản đầu tư của mình.
Số liệu thống kê cho thấy Quỹ Thế chấp Nhà ở Quốc gia Liên bang Mỹ (Fannie Mae) là nhà phát hành trái phiếu xanh lớn nhất tính theo giá trị theo năm. Năm 2018, quốc đảo Fiji đã phát hành trái phiếu chính phủ xanh đầu tiên trên thị trường mới nổi. Các ngân hàng hoạt động trên thị trường vốn quốc tế đều có nhân viên chuyên về tài chính trái phiếu xanh hoặc trái phiếu bền vững. Tiêu chí cho vay xanh cũng được tích hợp trong các khoản vay.
Chỉ trong hơn 10 năm, thế giới đã hình thành cả một ngành công nghiệp chuyên thẩm định và cung cấp ý kiến, do các công ty đánh giá xếp hạng và nhiều đơn vị khác đảm nhận nhằm cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư và đơn vị hỗ trợ phát hành.
Khái niệm “trái phiếu xanh” về môi trường và biến đổi khí hậu cũng được mở rộng sang các nhãn khác, chẳng hạn như trái phiếu xã hội cho các dự án có tác động xã hội tích cực hay trái phiếu lam (blue bond) cho các dự án liên quan đến biển và đại dương.
Một cuộc cách mạng theo hướng bền vững
Hơn 10 năm đã qua đi, thị trường vốn đã phát triển từ một nơi mà nhà đầu tư ít biết và ít quan tâm xem đồng tiền của họ được dùng để làm gì, thành một nơi mà mục đích sử dụng vốn trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Tiền đề cơ bản của trái phiếu xanh đã được áp dụng sang các lĩnh vực khác - từ mô hình chọn dự án, có bên thứ ba cung cấp ý kiến thêm đến xây dựng báo cáo tác động. Ngày nay, nhiều loại trái phiếu đã có riêng cho từng mục đích phát triển cụ thể. Từ năm 2008-2018, có hơn 500 tỷ USD vốn được gọi từ những trái phiếu kiểu này.
Sự quan tâm của các nhà đầu tư vào mục đích xã hội và môi trường phản ánh một sự thay đổi cơ bản trong thị trường trái phiếu. Các nhà đầu tư hiểu được sức mạnh của mình khi hỗ trợ các sáng kiến họ quan tâm, nhưng không phải từ bỏ lợi nhuận.
Các nhà đầu tư đang nhìn xa hơn thị trường hẹp của những loại trái phiếu được dán nhãn xanh để hiểu cách thức các tổ chức phát hành trái phiếu sử dụng khoản tiền đầu tư của họ. Đó là một thị trường lớn hơn rất nhiều, gồm các
trái phiếu phát triển bền vững. Hàng năm, chỉ riêng Ngân hàng Thế giới đã phát hành hơn 50 tỷ USD trái phiếu phát triển bền vững – một con số vượt xa so với trái phiếu xanh.
Trái phiếu xanh đã châm ngòi một cuộc cách mạng. Bức tranh lớn hơn là làm thế nào để tiếp tục cuộc cách mạng này và hướng nó tới việc đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) vào năm 2030. Cấu trúc của các loại trái phiếu và báo cáo tác động của nó sẽ càng trở nên tinh tế hơn. Một ngày nào đó, mọi nhà đầu tư sẽ hỏi, “Tác động của tôi là gì?” và trông đợi câu trả lời thuyết phục với dữ liệu rõ ràng.
Nguồn: